Bạc Liêu: Vượt nhiều mục tiêu phát triển kinh tế

07:04, 21/04/2021

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm nay, tỉnh Bạc Liêu đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã được ban hành, nhờ đó, quý I năm 2021, kinh tế của tỉnh Bạc Liêu tiếp tục tăng trưởng.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh thu hoạch gần 239.920 tấn lúa, đạt 20,77% kế hoạch, tăng 0,69% so cùng kỳ và đã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ được 800ha lúa vụ mùa, với tổng sản lượng hơn 4.850 tấn. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản được gần 63.600 tấn, đạt 15,35% kế hoạch, tăng 4,13% so cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ - dịch vụ trên thị trường đạt hơn 14.413 tỷ đồng, bằng 20,67% kế hoạch, tăng 11,89% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 163 triệu USD và tăng 8,31% so cùng kỳ. Có 85 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 1.050 tỷ đồng, tăng 26% số vốn đăng ký so cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp trong toàn tỉnh đến nay lên hơn 2.730 đơn vị, với tổng vốn đăng ký 34.600 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 1.328 tỷ đồng, bằng 39,81% dự toán và tăng 3,22% so cùng kỳ năm 2020. Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch COVID-19; tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu, các dự án điện gió, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dự án nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn.

Hà Nam: Phát huy hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân

Tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp của tỉnh Hà Nam hiện có hơn 28,2 tỷ đồng. Bằng hình thức cho vay thông qua các dự án, kết hợp xây dựng các mô hình theo đối tượng cây, con, thời gian qua, nguồn quỹ quan trọng này đã giúp hàng nghìn lượt hộ hội viên có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Nhiều dự án sau khi triển khai đã xây dựng được các mô hình tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh, góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, từng bước giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập, điển hình như các mô hình tổ hợp tác.

Để quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ, cùng với tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý Quỹ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, các cấp hội thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của việc xây dựng Quỹ; xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị và lấy việc xây dựng Quỹ là tiêu chí quan trọng đánh giá, xếp loại tổ chức hội hằng năm; tham mưu cho chính quyền địa phương cấp ngân sách bổ sung cho Quỹ. Thực hiện cho vay vốn gắn với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề; phối hợp các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, tạo điều kiện để các hộ tham gia dự án; hỗ trợ nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài tỉnh; tiếp cận các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, tất cả các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả đúng kỳ hạn, góp phần giúp hơn 9.000 hội viên thoát nghèo trong hơn 10 năm qua./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com