Quốc hội phê chuẩn hai hiệp định EVFTA và EVIPA

06:06, 08/06/2020

Mở đầu phiên làm việc sáng 8-6, Quốc hội (QH) nghe Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu QH về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Báo cáo nêu rõ, hầu hết ý kiến các vị đại biểu QH đều bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Ðối ngoại QH, tán thành việc QH phê chuẩn Hiệp định tại kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV. Các đại biểu QH cho rằng việc phê chuẩn Hiệp định là phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Ðảng và Nhà nước; đồng thời đánh giá Hiệp định có chuẩn mực cao nhất hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư.

Việc phê chuẩn EVFTA sẽ đem lại cho nước ta nhiều lợi ích, thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều giữa hai bên, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và có tính bổ trợ lẫn nhau, tăng quy mô xuất khẩu một số ngành hàng thế mạnh của Việt Nam nhất là hàng nông sản, thủy sản, may mặc. Ðồng thời, doanh nghiệp và người dân Việt Nam sẽ có điều kiện mua máy móc, thiết bị hiện đại với giá cả phải chăng, người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao như nhóm hàng hóa mỹ phẩm được người Việt Nam ưa chuộng với giá cả thấp hơn. Các đại biểu QH nhấn mạnh việc phê chuẩn Hiệp định thúc đẩy nước ta tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, tăng năng lực cạnh tranh trên cả ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội rà soát, tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn.

457/457 đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Ảnh: Dương Giang - TTXVN
457/457 đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Sau khi nghe Tổng Thư ký QH - Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định EVFTA, QH tiến hành biểu quyết bằng hệ thống điện tử. Kết quả biểu quyết có 457/457 đại biểu QH có mặt tán thành phê chuẩn Hiệp định EVFTA, chiếm 94,62% tổng số đại biểu QH. Như vậy, QH đã chính thức phê chuẩn Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung. QH giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định và thông báo thời điểm Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam.

Cũng tại phiên làm việc sáng 8-6, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu QH về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA). Báo cáo nêu rõ, hầu hết ý kiến các vị đại biểu QH đều bày tỏ nhất trí cao Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Ðối ngoại của QH, tán thành phê chuẩn Hiệp định EVIPA đồng thời với Hiệp định EVFTA tại kỳ họp thứ 9 QH khóa XIV. Có ý kiến đại biểu QH đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định. Việc phê chuẩn Hiệp định sẽ mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Có ý kiến đại biểu QH cho rằng trong những năm qua Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng 32 nghìn dự án với tổng vốn đăng ký hơn 370 tỷ USD, nhưng khu vực châu Âu chỉ khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỷ USD; việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận nền công nghiệp hiện đại, công nghệ mới và công nghệ sạch từ các nước châu Âu. Ðồng thời, các vị đại biểu QH cũng phân tích những khó khăn, thách thức và đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực. Các ý kiến đại biểu QH nhất trí nội dung của Hiệp định EVIPA không trái với Hiến pháp và cơ bản phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, tán thành ban hành Nghị quyết của QH về việc công nhận và cho thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định.

Sau khi nghe Tổng Thư ký QH - Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết Phê chuẩn EVIPA, QH tiến hành biểu quyết bằng hệ thống điện tử. Kết quả có 461/462 đại biểu QH có mặt biểu quyết tán thành phê chuẩn Hiệp định EVIPA, chiếm 95,65% tổng số đại biểu QH. Như vậy, QH đã chính thức phê chuẩn Hiệp định EVIPA gồm 4 Chương và 13 Phụ lục. Ðồng thời, QH cũng giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA và thông báo thời điểm Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam.

Với 458/460 đại biểu QH tham gia biểu quyết tán thành, cũng trong sáng 8-6, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu QH về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, ngày 20-5-2020, QH thảo luận trực tuyến việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Các ý kiến đại biểu QH đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước phù hợp với đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Ðảng và Nhà nước. Việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Ðảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động. Ðồng thời, các ý kiến đại biểu QH cho rằng các nội dung của Công ước số 105 không trái với các quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH.

Về dự thảo Nghị quyết, ngày 20-5-2020, Tổng Thư ký QH đã gửi dự thảo Nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Ðến ngày 25-5-2020, UBTVQH đã nhận được 358 ý kiến tham gia của các vị đại biểu QH, trong đó có 356 ý kiến nhất trí hoàn toàn dự thảo Nghị quyết, 2 ý kiến tham gia cụ thể một số nội dung và kỹ thuật văn bản. Nghị quyết được thông qua quyết nghị Gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động Quốc tế thông qua ngày 25-6-1957 tại Geneva, Thụy Sĩ. Ðồng thời quyết nghị áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Công ước số 105.

Về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, Nghị quyết nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Công ước số 105, phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 105; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 105 và những nội dung liên quan để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc gia nhập Công ước số 105 và thông báo thời điểm Công ước số 105 có hiệu lực đối với Việt Nam.

Về giám sát việc thực hiện Nghị quyết, Nghị quyết nhấn mạnh: QH, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, các đoàn đại biểu QH và các đại biểu QH trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com