Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại gắn với xây dựng nông thôn mới

07:06, 11/06/2013

Để thực hiện các tiêu chí về phát triển kinh tế trong xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trong tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giao lưu thương mại, kết nối thị trường giữa các vùng miền. 

Theo bộ tiêu chí xây dựng NTM, chợ nông thôn phải đảm bảo diện tích tối thiểu 3.000m2 trở lên; trong đó diện tích chợ chính chiếm tối đa 40%, khu mua bán ngoài trời chiếm tối thiểu 25%, đường giao thông nội bộ tối đa 25%; sân, cây xanh ít nhất 10%. Để hỗ trợ các địa phương thực hiện tiêu chí này, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành chức năng xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại toàn tỉnh và kế hoạch cải tạo nâng cấp hệ thống chợ trên cơ sở từng bước cải tạo, nâng cấp các chợ đang hoạt động; xây dựng thêm các chợ mới, chú trọng đến yếu tố tập quán, đặc thù trao đổi hàng hóa của từng địa phương. Theo đó trong quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng thương mại đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ xây dựng 7 trung tâm thương mại, 25 siêu thị và 245 chợ (5 chợ đầu mối, 6 chợ hạng I, 33 chợ hạng II, 201 chợ hạng III; xây mới 34 chợ, nâng cấp 26 chợ, di dời 9 chợ), đồng thời bổ sung 69 cửa hàng xăng dầu tại địa bàn nông thôn. Cùng với việc công khai quy hoạch phát triển hệ thống chợ, Sở Công thương và UBND các huyện, thành phố thông báo công khai danh mục các dự án chợ được tỉnh hỗ trợ ưu tiên đầu tư xây dựng để các địa phương cân đối; trên cơ sở đó thống kê, điều chỉnh theo quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại của địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã xây mới 9 chợ hạng III; cải tạo, nâng cấp 65 chợ với tổng kinh phí trên 26,2 tỷ đồng. Trong đó, ở các xã xây dựng NTM có 47 chợ được xây dựng, cải tạo. Ở huyện Vụ Bản, theo quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại, sẽ hình thành tổ hợp thương mại, dịch vụ tại Thị trấn Gôi và mạng lưới 20 chợ nông thôn, trong đó có 2 chợ hạng II, 18 chợ hạng III; đầu tư thêm 8 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Khu thương mại dịch vụ Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) được xây dựng đảm bảo tiêu chí xây dựng NTM.
Khu thương mại dịch vụ Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) được xây dựng đảm bảo tiêu chí xây dựng NTM.

Huyện đã khảo sát thực trạng hạ tầng thương mại ở cả 18 xã, thị trấn, trong đó tập trung vào các điều kiện đảm bảo của khu chợ dân sinh. Kết quả khảo sát 18 chợ ở 17 xã, thị trấn đều chưa đáp ứng các tiêu chí chợ NTM. Huyện đã tranh thủ các nguồn kinh phí và huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng chợ nông thôn. Đến nay, huyện đã cải tạo, xây mới 15 chợ với tổng kinh phí 16,563 tỷ đồng. Trong đó chợ ở các xã xây dựng NTM giai đoạn I (2010-2015) đều được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp như: xây mới chợ Ngăm Hạ, xã Minh Tân; nâng cấp chợ trung tâm Thị trấn Gôi và chợ Dần xã Trung Thành lên chợ hạng II; cải tạo chợ Lời xã Hiển Khánh, chợ Bịch xã Minh Thuận và chợ Liên Minh xã Liên Minh. Đến nay, hệ thống chợ dân sinh ở các xã, thị trấn xây dựng NTM của huyện đảm bảo theo các tiêu chí NTM, ở vị trí thuận tiện giao thương buôn bán trong khu vực. Trước đây chợ Ngăm Hạ nằm ở khu vực khuất, không thuận tiện trao đổi thương mại; năm 2013, xã đã dành gần 3 tỷ đồng từ các nguồn vốn đầu tư di chuyển chợ ra khu vực đầu thôn thuận tiện cho giao thương. Hiện chợ Ngăm Hạ đang được xây dựng trên tổng diện tích 3.000m2 với đầy đủ kết cấu theo tiêu chí chợ NTM. Ngoài Vụ Bản, cả 9 huyện, thành phố cũng đồng loạt xây mới, nâng cấp, cải tạo chợ theo tiêu chí NTM. Ở các thị trấn, thị tứ, các địa phương đã quan tâm hình thành mạng lưới kinh doanh thương mại theo hướng hiện đại như quy hoạch tuyến phố chuyên doanh một mặt hàng, khu vực dành cho các doanh nghiệp, xí nghiệp, trại sản xuất, chế biến, lưu thông hàng hóa và các HTX, liên hiệp HTX thương mại có hệ thống chi nhánh, cửa hàng, cơ sở sơ chế, phân loại, đóng gói, bảo quản và kho trung chuyển hàng hóa. Huyện Hải Hậu là địa phương tiêu biểu cho việc đầu tư hạ tầng thương mại theo hướng chuyên sâu và thành công trong việc huy động các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và khai thác các trung tâm thương mại. Với quy hoạch gồm 3 khu vực thương mại trọng điểm, gồm: khu vực Thị trấn Thịnh Long và các xã trong Khu kinh tế Ninh Cơ; khu vực Thị trấn Yên Định; khu vực Thị trấn Cồn, huyện đã kêu gọi vận động các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh tại chợ và nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng chợ đảm bảo các tiêu chí chợ NTM, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi như: miễn giảm thuế, quyền khai thác công trình thương mại, ưu tiên lựa chọn và sử dụng gian hàng, ki-ốt bán hàng… Cơ chế này không chỉ đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng thương mại của huyện mà còn bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, các tiểu thương và người tiêu dùng. Do đó, ngoài việc xây dựng các chợ dân sinh theo tiêu chí NTM, huyện đã xây dựng Trung tâm thương mại Thị trấn Yên Định trên diện tích 1.600m2 với tổng đầu tư trên 30 tỷ đồng, hình thành các tuyến phố thương mại thu hút gần 500 doanh nghiệp và hơn 5.000 hộ kinh doanh dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, tập trung ở các tuyến phố trung tâm, các chợ đầu mối và chợ dân sinh.

Để thực hiện thành công quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại, cần có cơ chế chính sách khuyến khích về đất đai, tín dụng, thuế, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tập trung hỗ trợ các địa phương về vốn đầu tư, giải quyết các vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch và tăng cường quản lý Nhà nước về thương mại. Phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới 96 chợ đạt tiêu chí NTM và 100% số chợ trong quy hoạch đều có bộ máy quản lý phù hợp theo quy định./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com