Lào Cai: Nối lại xuất khẩu thanh long sau gần 5 tháng tạm dừng

08:01, 13/01/2022

Kể từ ngày 12-1, mặt hàng thanh long sẽ tiếp tục được giải quyết thông quan qua lối Cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành (thành phố Lào Cai) để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trước đó, suốt thời gian dài kể từ ngày 18-7-2021, trước những lo ngại về dịch COVID-19, phía Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam qua Lào Cai. Điều này cũng khiến kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lào Cai năm 2021 giảm mạnh, riêng lượng thanh long vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo qua đây giảm tới 40% so với năm trước. Việc nối lại xuất khẩu thanh long qua Lào Cai có ý nghĩa rất lớn, khẳng định những nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng “cửa khẩu xanh”, “vùng đệm an toàn” trong xuất nhập khẩu.

Hà Tĩnh: Bắt đầu vào vụ gieo cấy tập trung lúa xuân 2022

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo 400,1ha mạ và 3.060ha lúa gieo thẳng, chủ yếu là các loại giống thuộc trà xuân sớm và xuân trung gồm: IR1820, Xi23, NX30, XT28; trà xuân muộn gồm các giống: P6, Nếp 98, Nhị ưu 838…

Các địa phương có diện tích gieo cấy lớn là: Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân… Thời điểm gieo cấy tập trung của lúa xuân 2022 sẽ bắt đầu từ ngày 10 đến 25-1 với các loại giống: Nhị ưu 838, Thái xuyên 111, Nếp 98, Nếp 87, HT1, Khang dân 18, Khang dân đột biến, BQ, ADI 168, LP5, Bắc Thịnh, VNR10, DT18, VNR20… Diện tích lúa gieo cấy trong đợt này khoảng 47.657ha.

Bắc Ninh: Đến năm 2030 có thêm 60 sản phẩm làng nghề được đánh giá và xếp hạng OCOP

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Quyết định số 609/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030”.

Mục tiêu của Đề án nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn bền vững, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2030 có thêm 7 nghề truyền thống, 11 làng nghề và 16 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận; có thêm 60 sản phẩm làng nghề được đánh giá và xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng, quản lý, quảng bá thương hiệu cho 6 làng nghề hoàn thành xây dựng 5 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của các làng nghề tại các điểm du lịch của tỉnh; thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong làng nghề đạt trên 10 triệu đồng/người /tháng./.

PV


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com