Chuyện người cựu chiến binh “Trở về sau giấy báo tử”

09:08, 06/08/2010

Vợ chồng ông Đặng Hải Lung tại nhà riêng.
Vợ chồng ông Đặng Hải Lung tại nhà riêng.
Cựu chiến binh Đặng Hải Lung, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) được biết đến với câu chuyện cảm động "Người trở về sau giấy báo tử" trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Trong nhịp sống mới, bằng nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của gia đình và xã hội, ông đã vượt khó vươn lên, trở thành những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước, làm kinh tế giỏi xứng danh với phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ".

Chúng tôi về xóm Bảo Lộc thăm gia đình cựu chiến binh Đặng Hải Lung vào một ngày tháng Bẩy. Tiếp chúng tôi là bà Trần Thị Thoa, là vợ người cựu chiến binh được bà con lối xóm yêu mến, trân trọng với câu chuyện "Người trở về sau giấy báo tử". Rót nước mời khách, giọng bà Thoa niềm nở:

- Mấy năm nay, sức khỏe nhà tôi yếu rồi. Những vết thương từ những đòn tra tấn của kẻ thù, từ bom đạn chiến tranh luôn hành hạ ông Lung mỗi khi trái gió trở trời. Ấy vậy, có việc xóm, việc thôn… dù mấy ngày nằm mệt, bỏ bữa, ông cố gượng dậy… khỏe ra đến lạ, tham gia nhiệt tình công tác khuyến học, khuyến tài, sinh hoạt CLB người cao tuổi, CLB gia đình hạnh phúc. Tuổi cao, sức yếu, con cháu góp ý, nhà tôi gạt phắt "Bố còn sức khỏe, việc gì có thể giúp bà con, đóng góp với phong trào thì làm đến hết cái tâm".

Ngoài cửa, ánh trời choạng vạng; tiếng nói cười rôm rả của bà con sau buổi làm đồng làm cho xóm ngõ càng thêm tấp nập. Dõi mắt về khoảng không gian, bà Thoa tiếp lời:

- Năm 1970, gia đình tôi nhận được "giấy báo tử" do Quân khu Hữu ngạn, Tỉnh Đội Nam Hà báo tin về trường hợp của chồng tôi là Đặng Hải Lung, hy sinh tháng 8-1968 tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Sau đó, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Phúc đã tổ chức lễ truy điệu cho liệt sỹ Đặng Hải Lung. Vào một chiều đông năm 1973, khi đi dạy học về, tôi nghe tiếng gọi "Thoa! Thoa ơi…! Anh Lung còn sống!". Như tỉnh như mơ, tôi không tin vào mắt mình khi cầm trên tay bức thư của chồng tôi, dù không một lời thăm hỏi nhắc đến tôi, nhưng đúng là nét chữ của anh Lung không lẫn vào đâu được. Sau này tôi mới biết, vì hơn 6 năm bị bắt giam, tù đầy, không có điều kiện liên lạc, thư từ, anh Lung e ngại, do hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, tôi đã lập gia đình nên sau hiệp định Paris, thoát khỏi nhà tù Phú Quốc, anh viết thư báo tin với họ hàng, nhưng cũng không cho biết khi ấy anh ở đâu. Lần theo dấu bưu điện, tôi viết đơn xin nghỉ phép, quyết tâm đi tìm chồng. Ngày gặp mặt tại khu điều dưỡng huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), tôi kể chuyện, ông ấy mới hay, mình là một liệt sỹ, đã được làm lễ truy điệu. Dù giận chồng, nhưng tôi đã khóc rất nhiều khi nghe nhà tôi an ủi "Anh bị tù đầy, tra tấn 6 năm nhưng không bằng nỗi đau và sự hy sinh chịu đựng của em!". Tính nhà tôi là thế. Luôn sống và nghĩ cho mọi người mà không nghĩ đến mình.

Câu chuyện đang dang dở thì ông Lung trở về. Bên ấm trà xanh, chúng tôi lặng nghe câu chuyện cảm động về gia cảnh của người cựu chiến binh.

Ông Đặng Hải Lung sinh năm 1940 trong một gia đình nông dân nghèo tại xóm Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). Mồ côi cha mẹ từ khi 5 tuổi, tuổi thơ ấu, ông phải đi ở đợ cho các gia đình địa chủ. 15 tuổi, ông tham gia phong trào Thanh niên cứu quốc địa phương. Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông nhập ngũ, đến năm 1963, phục viên trở về công tác tại địa phương đảm nhận cương vị bí thư đoàn xã. Thời gian này, ông quen thân với cô du kích Trần Thị Thoa. Thương cảm hoàn cảnh của nhau, họ kết duyên nên vợ nên chồng tổ chức đám cưới trong sự vun đắp của gia đình, bạn bè. Cưới nhau chưa đầy tuần trăng, tháng 4 năm 1965, ông Đặng Hải Lung tình nguyện nhập ngũ, được điều về Trung đoàn 568 chiến đấu tại mặt trận Đông Nam Bộ. Tháng 3 năm 1968, trong một trận chống địch càn tại vùng ven huyện Bình Chánh, hầm của ông bị trúng pháo kích của địch; 9 đồng đội của ông hy sinh, ông Lung ngất xỉu do sức ép của pháo. Máy bay địch càn qua, chúng phát hiện ra ông trong tình trạng bất tỉnh rồi đưa về nhà tù Biên Hòa. Đồng đội quay lại tìm không thấy, tưởng ông bị địch thủ tiêu, hy sinh, nên đơn vị đã gửi "Giấy báo tử" về địa phương và gia đình. Và cũng từ ngày đó, ông Lung bắt đầu những ngày tháng lưu đầy qua các nhà tù của chính quyền Mỹ - nguỵ. Tại phòng giam có 4 đồng chí chung hoàn cảnh với ông bị địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, nhưng các chiến sỹ cách mạng không khai nửa lời. Điên cuồng, địch dùng mọi cực hình: quấn dẻ, tẩm xăng lên các đầu ngón tay, châm lửa; dùng dây điện gắn lên cơ thể, quay tít, toàn thân ông co giật, ứa máu. Sau mỗi trận đòn "chết đi, sống lại", các ông được đồng đội, đồng chí trong khu biệt giam chăm sóc. Trước sự tra tấn dã man của địch, 3 người chiến sỹ đã hy sinh vì kiệt sức, mất máu; ông Lung bị chúng chuyển ra nhà tù Phú Quốc với gần 6 năm sống cảnh tù đầy. Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, ông thoát khỏi nhà tù đế quốc.* * *

Nơi quê nhà, kể từ ngày anh Lung vào chiến trường mặt trận phía Nam, thời kỳ những năm đầu đánh Mỹ, trong các lá thư gửi về cho chị Thoa, anh động viên vợ và thường kể chuyện chiến trường, về những chiến công của những người lính Cụ Hồ, về sự giúp đỡ đùm bọc của nhân dân địa phương Long An, Tây Ninh và các vùng ven mặt trận Sài Gòn - Gia Định, nơi các anh đóng quân và chiến đấu. Với chị Thoa, dù cưới nhau chưa đầy tuần trăng, chồng lên đường nhập ngũ, chị hiểu và ý thức rằng, dù người chồng không bao giờ kể về nỗi gian nan, hiểm nguy nơi "túi bom, vựa đạn" nơi chiến hào, nhưng để có được chiến thắng trước kẻ thù, chồng chị và các đồng đội luôn phải đối mặt với sự sống và cái chết. Năm 1970, chị nhận được "giấy báo tử" của chồng. Theo “giấy báo tử”, anh Lung hy sinh tháng 8 năm 1968, nên trong buổi lễ truy điệu, họ hàng và gia đình cũng làm mâm cơm giỗ 3 năm của liệt sỹ Đặng Hải Lung. Hết vận khăn trắng, mọi người động viên chị Thoa lập gia đình, nhưng chị quyết tâm ở vậy. Năm 1973, chị nhận được tin chồng còn sống, dù không có dòng thông tin về anh, nhưng chị vẫn khăn gói, thu xếp công việc để đi tìm chồng. Chị bắt xe tìm đến các khu điều dưỡng khắp các tỉnh phía Bắc. Thời đó, giao thông đi lại khó khăn; bước chân vạn dặm, không quản gian nan, tình yêu và niềm tin của chị cũng được thỏa lòng. Sau bao ngày xa cách, chịu đựng nhiều hy sinh, mất mát, anh chị đã gặp nhau tại khu điều dưỡng huyện Tiên Yên (Quảng Ninh).

Sau khi trở về quê hương, ông Đặng Hải Lung công tác tại trường Quân chính (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Năm 1981, sau khi nghỉ chế độ, ông tham gia công tác Đảng, chính quyền tại địa phương như bí thư chi bộ, trưởng xóm, đội trưởng đội sản xuất. Bên cạnh đó, ông năng động trong phát triển kinh tế hộ gia đình kè ao, thả cá, xây chuồng nuôi lợn nái, nuôi gà. Gia đình ông có 3 người con, các cháu đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm ổn định, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu "Gia đình thương binh làm kinh tế giỏi" của huyện Mỹ Lộc. Mục sở thị ngôi nhà mái bằng khang trang, đầy đủ tiện nghi và mô hình chăn nuôi của vợ chồng ông, khi chúng tôi hỏi về bí quyết làm giàu, ông Lung niềm nở: "Những người lính bộ đội Cụ Hồ chúng tôi là thế. Xưa thắng giặc, nay thắng đói nghèo. Trước kẻ thù không hề khuất phục, trước khó khăn không hề nao núng"./.

Bài và ảnh: Lê Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com