Ngăn chặn tôm càng đỏ - Không thể chậm trễ

09:05, 27/05/2019

Những ngày qua, trong khi trên cả nước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi còn đang nóng bỏng bởi tính phức tạp, những khó khăn trong công tác phòng chống, khống chế dịch và những hậu quả khó lường, lâu dài của dịch bệnh này thì công luận lại tiếp tục “tăng nhiệt” với thông tin về tình trạng tôm hùm đất (tôm càng đỏ), loài sinh vật ngoại lai gây hại nguy hiểm được nhập về ồ ạt.

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai báo cáo những tháng đầu năm 2019, tình trạng buôn lậu tôm hùm đỏ có xu hướng gia tăng khi lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh liên tục bắt giữ các lô hàng thực phẩm tôm hùm đất được vận chuyển về từ Trung Quốc. Chỉ trong vòng 1 tuần, từ ngày 12-5 đến 18-5, các lực lượng chức năng tỉnh này đã bắt giữ tại cửa khẩu 7 vụ, thu giữ 954kg tôm hùm đất. Ðiều vô cùng nguy hiểm là số tôm này bị bắt giữ trong trạng thái còn sống, được ướp lạnh. Toàn bộ số hàng bị bắt giữ đã được đưa đi tiêu hủy nhưng vẫn làm dấy lên lo ngại về việc có những lô hàng này có thể đã được nhập trót lọt về thị trường nội địa bởi tôm càng đỏ nằm trong danh mục loài thủy sản ngoại lai gây nguy hại với sinh vật bản địa, có khả năng phát tán mạnh, gây mất cân bằng sinh thái nơi chúng xuất hiện. Ðây là loài thủy sinh ăn tạp sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm và có sức chống chịu, thích nghi cao; chúng vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác. Ðáng lo ngại nữa là chúng lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện ít nước, có thể chịu đựng khô hạn đến 4 tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm. Do đào hang rất giỏi nên khi phát tán ra môi trường tôm hùm đất sẽ phá hại hệ thống kênh mương. Ðặc biệt, chúng mang theo nhiều virus gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người. Trước tình hình này, ngày 17-5-2019 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải có Công văn hoả tốc số 3438 gửi các địa phương yêu cầu có biện pháp ngăn chặn ngay việc buôn bán, tiêu thụ loài sinh vật ngoại lai này.

Ảnh Internet.
Ảnh Internet.

Ở nước ta đến nay, con người và môi trường vẫn đang phải trả giá đắt về sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm, điển hình là cây mai dương (cây xấu hổ) và ốc bươu vàng, nhất là với các địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm như tỉnh ta. Ốc bươu vàng không chỉ gây hại trực tiếp phá lúa mà còn dẫn đến vô số hệ lụy cho sản xuất và đời sống, kinh tế như gây ô nhiễm môi trường khi con người phải sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật có độc lực cao để tiêu diệt, làm chết cả các loài thủy sinh và thiên địch có lợi trên đồng ruộng, gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng tiêu cực

đến đa dạng sinh học. Ðiều đáng lo ngại là nếu như trước kia các sinh vật ngoại lai nguy hại này xâm nhập vào nội địa do sự thiếu thông tin của người dân thì hiện nay mặc dù các kênh thông tin đã hết sức phong phú, nhanh chóng mà tôm hùm đất vẫn có thể được người bán hàng online tự do rao bán và nhập về trong thời gian không ngắn mới bị phát hiện?! Thực tế này cho thấy sự lỏng lẻo, chậm trễ của các cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý thị trường, đồng thời cũng cho thấy việc quản lý hoạt động bán hàng trên mạng còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm. Ðã từng có nhiều vụ việc lừa đảo bán hàng đa cấp biến tướng, bán hàng nhái, hàng lậu, hàng giả bằng phương thức online gây thiệt hại cho người tiêu dùng bị phát hiện. Vấn đề thất thu nguồn thuế lớn từ hoạt động bán hàng online cũng đã được đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội… Nhưng hoạt động bán hàng online dường như vẫn ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chuyên môn, nhiều vụ việc khi chân tướng sự việc được phát hiện đều thành việc đã rồi, người mua “tiền mất tật mang”, chờ “được vạ thì má sưng”?!

Sự việc tôm hùm đất được rao bán công khai trên mạng và nhập về ồ ạt các cơ quan quản lý mới biết và cuống quýt kiểm tra, xử lý, cảnh báo hòng ngăn chặn một lần nữa gióng lên báo động đỏ về những nguy cơ tiềm ẩn cho kinh tế - xã hội bởi sự buông lỏng quản lý hoạt động bán hàng online nói chung, việc kinh doanh, phát tán các loài sinh vật ngoại lai nói riêng. Bên cạnh việc xem xét xử lý nghiêm túc trách nhiệm của các cơ quan chức năng được giao quyền và nhiệm vụ quản lý, ngăn chặn những sai sót này thì trách nhiệm công dân của người kinh doanh và người tiêu dùng cũng cần được nhắc đến. Nhà nước bảo vệ, khuyến khích người dân tự do kinh doanh, làm giàu chính đáng song phải là những mặt hàng, ngành hàng mà pháp luật không cấm. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, mở rộng giao thương, có rất nhiều cơ hội để người dân phát huy năng lực kinh doanh sáng tạo làm giàu. Song thiết nghĩ mỗi người kinh doanh và người tiêu dùng cũng phải luôn nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng của mình, bảo đảm không gây hại cho đất nước và cộng đồng mà kinh doanh kiếm tiền bằng mọi giá. Là người công dân có trách nhiệm, mỗi người tiêu dùng thể hiện ý thức bảo vệ đất nước ngay lập tức bằng việc nói không với mua bán, sử dụng tôm hùm đất, chia sẻ lan tỏa cảnh báo về loài sinh vật ngoại lai xâm hại này đến với mọi người để biết và ngăn chặn tôm hùm đất xâm nhập vào nội địa, phát tán ra môi trường.

Ðối với tỉnh ta là tỉnh nông nghiệp, trồng trọt và nuôi thủy sản là những ngành kinh tế trọng điểm. Nếu không có biện pháp ngăn chặn triệt để tôm hùm đất xâm nhập thị trường, để phát tán ra môi trường thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì vậy các cơ quan chức năng cần lập tức có biện pháp rốt ráo cảnh báo, kiểm tra, kiểm soát thị trường và hoạt động bán hàng online để ngăn chặn việc mua bán tôm hùm đất, nhất là tại các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống./.

Vân Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com