Ứng phó với biến đổi khí hậu cần sự vào cuộc thực sự của cả người dân và doanh nghiệp

09:04, 07/04/2015

Khu vực Nam Trung Bộ đang trải qua những ngày hạn hán nặng nề và chưa biết đến bao giờ kết thúc, trong khi cách đó chưa lâu Thành phố Hồ Chí Minh lại bị úng ngập do triều cường, còn những khu rừng ở Tây Bắc, Tây Nguyên đã và đang được cảnh báo cháy ở mức nguy hiểm nhất. Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc thì lại vừa trải qua những đợt mưa ẩm kéo dài, khiến nông dân mất mùa nông sản... Những biến động thời tiết cực đoan đó đã được Bộ trưởng Bộ TN và MT Nguyễn Minh Quang giải đáp trong Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 5-4.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.

Trả lời câu hỏi của nhóm cư dân nuôi tôm ở tỉnh Bến Tre về tình trạng ngập mặn ngày càng gia tăng, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng tình hình xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là một trong những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra. Đây là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng nhất đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21. Có nhiều nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động kinh tế đã làm phát thải quá mức các chất gây hiệu ứng khí nhà kính vào bầu khí quyển, làm nhiệt độ trái đất nóng lên và kết quả là nước biển dâng.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Chỉ tính trong 10 năm qua (2001-2010), thiên tai đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản (đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản chiếm khoảng 1,5% GDP/năm).

Minh chứng rõ nhất là trong những năm gần đây thiên tai diễn ra có xu hướng dị thường cả về phạm vi không gian, thời gian và cường độ. Nước biển dâng, xâm nhập mặn diễn ra với tốc độ khá nhanh ở các địa phương ven biển và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, điển hình nhất là ở Bến Tre (như câu hỏi của người dân nêu); băng tuyết rơi, một sự kiện hiếm thấy ở miền núi phía Bắc, điển hình là ở Sa Pa (Lào Cai) năm 2013 và 2014, hay tại khu vực Nam Trung Bộ, hạn hán ở Ninh Thuận đang xảy ra hết sức nghiêm trọng, hiếm thấy trong nhiều năm qua… Những biến đổi mang tính cực đoan đó đã gây hậu quả khó lường cho con người và là một trong những trở ngại đáng kể đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 2-3 độ C, mực nước biển có thể dâng khoảng 1m so với thời kỳ 1980-1999. Theo đó sẽ có 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh ven biển miền Trung sẽ bị ngập; khoảng 10% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP/năm.

Đề cập về những giải pháp của Chính phủ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cho biết: Trước hết, Chính phủ đã tập trung quán triệt quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 24 của BCH Trung ương. Theo đó, ứng phó với biến đổi khí hậu phải được đặt trong mối quan hệ toàn cầu. Biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững; cần tiến hành đồng thời các biện pháp nhằm thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm. Mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản là chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; đến năm 2050 là chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một số nhiệm vụ được đề ra đó là: Xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Trong thời gian qua, Chính phủ giao Bộ TN và MT xây dựng, công bố các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng để các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp. Các kịch bản được xây dựng lần đầu năm 2009, cập nhật năm 2012 và dự kiến cuối năm nay sẽ có kết quả cập nhật lần thứ hai; sau đó cứ 5 năm cập nhật kịch bản một lần.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; chỉ đạo rà soát các quy hoạch; tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch châu thổ đồng bằng sông Cửu Long với cách tiếp cận mới, mang tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, dài hạn, có tính bền vững cao; đẩy mạnh vận động hỗ trợ của quốc tế, tranh thủ các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ về tài chính và công nghệ để phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2014-2015, ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, thông qua Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, các tổ chức quốc tế đã cho vay, hỗ trợ trên 4.000 tỷ đồng để Việt Nam triển khai các giải pháp thích ứng.

Về chương trình hành động cụ thể để đối phó với biến đổi khí hậu kiểu như Hà Lan đã xây đê bao quốc gia để chống lại nước biển dâng, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, đây là công trình đê biển kiên cố với nguồn lực đầu tư rất lớn, được xây dựng cách đây hơn một nửa thế kỷ, đến nay cho thấy đó chưa phải là giải pháp tối ưu; trước mắt chúng ta cần chú trọng các giải pháp thích ứng là chính.

Trước ý kiến cho rằng ở Việt Nam, vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu lâu nay vẫn chưa được coi trọng đúng mức, nhiều người vẫn còn chủ quan, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định: Hiện nay không ít người trong số chúng ta vẫn coi vấn đề biến đổi khí hậu không phải là trách nhiệm của mình, dẫn đến nhận thức, ý thức, hành động còn nhiều lúng túng.

Năm 2015, Chính phủ đã dành riêng 3.000 tỷ đồng để đầu tư cho các hoạt động ưu tiên cấp bách nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy còn hết sức hạn hẹp so với nhu cầu, song đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Mới đây, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu đã họp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016-2020. Trong đó phải rà soát, cập nhật các quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư trong 5 năm tới cho hoạt động trồng rừng, khôi phục rừng ngập mặn, gắn với xây dựng “đê mềm” chắn sóng, xây dựng các cống ngăn mặn và hạn chế ngập lụt đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; đồng thời nhấn mạnh bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của Nhà nước, sự hỗ trợ của quốc tế, cần có sự vào cuộc thực sự của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như các doanh nghiệp. Có như vậy, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu mới mang lại thành công./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com