Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non (kỳ II)

02:06, 09/06/2010

(Tiếp theo và hết)

II - Những kiến nghị và giải pháp

 

Giờ học về An toàn giao thông ở trường mầm non Trực Bình (Trực Ninh).   Ảnh: Xuân Thu

Giờ học về An toàn giao thông ở trường mầm non Trực Bình (Trực Ninh).

                                                                              Ảnh: Xuân Thu

Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và ban hành các chính sách nhằm phát triển ngành học giáo dục mầm non. Do vậy, giáo dục mầm non tỉnh nhà đã phát triển về quy mô trường lớp, chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, phát triển giáo dục mầm non ở tỉnh ta vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Do đặc thù của từng địa phương, việc phân bố các trường mầm non hiện nay còn chưa đồng đều, có 259 trường mầm non được phân bố trên 227 xã, phường, thị trấn, trong đó có 196 xã, phường, thị trấn có 1 trường mầm non, 30 xã, phường, thị trấn có 2 trường mầm non, 1 xã có 3 trường mầm non và còn 2 phường của thành phố Nam Định (Trần Quang Khải, Thống Nhất) chưa có trường mầm non đóng trên địa bàn. Đối với các trường mầm non công lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học chủ yếu do ngân sách Nhà nước đầu tư và một phần do phụ huynh đóng góp cùng nguồn kinh phí từ xã hội hóa giáo dục. Ở các trường bán công, tuy các địa phương đã có nhiều cố gắng cùng với sự hỗ trợ từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhưng hiện vẫn còn 102 phòng học cho trẻ phải học nhờ tại các nhà văn hóa, 156 phòng học tạm, không bảo đảm cho việc nuôi dạy trẻ và 1.435 phòng học cấp 4. Từ năm 2000, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn các lớp lẻ vào khu tập trung; nhiều địa phương đã có quy hoạch tổng thể, dành đất xây dựng trường mầm non bảo đảm diện tích xây dựng lớp học và các công trình phụ trợ. Nhưng đến nay, nhiều trường còn phân tán ở nhiều điểm lẻ, nhất là ở vùng nông thôn. Hiện tại toàn tỉnh có 94,1% các trường có từ 1-4 điểm trường; 5,9% có từ 5-10 điểm trường, không phù hợp với việc chăm sóc, giáo dục trẻ theo khoa học; 71% các cơ sở nhóm lớp mầm non tư thục chưa được cấp giấy phép hoạt động. Đối chiếu với quy định tại Điều lệ trường mầm non, các trường mầm non trong tỉnh còn thiếu 155.803 m2 đất và thiếu 408 phòng học. Bên cạnh đó, nhiều trường còn thiếu phòng học, nhiều nơi còn chưa có phòng học chức năng, thiết bị học tập, đồ chơi ngoài trời cho trẻ còn nghèo nàn, chưa đúng quy cách. Ở những trường mầm non này, thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi phục vụ cho các hoạt động giáo dục trẻ đều do cô giáo tự làm hoặc do cha mẹ trẻ đóng góp. Đối với những trường đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, việc đầu tư thiết bị đồ chơi ngoài trời ở mức 30 triệu đồng/trường như hiện nay là quá ít để bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Theo thống kê, đến hết năm học 2009-2010, tỷ lệ trẻ nuôi ăn bán trú tại trường mầm non đạt 82,8%, tuy nhiên, một số trường ở nông thôn tỷ lệ trẻ được nuôi dưỡng còn thấp do chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, mức đóng góp ăn cho trẻ/ngày còn thấp, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng còn cao. Hiện vẫn còn 16% các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo chưa thực hiện được các quy định về đổi mới giáo dục mầm non do chưa đủ điều kiện phòng học, phòng chức năng và trình độ đội ngũ. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở một số nhóm, lớp mầm non tư thục còn hạn chế, thiếu an toàn. Cùng với thực trạng của cả nước, số giáo viên mầm non được hưởng biên chế Nhà nước còn quá ít chỉ chiếm 14,9% tổng số cán bộ giáo viên trong toàn ngành. Trước đây, những cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên thuộc các trường mầm non công lập đa số thuộc biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Khi cán bộ, giáo viên nghỉ chế độ hoặc chuyển công tác, những giáo viên thay thế sẽ được tuyển bổ sung vào những biên chế còn thiếu. Nhưng, từ năm 2000 đến nay tỉnh ta chỉ tuyển dụng vào biên chế đối với những sinh viên học đại học sư phạm mầm non hệ chính quy tốt nghiệp loại giỏi có hộ khẩu thường trú tại tỉnh. Từ năm 2005, tỉnh thực hiện tuyển biên chế đối với sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non loại giỏi. Số sinh viên có trình độ trung cấp, cao đẳng sư phạm mầm non chính quy khác chỉ được xem xét giải quyết làm việc theo hình thức hợp đồng, hưởng sinh hoạt phí từ nguồn thu học phí của học sinh và hỗ trợ của một số địa phương, đồng thời từ năm 2008, tỉnh đã hỗ trợ cho đội ngũ ngoài biên chế theo hệ số 0,6 và 17% bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu. Như vậy, mỗi tháng, giáo viên ngoài biên chế có mức thu nhập bình quân chỉ từ 650 nghìn đồng đến 850 nghìn đồng. So với mặt bằng thu nhập chung, đời sống của đội ngũ giáo viên ngoài biên chế (6.010 người) còn rất khó khăn, chưa tương xứng với trình độ đào tạo và công sức lao động đặc thù đối với ngành học. Tuy vậy, căn cứ Quyết định 448/QĐ-UBND về việc quy định số lượng giáo viên mầm non được hỗ trợ tiền trợ cấp, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong các trường mầm non xã, phường, thị trấn thì hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 925 người chưa được tỉnh hỗ trợ sinh hoạt phí (trong đó các địa phương đã hợp đồng 407 người). Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 216 trường mầm non chưa có kế toán (chiếm 83%) và 251 trường chưa có nhân viên y tế (chiếm tới 97%).

Truớc thực trạng khó khăn của ngành học mầm non, vừa qua, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo Đề án Phát triển giáo dục mầm non tỉnh đến năm 2015, đưa ngành học trở thành nền móng quan trọng trong hệ thống giáo dục của địa phương. Nếu đề án được phê duyệt và triển khai, tỉnh sẽ cùng các địa phương tập trung xây dựng hệ thống trường, lớp mầm non đạt chuẩn, theo hướng tiên tiến và hiện đại, bảo đảm đến năm 2015 hầu hết trẻ em đều được chăm sóc, giáo dục bằng những hình thức thích hợp, thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc và toàn diện về số lượng và chất lượng giáo dục mầm non. Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi toàn bộ các trường mầm non bán công sang trường công lập, bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một trường mầm non công lập đóng trên địa bàn. Huy động trẻ đến trường mầm non tăng 0,5%/năm. Đến năm 2015, 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, hàng năm huy động 99,9% đến 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường để chuẩn bị vào lớp 1. Tạo điều kiện huy động trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non ra lớp. Nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống dưới 9,5% vào năm 2011, dưới 7,5% vào năm 2015. 100% các trường mầm non thực hiện chương trình chăm sóc, giáo dục theo quy định của Bộ GD-ĐT, 80% số trường mầm non ứng dụng tin học trong quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ. Phấn đấu đến năm 2015 có 95% cán bộ quản lý đạt chuẩn về kiến thức quản lý giáo dục; 100% cán bộ quản lý đạt trình độ chuẩn, trong đó trên chuẩn đạt 90%, có 50% - 60% đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị; 98% giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có từ 40% trên chuẩn, 60-70% có trình độ tin học (trình độ A). 100% giáo viên dạy lớp mầm non 5 tuổi đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có 50%- 60% trên chuẩn. Cải thiện chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên ngoài biên chế. Bảo đảm đủ quỹ đất và đầu tư xây dựng trường mầm non. Xóa phòng học tạm, học nhờ; xây dựng 70% phòng học cấp 4 và phòng học còn thiếu; tiếp tục xóa khu lẻ xây dựng thành khu mầm non tập trung. Hàng năm có từ 15-20 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia để đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 60% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Để Đề án phát triển giáo dục mầm non đến năm 2015 trở thành hiện thực và đạt hiệu quả cao, cần có sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đó là một động lực quan trọng để đưa ngành học mầm non trở thành ngành học có nền móng vững chắc trong hệ thống giáo dục đào tạo trước yêu cầu mới./.

Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com