Đảng bộ tỉnh Nam Định - Từ Đại hội đến Đại hội: Đại hội đại biểu tỉnh Nam Định lần thứ I

08:09, 04/09/2015

Nam Định tự hào là một trong những địa phương có tổ chức Đảng Cộng sản ra đời sớm trong cả nước (Đảng bộ Đông dương Cộng sản Đảng Nam Định được thành lập tháng 6 năm 1929). Trải qua 85 năm kiên cường chiến đấu, xây dựng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đảng bộ Nam Định đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh anh dũng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám vẻ vang, giành độc lập tự do cho dân tộc; tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, cùng cả nước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ Tổ quốc.

Trong công cuộc đổi mới, CNH-HĐH quê hương, đất nước, với quyết tâm xây dựng Nam Định thành tỉnh giàu mạnh, văn minh, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, tập trung phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều thành tựu to lớn. Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ đã tiến hành tổ chức 18 kỳ đại hội. Mỗi đại hội là một mốc son quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong từng giai đoạn cách mạng cụ thể; là sự thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân Nam Định suốt quá trình đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng thành công CNXH. Từ số này, Báo Nam Định lần lượt giới thiệu tóm tắt 18 kỳ Đại hội của Đảng bộ tỉnh. Tài liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ biên soạn.

1. Đại hội đại biểu tỉnh Nam Định lần thứ I

Cuối năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp của quân, dân ta đã bước sang năm thứ 2. Với Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân Pháp đã bị phá sản, chúng buộc phải chuyển sang đánh lâu dài với ta. Thế và lực của quân, dân ta đã có sự thay đổi, từ thế phòng ngự chuyển sang cầm cự. Sau thất bại ở chiến trường Việt Bắc, quân Pháp quay về tập trung chiếm giữ đồng bằng, trong đó có Nam Định. Là một tỉnh đồng bằng, dân số đông, có vị trí quan trọng về quân sự, chính trị, có phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ, nên địch đã tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét lớn. Vì thế cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Định diễn ra hết sức khó khăn, ác liệt.

Trước tình hình đó, tháng 12 năm 1947, tại chợ Lương, Hải Anh (Hải Hậu), Đảng bộ Nam Định đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, với 109 đại biểu tham dự. Đại hội đã phân tích, đánh giá tình hình những năm đầu của cuộc kháng chiến, những đặc điểm, khó khăn, thuận lợi của tỉnh và đề ra các phương hướng, giải pháp để lãnh đạo đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Hoàng Văn Tiến được bầu là Bí thư Tỉnh ủy.

Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tập trung cao cho việc lãnh đạo cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ”, thực hiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc chống thực dân Pháp xâm lược, tích cực củng cố, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang. Trong điều kiện lực lượng của ta lúc đầu nhỏ yếu, trang thiết bị thô sơ, thiếu thốn, Đảng bộ chủ trương vừa phát triển lực lượng chính quy, vừa phát triển lực lượng du kích. Lấy xây dựng lực lượng du kích là chủ yếu, kết hợp đánh du kích với đánh chính quy, đánh địch trên tất cả các mặt trận: Quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, binh vận… Cán bộ, đảng viên bám đất, bám dân, tận dụng mọi điều kiện vừa chiến đấu, vừa xây dựng.

Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân dân Nam Định đã từng bước củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng, tận dụng mọi điều kiện, hình thức đánh địch. Trong 9 năm, quân dân Nam Định đã đánh tổng số trên 16 nghìn trận lớn, nhỏ. Trong đó có những trận nổi tiếng như: Trận Hợp Kiến - Hợp Cường (Ý Yên); trận Bắc Sơn - Đồng Nguyên (Nam Trực - Nghĩa Hưng); trận Thần Lộ (trên đường 21); trận Cầu Đôi (Hải Hậu); trận Liên Minh (Vụ Bản); trận Yên Dương (Ý Yên)... Lực lượng của ta ngày càng phát triển lớn mạnh. Ngày 1-7-1954, quân Pháp đã thất bại, rút khỏi Nam Định, quân, dân Nam Định giành thắng lợi vẻ vang.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta giành thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến tới thống nhất nước nhà. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ lãnh đạo tập trung khắc phục hậu quả sau chiến tranh; chống âm mưu dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào giáo dân di cư trái phép vào Nam của địch (1954-1955); tiến hành cải cách ruộng đất (1955-1956); cải tạo công thương nghiệp và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội (1958-1960) và đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng.

2. Đại hội đại biểu tỉnh Nam Định lần thứ II

Với sự lãnh đạo tập trung của Đảng bộ, tinh thần lao động hăng say của các tầng lớp nhân dân, trong những năm đầu khôi phục kinh tế sau chiến tranh chống Pháp, kinh tế - xã hội của miền Bắc nói chung và của tỉnh Nam Định nói riêng có những bước phát triển mới. Sản xuất từng bước được phục hồi. Đã thực hiện “người cày có ruộng”, xóa bỏ giai cấp địa chủ phong kiến bóc lột. Phong trào xây dựng tổ đổi công và HTX nông nghiệp bước đầu có sự phát triển mới.

Để tiếp tục lãnh đạo nhân dân xây dựng quan hệ sản xuất mới XHCN, đưa kinh tế - xã hội phát triển, từ ngày 16 đến ngày 24-3-1959, tại Thành phố Nam Định, Đảng bộ Nam Định đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II, với sự tham gia của 173 đại biểu. Đại hội đã phân tích đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ lần thứ I trong việc thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của tỉnh; đi sâu phân tích tình hình, kinh nghiệm khôi phục kinh tế sau chiến tranh 1954-1955, cải cách ruộng đất 1955-1956, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội từ 1958 đến thời điểm 1959. Đại hội đề ra những phương hướng, giải pháp cụ thể để tiếp tục phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trong giai đoạn mới là: Tập trung cho cải tạo XHCN, xây dựng quan hệ sản xuất XHCN và xây dựng HTX nông nghiệp; ra sức phát triển các thành phần kinh tế quốc doanh. Nỗ lực phát triển sản xuất và văn hóa nhằm nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh lên một bước. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, kiên quyết đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch. Giữ vững trật tự trị an, bảo vệ vững chắc vùng biển cửa ngõ của Tổ quốc. Góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Đại hội đã bầu BCH gồm 39 đồng chí; BCH bầu Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí. Đồng chí Lê Thành được bầu là Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh. Đồng chí Lê Trung Hà được bầu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Chu Văn Đỗ (tức Đỗ Chu) được bầu là Phó Bí thư Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ II, trong 2 năm 1959-1960, các lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến mới. Công tác cải tạo các thành phần kinh tế đã được hoàn thành, quan hệ sản xuất mới đã được xác lập, chế độ người bóc lột người bị xóa bỏ, khối đoàn kết công nông được củng cố và tăng cường. 100% số cơ sở và hộ công thương nghiệp, 92% số hộ tiểu thương được cải tạo, đưa vào làm ăn tập thể hoặc công tư hợp doanh. Tỉnh tập trung cho lãnh đạo phát triển tổ đổi công và xây dựng HTX. Toàn tỉnh đã xây dựng được 2.537 HTX với 174.175 hộ (88,11% số hộ); 80% diện tích đất đai, trâu bò, công cụ được đưa vào sản xuất tập thể. Kết quả trên là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quan hệ sản xuất mới XHCN.

(còn nữa)

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com