Khơi sức dân từ phong trào thi đua "Dân vận khéo" (kỳ 2)

06:05, 15/05/2018

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

II - Chuyển biến tích cực

Thực tế cho thấy phong trào “Dân vận khéo” đã có sức lan tỏa khắp các địa phương, đơn vị trong tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên lĩnh vực kinh tế đã xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” về sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, giảm nghèo; tích cực giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của dân; động viên các thành phần kinh tế, huy động được các tiềm năng nguồn lực và sự năng động, sáng tạo của nhân dân vào việc thúc đẩy kinh tế phát triển. Nổi bật, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đã phát huy rõ nét vai trò trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” của các địa phương trong tỉnh đã bám sát nội dung, tiêu chí xây dựng NTM, đô thị văn minh thông qua những việc làm cụ thể như vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn; hiến đất xây dựng các công trình công cộng, làm đường bê tông thôn xóm, nội đồng, nhà văn hóa thôn xóm; vận động nhân dân chấp hành thực hiện giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển kinh tế; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm… Qua đó đã tạo động lực mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và từng bước hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra là đến năm 2020 đạt tiêu chí tỉnh NTM. Ðồng chí Lưu Văn Dương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ trong điều kiện ngân sách huyện và các xã, thị trấn còn nhiều khó khăn, không có nguồn thu lớn, chủ yếu phụ thuộc vào cân đối ngân sách Nhà nước cấp; Huyện uỷ, HÐND, UBND huyện đã đề ra chủ trương huy động nguồn lực xã hội hoá bằng các hình thức: hiến góp đất, công lao động, hiện vật, tiền mặt. Ðẩy mạnh tuyên truyền tạo nhận thức đầy đủ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ ngân sách, chủ động huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư, xác định vai trò chủ thể của người dân; để người dân xác định rõ xây dựng NTM là công việc của chính mình, làm cho gia đình, con cháu và quê hương mình ngày càng tốt đẹp hơn. Ðồng thời giao các ban, ngành, địa phương trong huyện hướng dẫn, phát động các khu dân cư đăng ký mỗi khu dân cư thực hiện ít nhất 1 mô hình “Dân vận khéo” gắn với 1 trong 19 tiêu chí xây dựng NTM để tổ chức thực hiện.

Trồng rau công nghệ cao tại Cty TNHH Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).
Trồng rau công nghệ cao tại Cty TNHH Rau quả sạch Ngọc Anh,
xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Kết quả sau hơn 7 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, trong điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn nhưng các địa phương trong huyện đã huy động nhân dân đóng góp 845,1 tỷ đồng, bằng 49,2% nguồn lực xây dựng NTM. Ðến năm 2016, huyện Trực Ninh có 19 xã (bằng 100% số xã) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn 19/19 tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020; năm 2017, huyện Trực Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Cùng với huyện Trực Ninh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM được các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai có hiệu quả, cụ thể hóa bằng nhiều nội dung thi đua thiết thực, nhằm tập trung nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM. Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đã huy động được trên 16.217,4 tỷ đồng để đầu tư xây dựng NTM, trong đó ngân sách Nhà nước hơn 4.474,37 tỷ đồng, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đóng góp 5.792,44 tỷ đồng... Ngoài ra, các hộ nông dân đã góp 2.851ha đất nông nghiệp (tương đương 5.717 tỷ đồng), hiến được 206ha đất thổ cư (tương đương trên 1.000 tỷ đồng). Ðến nay, toàn tỉnh đã có 200/209 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt 18,8 tiêu chí, tăng 13 tiêu chí so với năm 2010. Có 5 huyện/10 huyện, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó huyện Hải Hậu được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015, 4 huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017. Tỉnh ta được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM, có nhiều đóng góp về phương pháp, thực tiễn cách làm, mô hình hiệu quả trong xây dựng NTM để làm cơ sở cho Trung ương vận dụng chỉ đạo thực hiện trên địa bàn cả nước. Ðặc biệt, phát huy những kết quả đã đạt được, các huyện, thành phố tiếp tục tập trung rà soát, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, GD và ÐT, văn hoá, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh... để đạt NTM bền vững và phát triển. Huyện Hải Hậu được Bộ NN và PTNT, Văn phòng Ðiều phối NTM Trung ương lựa chọn là 1 trong 3 huyện của cả nước chỉ đạo điểm xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu, bền vững. Những mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đã phát huy hiệu quả thiết thực, thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia, có tính xã hội hóa cao, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm của cộng đồng dân cư… Ðiển hình như mô hình “Khéo trong tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên đóng góp làm đường giao thông nông thôn” của Hội CCB Thị trấn Thịnh Long. Với phương châm lấy hội viên làm nòng cốt, Hội CCB thị trấn đã vận động 987 gia đình hội viên chỉnh trang khuôn viên gia đình; 547 gia đình hội viên tham gia dồn điền đổi thửa, hiến 13 nghìn m2 đất, đóng góp 447 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thôn xóm. Xây dựng mô hình mỗi hội viên góp ít nhất 1 tạ xi măng cùng với Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn sớm hoàn thành xây dựng NTM. Kết quả cán bộ, hội viên đã ủng hộ 483 tấn xi măng, 2.350 ngày công lao động, hiến 4.580m2 đất, tháo dỡ công trình phụ trị giá 750 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội. Ðặc biệt phong trào ủng hộ 1 tạ xi măng của Hội CCB thị trấn đã nhanh chóng lan toả, nhân rộng trong toàn tỉnh. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị cũng có nhiều chuyển biến rõ nét. Tiêu biểu như việc thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9-6-2016 của BCH Ðảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020, sau gần 2 năm thực hiện, công tác cải cách hành chính bước đầu đã tạo chuyển biến rõ rệt và đạt được một số kết quả quan trọng. Toàn bộ thủ tục hành chính đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung và công khai đầy đủ trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố để người dân, doanh nghiệp dễ tra cứu. Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh được triển khai tại 14 đơn vị, cung cấp 1.132 thủ tục hành chính mức độ 2, 3 trong đó có 7 đơn vị đã đưa phần mềm vào sử dụng hiệu quả. Ngoài ra, Sở KH và ÐT, Ban quản lý các KCN tỉnh còn thực hiện hệ thống một cửa điện tử của Bộ KH và ÐT trong việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài và lĩnh vực đăng ký kinh doanh. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã được hoàn thiện, hoạt động ổn định, hiệu quả. Ðến nay, đã cấp được 6.349 tài khoản thư điện tử công vụ cho hầu hết cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan Nhà nước từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn. Trong giai đoạn 2016-2017, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 99 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 2.898 tỷ đồng và 38 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký là 2.485 triệu USD. Trong đó, thu hút đầu tư FDI vào địa bàn tỉnh đã có bước phát triển nhảy vọt. Tổng vốn FDI cấp mới và điều chỉnh tăng vốn trong 2 năm (2016-2017) đã đạt 82,85% mục tiêu thu hút FDI giai đoạn 2016-2020 đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU. Cùng với các lĩnh vực trên, nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng như: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”; phong trào “Vì sự bình yên tuyến biển”… do các cấp uỷ Ðảng, chính quyền, các ngành phát động đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện góp phần nâng cao ý thức tự quản trong cộng đồng dân cư, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Trần Văn Trọng

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com