Quản lý đảng viên đi làm ăn xa - Những khó khăn cần tháo gỡ (kỳ 1)

07:08, 25/08/2020

Những năm gần đây, số lượng đảng viên đi làm ăn xa trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các địa bàn nông thôn có xu hướng tăng lên, ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý, giáo dục, phân công nhiệm vụ cũng như đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm. Thực tế đó đòi hỏi các tổ chức đảng phải có giải pháp quản lý phù hợp để đảng viên vừa đảm bảo thu nhập, đời sống vừa thực hiện tốt trách nhiệm của người đảng viên.

Chi bộ thôn Thượng Trang, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) họp bàn đưa ra các giải pháp quản lý đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú.
Chi bộ thôn Thượng Trang, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) họp bàn đưa ra các giải pháp quản lý đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú.

I: Khi đảng viên đi làm ăn xa

Anh Trần Quốc Quang, sinh năm 1989 hiện là đảng viên trẻ tuổi nhất của Chi bộ 8, Đảng bộ phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định). Năm 2009, trong thời gian đóng quân tại Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không không quân ở Kiến An, Hải Phòng anh được kết nạp vào Đảng. Năm 2010, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh được chuyển Đảng chính thức. Trong thời gian sinh hoạt ở địa phương, anh Quang rất nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, điều lệ Đảng. Năm 2015, anh được bà con trong tổ dân phố tín nhiệm bầu làm tổ trưởng và là một trong những đảng viên thuộc diện “quy hoạch”, dự nguồn của phường Lộc Vượng. Để phát triển kinh tế, anh Quang từng làm nhiều công việc như thợ cơ khí, mở quán ăn, đầu bếp… Tuy nhiên do cả 2 vợ chồng anh đều là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, con cái còn nhỏ, hay đau ốm nên kinh tế gia đình anh vẫn gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2018, anh ứng tuyển và được một nhà hàng ở Ninh Bình nhận làm đầu bếp chính với mức lương khá cao. Sau khi bàn bạc với mẹ và vợ, anh Quang quyết định đi làm xa nhà. Do tính chất công việc bận rộn, anh Quang không thể thường xuyên tham gia sinh hoạt Đảng tại chi bộ. Vì vậy, anh đã viết đơn xin miễn sinh hoạt và được Chi bộ Tổ dân phố số 8 đồng ý. “Bản thân tôi rất muốn tìm được việc ở gần nhà để ở bên gia đình, vợ con, tham gia sinh hoạt Đảng đầy đủ. Tuy nhiên, nếu cứ ở nhà, tôi sẽ không thể có điều kiện lo cho gia đình, đủ tiền nuôi 2 con ăn học, trang trải chi phí sinh hoạt... Không được sinh hoạt Đảng thường xuyên đối với cá nhân tôi cũng có nhiều thiệt thòi, không sát sao tình hình ở địa phương, việc học tập các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh cũng bị hạn chế”… anh Quang chia sẻ. Còn ở Chi bộ Tây Đầm, xã Nam Dương (Nam Trực) có 49 đảng viên và là chi bộ có đông đảng viên nhất xã. Đảng viên trong chi bộ có độ tuổi từ 32 đến 90, đa phần là cán bộ hưu trí. Chi bộ hiện có 3 đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú xin làm đơn miễn sinh hoạt gồm: Nguyễn Đức Mạnh, hiện đang làm việc và chữa bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh; Phạm Hùng Cường, nhân viên bảo vệ Kho bạc Nhà nước huyện Nam Trực và Đặng Văn Phong, lao động tự do tại Hà Nội. Các đảng viên đi làm ăn xa đều chấp hành đầy đủ các quy định của Đảng như: viết đơn báo cáo chi bộ, được chi ủy xem xét và báo cáo với Đảng ủy địa phương cho tạm miễn sinh hoạt theo quy định của Đảng; đóng đảng phí đầy đủ; tham gia sinh hoạt khi chi bộ tổ chức sơ kết, tổng kết... Đầu năm 2020, đảng viên Vũ Văn Tấn, 42 tuổi, sinh hoạt tại Chi bộ Thi Châu A số 1, xã Nam Dương làm đơn xin chi bộ cho miễn sinh hoạt. Đồng chí Vũ Văn Thơm, Bí thư chi bộ Thi Châu A số 1, cho biết: “Đồng chí Tấn được kết nạp Đảng năm 1997, chuyển Đảng chính thức năm 1998. Gia đình đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, con cái còn nhỏ, vợ không có công việc ổn định. Thời gian trước, do xin được việc ở Hà Nội, đồng chí Tấn đã báo cáo tổ chức xin miễn sinh hoạt để đi làm xa nơi cư trú. Về phía chi bộ, căn cứ trên đơn của đồng chí Tấn, chúng tôi tạo mọi điều kiện để đảng viên đi làm kinh tế. Về sinh hoạt, qua công tác nắm  tình hình, chúng tôi biết đồng chí luôn giữ vững lý tưởng, chấp hành nghiêm điều lệ Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước, giữ gìn phẩm chất của người đảng viên”. Đảng bộ xã Nam Dương có 418 đảng viên, sinh hoạt tại 19 chi bộ nông thôn và 5 chi bộ Giáo dục, Công an, Y tế. Toàn đảng bộ có 15 đảng viên đi làm ăn xa. Độ tuổi bình quân của đảng viên trong đảng bộ tương đối cao, đặc biệt là với các chi bộ nông thôn. Nhiều năm trở lại đây, đảng bộ không kết nạp được đảng viên mới do cạn nguồn, thiếu lực lượng đảng viên trẻ đảm nhận các công việc quan trọng như xây dựng nông thôn mới, thí điểm các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, phát triển thương mại, dịch vụ… Trong khi đó, tại các chi bộ, đảng viên đi làm xa đều là những đảng viên trẻ và có đơn xin được miễn sinh hoạt. Tình trạng này ít nhiều ảnh hưởng đến sức chiến đấu của các chi bộ, chi bộ không phát huy được trí tuệ cũng như sức trẻ khi các đảng viên đi làm ăn xa. Đảng bộ xã Nam Tiến hiện có 500 đảng viên sinh hoạt tại 26 chi bộ nông thôn và 5 chi bộ cơ quan. Toàn đảng bộ có 10 đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú. Mặc dù số lượng đảng viên đi làm ăn xa chiếm tỷ lệ không lớn nhưng vẫn gây ra một số khó khăn trong công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện đảng viên. Đồng chí Phạm Văn Hợp, Bí thư Đảng bộ xã cho biết: “Đảng viên đi làm xa nơi cư trú có những mặt tích cực như phát huy được sự năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Tuy vậy, trong công tác quản lý, tổ chức Đảng lại gặp nhiều khó khăn. Đảng viên đi làm ăn xa chủ yếu là lao động tự do, việc làm không ổn định, không có địa chỉ cụ thể, nên khó có xác nhận của chính quyền địa phương, tổ chức Đảng nơi họ làm việc. Một vấn đề nữa đặt ra trong công tác quản lý đảng viên hiện nay đó là việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên đi làm ăn xa. Nếu đảng viên đi làm ăn xa theo thời vụ nhưng đến kỳ sinh hoạt họ vẫn về tham gia đầy đủ thì không phải làm đơn và cũng không quản lý về tư cách đảng viên nơi làm việc. Nhưng như vậy việc theo dõi, giám sát đảng viên thực hiện nhiệm vụ, cũng như việc xem xét, đánh giá và phân loại chất lượng đảng viên cuối năm sẽ thiếu chính xác. Ngoài ra, do không sinh hoạt hoặc ít sinh hoạt nên việc phổ biến, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết cho đảng viên đi làm ăn xa cũng bị hạn chế”. Qua khảo sát thực tế cho thấy, số đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú phần đông là đảng viên trẻ, trung niên, nên nhiều chi bộ đang bị “già hóa”, thiếu lực lượng đảm nhận các công việc đòi hỏi sức trẻ. Với những chi bộ ít đảng viên, việc đảng viên đi làm ăn xa càng làm ảnh hưởng đến hoạt động của chi bộ.

Tính đến cuối tháng 6-2020, Đảng bộ tỉnh có 110.736 đảng viên đang sinh hoạt tại 401 tổ chức đảng cấp cơ sở. Những tháng đầu năm 2020, toàn Đảng bộ kết nạp được 567 đảng viên mới. Số đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số đảng viên toàn tỉnh song những năm gần đây có xu hướng tăng, tập trung ở khu vực nông thôn. Nhiều trường hợp đảng viên đi làm xa đã xin ra khỏi Đảng hoặc bị xóa tên. Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có 54 đảng viên bị xóa tên, 28 đảng viên xin ra khỏi Đảng. Đa số đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú luôn giữ vững lý tưởng, chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn phẩm chất người đảng viên, chịu khó, năng động. Các đảng viên đi làm ăn xa cơ bản chấp hành các quy định của Đảng như viết đơn báo cáo chi bộ, được chi ủy xem xét và báo cáo với Đảng ủy địa phương cho tạm miễn sinh hoạt theo quy định của Đảng. Đến cuối năm, đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú đều gửi bản tự kiểm điểm về chi bộ để báo cáo và làm cơ sở bình xét, phân loại đảng viên… Tuy nhiên, hiện nay, một số đảng viên đi làm ăn xa là lao động tự do, làm việc lưu động, không ổn định, ở địa bàn chưa có tổ chức đảng, thậm chí có người không thực hiện được việc đăng ký tạm trú. Không có điều kiện trở về tham gia sinh hoạt chi bộ, thậm chí nhiều đồng chí không báo cáo, “mất liên lạc” với chi bộ, không đóng đảng phí và thực hiện nghĩa vụ của người đảng viên. Một số chi bộ, đảng viên có báo cáo nhưng chỉ báo cáo miệng, chưa có sự thống nhất của tập thể đảng viên, chi ủy, không có đơn, xác nhận được miễn sinh hoạt của chi bộ, cấp ủy cấp trên... dẫn đến không đảm bảo được hồ sơ, thủ tục, quyền lợi cho đảng viên, cũng như bảo toàn con số đảng viên chi bộ… Thực tế này đang đặt ra những khó khăn đối với các tổ chức Đảng, đòi hỏi tìm những giải pháp “căn cơ” để khắc phục.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Hoa Xuân


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com