Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè

08:05, 17/05/2013

Hiện đã bước vào mùa nắng nóng, nhiều bệnh có nguy cơ phát sinh và bùng phát thành dịch, đó là các loại bệnh lây truyền qua đường hô hấp như tiêu chảy do vi-rút rô-ta, tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, cúm A(H5N1)… Theo Trung tâm YTDP tỉnh, trong 4 tháng đầu năm 2013, Trung tâm đã giám sát được 6 ca bệnh tay - chân - miệng, trong đó 5 ca ở xã Trực Thuận (Trực Ninh), 1 ca ở xã Giao Long (Giao Thủy); 3 trường hợp nhiễm khuẩn liên cầu lợn, trong đó 2 trường hợp ở huyện Ý Yên, 1 trường hợp ở huyện Vụ Bản mắc bệnh do ăn tiết canh và giết mổ lợn; 3 ca nghi ngờ sốt xuất huyết. Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch tễ trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bởi tỉnh ta có số lượng người đi làm ăn xa đông nên có khả năng mang mầm bệnh của địa phương khác về; tại các huyện như Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực đang phát triển mô hình chăn nuôi lợn với số lượng lớn tại gia đình, nên tiềm ẩn nguy cơ cao lây truyền các bệnh từ động vật sang người.

Chuẩn bị bữa ăn cho các cháu ở Trường Mầm non Nam Vân (TP Nam Định).
Chuẩn bị bữa ăn cho các cháu ở Trường Mầm non Nam Vân (TP Nam Định).

Trước tình hình trên, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo Trung tâm YTDP tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với phòng NN và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh lợn tai xanh, cúm A(H5N1) trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC); triệt để xử lý ổ dịch, triển khai các hoạt động phòng chống dịch lây lan sang người, đặc biệt là các huyện đang có dịch trên đàn GSGC. Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm YTDP tỉnh đã tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh tại các bệnh viện để điều tra dịch tễ, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực và vật tư như các loại vắc xin, thuốc khử trùng, hóa chất, vôi bột..., sẵn sàng xử lý các tình huống dịch bệnh xảy ra. Hướng dẫn các Trung tâm Y tế tuyến huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông giáo dục sức khỏe và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường gặp nhằm giúp người dân hiểu, tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Trung tâm cũng tăng cường công tác giám sát dịch tễ tại địa bàn, nơi có các ổ dịch cũ, nhất là sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng, sởi, rubela để chẩn đoán, phát hiện, điều trị, cách ly kịp thời. Hướng dẫn thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc tại các trường mầm non, tiểu học khi phát hiện bệnh nhân mắc bệnh tay - chân - miệng và các dịch bệnh nguy hiểm khác. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến thôn trong việc thực hiện giám sát, phát hiện, thông báo tình hình các bệnh lây từ động vật sang người như cúm gia cầm, bệnh do liên cầu lợn ở người, đặc biệt là ở địa bàn có gia cầm, thủy cầm chết. Các Trung tâm Y tế tuyến huyện chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo tình hình dịch bệnh hằng ngày về đội y tế dự phòng; tăng cường công tác giám sát, phát hiện bệnh sốt rét, bệnh tay - chân - miệng để xử lý kịp thời; chuẩn bị đủ các phương tiện, thuốc men, hóa chất để đối phó khi có dịch bệnh xảy ra... Chi cục ATVSTP tỉnh cũng tăng cường giám sát chặt chẽ VSATTP, đặc biệt là những thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao như thực phẩm ăn ngay, thức ăn chế biến sẵn, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, nước đá, thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể...; phối hợp với các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra VSATTP trên địa bàn. Trung tâm Truyền thông - GDSK đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về các biểu hiện bệnh, đường lây nhiễm, cách phòng tránh dịch cúm A(H7N9), cúm A(H5N1), sốt xuất huyết và dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, đồng thời vận động mọi người tích cực thực hiện các biện pháp tham gia phòng, chống bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng, thực hiện “ăn chín, uống sôi” để phòng tránh các dịch bệnh mùa hè. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện và Bệnh viện Nhi tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, hoá chất phục vụ công tác chống dịch, có bộ phận sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Củng cố các đội cơ động cấp cứu ngoại viện sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới khi cần thiết.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn của các loại dịch bệnh có thể bùng phát vào thời điểm nắng nóng hiện nay, các địa phương cần chỉ đạo các ban, ngành, các hội, đoàn thể trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý vệ sinh môi trường. Chỉ đạo các trạm thú y tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh của các đơn vị, địa phương. Phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển GSGC và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC, kịp thời phát hiện các ổ dịch để dập dịch và xử lý triệt để, ngăn chặn dịch lan rộng. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn tình trạng vận chuyển GSGC không rõ nguồn gốc qua địa bàn, việc kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm từ GSGC chưa qua kiểm dịch; chuẩn bị đầy đủ lượng hóa chất và các phương tiện khác để phòng, chống dịch bệnh kịp thời. Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân các xã, thị trấn có kế hoạch cụ thể trong công tác phòng, chống dịch bệnh, VSATTP, vệ sinh môi trường, khám chữa bệnh cho nhân dân; tổ chức phát quang bụi rậm, diệt bọ gậy, vệ sinh nguồn nước; định kỳ họp nắm tình hình để chỉ đạo tốt các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com