Chỉ thị 40-CT/TW: Cầu nối "Ý Đảng - Lòng Dân" trong tín dụng chính sách xã hội (kỳ 2)

06:09, 02/09/2019

(Tiếp theo và hết)

II- Kết quả và những vấn đề đặt ra

Ðến 30-6-2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh đạt 3.044,2 tỷ đồng, tăng 968,3 tỷ đồng (tăng 46,6%) so với khi mới ban hành Chỉ thị; tổng dư nợ đạt 3.021,7 tỷ đồng, tăng 946,3 tỷ đồng (tăng 45,6%) với 105.796 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa đến tay người dân trên 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Từ khi thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn ủy thác của địa phương tăng 21 tỷ 680 triệu đồng, đưa tổng vốn nhận ủy thác của địa phương đạt 26 tỷ 680 triệu đồng, giúp Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động hơn về nguồn vốn để cho vay, giảm sự phụ thuộc đối với ngân sách Trung ương. Hiện tại, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức được 218 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội quản lý 3.378 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại thôn, xóm, tổ dân phố. 4 tổ chức chính trị - xã hội đang phối hợp tham gia quản lý 105.796 hộ vay vốn với dư nợ là 3.014,8 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, trong 5 năm qua đã có 22.553 lượt hộ nghèo, 37.186 lượt hộ cận nghèo và 127.630 đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp 14.957 hộ thoát nghèo, 8.346 hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 8.875 lao động, 8.666 học sinh, sinh viên được vay vốn để duy trì việc học tập, thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ “không để một học sinh nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí”; 98.748 hộ được vay vốn để xây mới và cải tạo: 98.435 công trình nước sạch, 98.420 công trình vệ sinh, góp phần cải thiện môi trường điều kiện sinh hoạt xanh - sạch, không bị ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư nông thôn; xây dựng 383 căn nhà cho hộ nghèo có nhà ở dột nát, 32 căn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được kiểm soát ở mức thấp. Ðến 30-6-2019, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 3 tỷ 153 triệu đồng, chiếm 0,1% tổng dư nợ, giảm so với trước khi có Chỉ thị là 2 tỷ 516 triệu đồng.

Giao ban định kỳ các tổ tiết kiệm và vay vốn xã Xuân Thượng (Xuân Trường).
Giao ban định kỳ các tổ tiết kiệm và vay vốn xã Xuân Thượng (Xuân Trường).

Không chỉ đạt hiệu quả về mặt tín dụng, thông qua thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhiều bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cách làm hay sáng tạo trong huy động vốn, phát huy nguồn vốn nội lực cũng được các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ tạo nên phong trào sâu rộng trên toàn tỉnh. Bài học đầu tiên là sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước là yếu tố tiền đề quyết định thành công của hoạt động tín dụng chính sách. Khai thác, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là giải pháp quyết định sự thắng lợi toàn diện, góp phần thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách phục vụ mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. Tăng cường thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền đi đôi với kiểm tra, giám sát từ Trung ương đến địa phương, góp phần thay đổi căn bản nhận thức của người nghèo và các đối tượng chính sách trong ý thức trả nợ và sử dụng vốn vay có hiệu quả hơn, góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn vay phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững. Tổ chức quản lý vốn tín dụng chính sách hiệu quả, phân bổ vốn hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị, chính quyền ở địa phương. Ðến nay, mô hình cho vay uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn đã phát huy được vai trò sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Triển khai kịp thời, đầy đủ các chương trình tín dụng chính sách tới cơ sở; phương thức giao dịch trực tiếp đối với người vay tại Ðiểm giao dịch xã, ủy thác một số nội dung công việc qua tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện công khai, minh bạch có sự giám sát của chính quyền, của cộng đồng xã hội đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước. Coi trọng và phát huy quyền dân chủ từ cơ sở, tạo điều kiện để người dân tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của ngân hàng. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý tín dụng chính sách xã hội đối với các tổ chức chính trị - xã hội, Ban giảm nghèo cấp xã, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Tuyển chọn, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tâm huyết, tinh thông nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác là nhân tố đưa đến thành công.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nguồn vốn để thực hiện một số chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các đối tượng chính sách, nhất là nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giúp người dân thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội của các cấp ủy, chính quyền địa phương thời gian qua tuy đã tăng lên song quy mô còn rất hạn chế, mới chỉ chiếm 0,9% tổng nguồn vốn. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chưa quan tâm quản lý nguồn vốn, chưa tích cực vào cuộc cùng ngân hàng để giải quyết, tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn dẫn đến chất lượng tín dụng một số nơi thấp, nợ quá hạn cao, chuyển biến chậm. Một số tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn chưa thực hiện tốt các nội dung ủy thác, thiếu sâu sát cơ sở, nhân lực kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau ở địa phương nên trách nhiệm chưa cao. Một số nơi công tác phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc sử dụng vốn của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả.

Thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được từ thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng, khắc phục những tồn tại, khó khăn, hướng đến đảm bảo tín dụng chính sách phát triển theo hướng ổn định, bền vững, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ động phối hợp với các cấp, ngành từ cơ sở đến tỉnh huy động các nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã ban hành. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng tín dụng, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội của các tổ tiết kiệm và vay vốn... Nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội; nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nguồn vốn tín dụng và có trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn vay. Rà soát, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác các tổ tiết kiệm và vay vốn. Triển khai và nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại hoá ngân hàng. Phối hợp hiệu quả giữa các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm với hoạt động tín dụng chính sách. Thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách, đặc biệt những chính sách mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát. Với tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 40-CT/TW, Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp trong tỉnh kỳ vọng chính sách tín dụng không chỉ đáp ứng 100% nhu cầu mà còn phải đủ, nhanh để người dân không vì chậm tiếp cận tín dụng mà “bị bỏ lại phía sau” trong hành trình thoát nghèo, phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com