Vũ Minh Tằng – Người cựu tù Phú Quốc kiên cường

03:06, 08/06/2010
Chiến tranh đã lùi xa 35 năm, nhưng những ký ức, những vết thương bởi chiến tranh vẫn hằn sâu trên người thương binh Vũ Minh Tằng, ở thôn Tiên Hào, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản). Ông là minh chứng của một thế hệ tuổi trẻ đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Cựu chiến binh Vũ Minh Tằng tại nhà riêng.
Cựu chiến binh Vũ Minh Tằng tại nhà riêng.
 
 
I - Bị đập nát đầu gối, nhổ 10 cái răng

Sau khi Bảo tàng Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày do những người cựu tù Phú Quốc lập nên ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), CCB Vũ Minh Tằng không quản vất vả, khó khăn vượt gần trăm km để lên trao kỷ vật kháng chiến. Món đồ ông mang theo đã gây sửng sốt lãnh đạo Bảo tàng này bởi không phải là những chiếc áo, bình biđông, lá cờ, tập nhật ký... như những người bạn tù cùng thời mà là 9 chiếc răng của chính ông khi bị bọn địch tại nhà tù Phú Quốc dùng tuýp sắt bẻ gãy. Ông kể: "Nếu tính cả 1 cái còn nằm trong bụng thì ngày đó bọn địch đã nhổ của tôi tất cả 10 cái răng". Đây là những kỷ vật thiêng liêng mà ông đã cố cất giữ để nói lên sự khủng khiếp của chiến tranh, đồng thời giáo dục thế hệ con cháu biết nâng niu, gìn giữ hoà bình mà bao thế hệ cha ông đã đổ xương máu dành được.
Hơn 40 năm qua, trong ký ức của CCB Vũ Minh Tằng không thể quên được ngày khủng khiếp đó. Đó là một ngày cuối tháng 12-1968, ông bị địch dẫn giải từ trại A2B2 lên Nhà điều hành trại giam của địch trên đảo Phú Quốc chịu sự "trừng phạt" của tên cai ngục Bảy Nhu khét tiếng tàn ác, kẻ đã đề ra hàng trăm kế sách tra tấn các tù chính trị với những hình thức tra tấn của thời Trung cổ như đánh roi cá đuối, đục răng, quấn dây điện cho điện giật, quấn giẻ 10 đầu ngón tay tẩm xăng đốt, cho rắn đớp... Dưới sự chỉ đạo của tên cai ngục Bảy Nhu, bọn quân cảnh đã còng chân ông vào cùm rồi dùng vồ đập mỗi đầu gối 70 phát khiến hai đầu gối của ông nát bét. Sau đó, chúng đóng 3 chiếc đinh vào mỗi đầu gối. Bọn địch còn dùng tuýp sắt nhổ liên tiếp 10 chiếc răng của ông. Sau màn tra tấn khủng khiếp, chúng đưa ông về giam tại “chuồng cọp” A2. Ở "địa ngục trần gian" Phú Quốc, cùng với những nhà tù giam giữ phạm nhân chính trị bình thường thì "chuồng cọp" được anh em tù nhân gọi là "nhà mồ" bởi rất nhiều người bị giam giữ ở đây rồi mãi mãi ra đi. Đây là nơi giam giữ những chiến sỹ cách mạng trung kiên, gan dạ nhất và cũng nguy hiểm nhất với địch. Tại đây, mặc dù diện tích chật hẹp, anh em tù nhân đã dành cho ông Vũ Minh Tằng được một khoảng trống để nằm. Được sự chăm sóc của các bạn tù, đặc biệt là 2 người bạn tù cùng quê là Trương Mỹ Lâm (Xuân Trường) và Vũ Trung Huấn (Vụ Bản), ông Tằng đã vượt qua cơn "thập tử nhất sinh". Hầu như không còn hy vọng sống sót nhưng ông vẫn cố gắng giữ lại những chiếc răng mà kẻ địch đã nhổ để mang về làm kỷ niệm răn dạy con cháu tự hào về một thời đổ máu của các thế hệ cha anh vì nền độc lập dân tộc.

II - Một lòng kiên trung với Đảng, với Bác Hồ

Tháng 6-1962, ông Vũ Minh Tằng cùng 8 người con ưu tú của quê hương Vĩnh Hào lên đường vào Nam chiến đấu. Từ tháng 12-1965 đến tháng 9-1967, ông là chiến sỹ của Sư đoàn 320 chiến đấu với Không vận số I của Mỹ tại chiến trường Quảng Ngãi. Với tinh thần chiến đấu quả cảm, 2 lần ông được tuyên dương Dũng sỹ diệt Mỹ. Trong một trận đánh ác liệt tại hang Đá Chẹt, ông bị thương vào đầu và bị địch bắt đưa về nhà thương Phú Tài (Quy Nhơn, Bình Định) sau 13 tiếng nằm tại nhà thương, ông bị địch đưa lên máy bay trực thăng chở thẳng ra "Địa ngục trần gian" Phú Quốc. Do có trình độ văn hoá lớp 9 và nghiệp vụ y sĩ nên tại nhà tù, ông Tằng vừa hoạt động chính trị vừa cứu thương cho anh em tù nhân. Năm 1972, ông được bầu là bí thư chi bộ nhà lao A2. Trong những ngày lãnh đạo anh em trong nhà lao A2 đấu tranh, bọn địch dùng nhiều hình phạt khốc liệt. Dưới sự lãnh đạo của ông, các chiến sĩ cách mạng nhà lao A2 đã kiên trung một lòng son sắt với Đảng, với Bác Hồ. Ông kể: "Địch bắt anh em phải hô khẩu hiệu "Đả đảo Bác Hồ". "Xin thua"... mới cho ăn cơm nhưng các chiến sỹ cách mạng quyết không hô. Dưới sự chỉ đạo của tên cai ngục Bảy Nhu, địch điên cuồng đánh đập các chiến sỹ cách mạng, bắt anh em phải nhịn đói. Có những lần đấu tranh, hơn một tuần địch không cho anh em ăn cơm, nhiều người chết đói, chết khát nhưng không một ai hô khẩu hiệu. "Chúng tôi có thể chết, nhưng dù chỉ còn một hơi thở chúng tôi luôn hướng niềm tin sắt son về Đảng, về Bác, với mong muốn đất nước được độc lập. Trong tù, vào những ngày Quốc khánh 2-9, Ngày sinh nhật Bác Hồ 19-5…, anh em đều làm những lá cờ Tổ quốc và hát vang Quốc ca". Trong những ngày làm bí thư chi bộ nhà lao A2, ông Tằng đã lên kế hoạch cho 100 anh em chiến sỹ vượt ngục. Tuy nhiên do bị một tên cài cắm trong nhà lao chỉ điểm, ông Tằng bị địch đưa đi chịu cực hình và sống 4 tháng ở "chuồng cọp" và được thả ra theo Hiệp định Pari. "Chuồng cọp" là một căn phòng làm bằng sắt có chiều cao 1,8m được chia thành 3 tầng. Với diện tích chỉ khoảng 24m2, “chuồng cọp” lúc nào cũng đầy ắp 300 người. Do diện tích chật hẹp nên các tù nhân không thể đi, đứng được. Cứ khoảng 5 phút, mọi người trong các tầng luân phiên nhau nhoi ra ngoài hít thở không khí qua khe sắt. Sự khủng khiếp của "chuồng cọp" còn thể hiện ở chỗ, do nằm giữa một bãi cát rộng lại soi chiếu dưới cái nắng khủng khiếp ở Phú Quốc nên lúc nào nơi đây cũng nóng như thiêu như đốt. Bên cạnh đó, địch đối xử hết sức tàn nhẫn. Không chỉ cho ăn đói, nhiều khi chúng trộn cơm với máu, phân của tù nhân ngay trước mặt. Còn về nước uống, mỗi ngày chúng cho mỗi người chỉ được 10cc. Nhiều khi không nước uống, anh em đi tiểu thì lấy tay hứng lại rồi chia từng người nhấp vào miệng. Tất cả những gì địch làm đều nhằm làm suy giảm ý chí của các chiến sỹ cách mạng bị tù đày. Chính sự khắc nghiệt của "chuồng cọp" mà nhiều chiến sỹ cách mạng đã không còn sống sót đến ngày đất nước độc lập. Có ngày, 170 chiến sỹ đã ra đi. Người chết vừa được khuân đi xong, bọn địch lại đưa vào cho đủ 300 phạm nhân. Ngày ra tù, ông Tằng chỉ còn thân hình tiều tuỵ với 23kg. Tuy vậy, ông thấy mình được sống là hạnh phúc bởi theo tài liệu lịch sử, mặc dù chỉ tồn tại có 7 năm (từ năm 1966 đến khi kết thúc Hiệp định Pari), nhà tù Phú Quốc đã giam giữ 40 nghìn tù nhân cộng sản và người dân yêu nước, trong đó hơn 4000 người đã hy sinh ở nơi đây bởi những đòn tra tấn tàn độc của kẻ thù.
Cũng như hàng trăm cựu tù nhân quê hương Nam Định bị giam giữ tại nhà tù Phú Quốc, sau khi được về quê hương, ông Vũ Minh Tằng tiếp tục cống hiến cho quê hương, cho đất nước. Sau nhiều năm công tác tại Bộ CHQS tỉnh, ông trở về quê xã Vĩnh Hào (Vụ Bản). Dù sức khoẻ yếu, thường xuyên bị những vết thương hành hạ nhưng ông vẫn tích cực tham gia xây dựng quê hương, động viên các con học hành thành đạt, xây dựng cuộc sống ấm no./.
Bài và ảnh: Đức Thiện


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com