Bắc Giang: Luân chuyển cán bộ về giữ chức danh chủ chốt cấp xã

08:09, 22/09/2020

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 77 cán bộ đang công tác ở huyện, thành phố được luân chuyển về giữ các chức danh chủ chốt tại các xã, phường, thị trấn. Cụ thể, thành phố Bắc Giang có 13 đồng chí; hai huyện Hiệp Hòa và Việt Yên mỗi huyện 12 đồng chí; hai huyện Lục Ngạn và Lạng Giang mỗi huyện 7 đồng chí; hai huyện Tân Yên và Yên Dũng mỗi huyện 6 đồng chí; huyện Lục Nam và Yên Thế mỗi huyện 5 đồng chí và huyện Sơn Động có 4 đồng chí. Hầu hết cán bộ luân chuyển là lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan huyện, thành phố, đang tham gia hoặc đã được quy hoạch vào ban chấp hành đảng bộ cấp huyện.

Tỉnh chỉ đạo các cấp ủy, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy thực hiện công tác luân chuyển nêu trên bảo đảm đúng quy trình, bám sát những yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn. Ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy thường xuyên quan tâm, chú trọng luân chuyển đội ngũ cán bộ có trình độ, kinh nghiệm và uy tín về cơ sở, nhằm hướng đến các mục tiêu đào tạo, rèn luyện để đội ngũ cán bộ trưởng thành qua môi trường thực tiễn; đồng thời giúp cơ sở khắc phục khó khăn, kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt bằng nguồn nhân lực chất lượng. Việc luân chuyển cũng đã góp phần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm; giải quyết những vấn đề vướng mắc, nổi cộm, bức xúc phát sinh như: Giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản…; góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở.

Hà Nội: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế nông nghiệp năm 2021 đạt từ 3% trở lên

Sở NN và PTNT Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2021. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp năm 2021 đạt từ 3% trở lên; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 58 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên khu vực nông thôn đạt trên 95%. Để hoàn thành mục tiêu trên, Sở NN và PTNT tham mưu thành phố có chính sách, giải pháp, xây dựng các mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất nông nghiệp, tạo tiền đề để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp Thủ đô tổ chức liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, quản lý và sử dụng hiệu quả thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa đã được bảo hộ; đăng ký bảo hộ các thương hiệu, nhãn hiệu ra nước ngoài; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để tạo ra những sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

TP Hồ Chí Minh: Hơn 500 doanh nghiệp tham gia kết nối cung - cầu

Theo thông tin từ Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 24 đến 27-9, Chương trình kết nối cung - cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2020 sẽ được diễn ra, quy tụ 531 doanh nghiệp sản xuất và 9 hệ thống bán lẻ lớn. Cũng theo thông tin từ Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 531 doanh nghiệp tham gia có 409 doanh nghiệp của 34 tỉnh, thành phố, đăng ký 232 gian hàng trưng bày, giới thiệu hàng hóa và 122 doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký 224 gian hàng. Năm nay, 9 nhà bán lẻ lớn gồm Saigon Co.op, Satra, Lotte, Big C, Citimart, Aeon, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Emart và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ góp mặt để tìm kiếm hàng hóa đưa vào hệ thống và hỗ trợ tìm kênh tiêu thụ. Sở Công Thương cho biết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp xúc, đàm phán và tiến đến ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng. Trong đó, điều thiết thực trước mắt là miễn phí toàn bộ chi phí tham gia chương trình cho các doanh nghiệp.

Chương trình kết nối cung - cầu hàng hoá do Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức là dịp tốt để các siêu thị, trung tâm thương mại kết nối với các nhà sản xuất hàng hoá trong cả nước. Từ đó hình thành chuỗi liên kết cung ứng hàng hoá thuận lợi và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Các sản phẩm đặc sản chất lượng cao và có tiềm năng xuất khẩu cũng sẽ được hỗ trợ mở rộng thị trường, đồng thời thành phố có thể bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường đạt chuẩn./.

Theo nhandan.com.vn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com