Vĩnh Phúc: Ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển nông nghiệp

08:03, 17/03/2020

Hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc, vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hỗ trợ trồng cây dược liệu và cơ sở chế biến.

Qua bốn năm triển khai, đến nay, Vĩnh Phúc đã hình thành các vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi gia súc tập trung; hình thành các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, các chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Toàn tỉnh có 1.329 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, trong đó có 25 doanh nghiệp sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm và 1.304 cơ sở chế biến có quy mô nhỏ lẻ. Tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất trồng lúa đạt hơn 90%, trong thu hoạch lúa đạt hơn 70%. Trong bốn năm, từ 2016 đến hết năm 2019, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ 1.668 máy nông nghiệp cho các hộ nông dân, với tổng kinh phí hơn 32,5 tỷ đồng… Thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ kịp nông sản cho nông dân, đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, ứng dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất, giảm xuất khẩu sản phẩm thô.

Tuyên Quang: Đến năm 2030 trở thành hình mẫu về phát triển lâm nghiệp

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá và bền vững với lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, năng suất lớn, chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo; là hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước, điển hình về giảm nghèo bền vững, tiến tới giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, xóa bỏ sản xuất tự cung, tự cấp nhỏ lẻ trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phó Thủ tướng yêu cầu về nội dung lập quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả ba trụ cột: kinh tế - xã hội và môi trường,...

Quảng Ngãi: Thiếu 1.200 giáo viên mầm non và tiểu học

Ngày 15-3, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, cơ quan này đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ báo cáo về tình hình thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học/bậc học còn nhiều, đặc biệt là bậc học mầm non và tiểu học. Tỷ lệ giáo viên/lớp chưa bảo đảm theo quy định, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, nuôi dạy ở các cấp học/bậc học. Đặc biệt, đối với bậc học mầm non công tác chăm sóc và nuôi dạy trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu, vì tỷ lệ giáo viên trên lớp quá thấp. Việc dạy hai buổi/ngày tại các trường tiểu học thực hiện chưa đồng bộ, đại trà, vì không bảo đảm tỷ lệ giáo viên. Chỉ tiêu biên chế giao cho ngành giáo dục của địa phương chưa bảo đảm theo định mức quy định nên rất khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí nhân sự ở các trường học./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com