Quốc hội thông qua 4 luật và 2 nghị quyết

06:11, 24/11/2019

Sáng 22-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cũng cơ bản nhất trí với nội dung tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi lần này, đặc biệt trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp khó lường, đặc biệt với nhiều loại hình hơn, tần suất nhiều hơn và tính bất thường ngày càng nhiều hơn.

Về ngân sách phòng, chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng thống nhất với Dự thảo bộ về nội dung bổ sung kế hoạch trung hạn và quỹ dự trữ tài chính vào nguồn ngân sách để bảo đảm cho hoạt động phòng, chống thiên tai trên thực tiễn và phù hợp với luật hiện hành.

Theo đại biểu, việc bố trí nguồn ngân sách này bảo đảm sự chủ động và giải quyết kịp thời những yêu cầu phát sinh trong thực tiễn khi thiên tai xảy ra cũng như xây dựng, yêu cầu xây dựng các công trình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế đặc thù đối với một số hoạt động liên quan đến khôi phục, sửa chữa, xây dựng các công trình hoặc xử lý phòng, chống thiên tai quy mô nhỏ trong trường hợp khẩn thiết.

Liên quan đến việc thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần cân nhắc, bởi việc kêu gọi tiếp nhận các nguồn hỗ trợ quốc tế thông qua Hội Chữ thập đỏ là tổ chức được Chính phủ giao là đầu mối quản lý tiếp nhận viện trợ nhân đạo. “Việc hình thành quỹ tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xem xét có chồng chéo hay không và trong trường hợp các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ thông qua các dự án phòng, chống thiên tai thì lại được quản lý theo ngân sách hiện hành theo quy định của Luật Ngân sách” - đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu.

Vị đại biểu đoàn Lạng Sơn cũng cho rằng, cần quy định quản lý và quan hệ phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Chữ thập đỏ trong việc tiếp nhận và quản lý các nguồn trên để phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai. “Tôi đề nghị nếu thành lập, Chính phủ làm rõ thêm mối quan hệ quản lý giữa quỹ và Hội Chữ thập đỏ và vấn đề này có phát sinh cơ quan biên chế quản lý hay không; đồng thời cần có quy định có tính nguyên tắc về mối quan hệ với các quỹ địa phương để bảo đảm đồng bộ, thiết thực hiệu quả cho quỹ hoạt động phòng, chống và giảm thiểu thiên tai và nếu cần thiết thì có cơ chế điều hòa giữa Trung ương và địa phương” - đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cũng thống nhất cao với Ban soạn thảo bổ sung quy định về ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai tại Khoản 6 Điều 5. Đây là một trong những chính sách quan trọng giúp cho công tác phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả.

Đại biểu Lê Quang Trí cho biết, việc quy định chính sách ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai là hết sức cần thiết.

Theo đại biểu đoàn Tiền Giang, công tác phòng, chống thiên tai là một trong những công tác khó và phức tạp đối với Việt Nam và một số nước. Tuy nhiên, cũng đã có rất nhiều nước có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai như Nhật Bản, Mỹ, Philippines. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Do đó, để giảm thiểu thiên tai, cần xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai và các công trình kết hợp phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, do nguồn lực quốc gia có hạn nên cần ưu tiên xây dựng một số công trình phòng, chống thiên tai cấp thiết nhất.

“Trong giai đoạn hiện nay rất cần đầu tư xây dựng các công trình ao, hồ điều tiết nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long để ứng phó với hạn hán, chống ngập lụt, chủ động nguồn nước tưới và nguồn nước sinh hoạt, không bị động bởi các đập thủy điện trên sông Mekong” - đại biểu Lê Quang Trí cho biết.

Chiều 22-11, Quốc hội đã bỏ phiếu miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đối với đồng chí Nguyễn Khắc Định; bỏ phiếu về phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhiệm kỳ 2016-2021 bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Kết quả, có 94% phiếu đồng ý miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đối với đồng chí Nguyễn Khắc Định; có 87% phiếu đồng ý về phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 đối với đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến.

Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết trên.

Kết quả, 100% đại biểu bỏ phiếu đồng ý thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đối với đồng chí Nguyễn Khắc Định; 81,78% đại biểu bỏ phiếu tán thành thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 đối với đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến.

Với kết quả bỏ phiếu trên, Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết.

Trước đó, Bộ Chính trị đã chỉ định đồng chí Nguyễn Khắc Định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2015-2020.

Theo Quyết định số 1296 của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến được phân công giữ chức Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Chiều 22-11, với đa số đại biểu tán thành (89,23% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.

Chiều cùng ngày, với 91,51% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; biểu quyết thông qua Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao (91,72% tổng số đại biểu). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.

Luật gồm 8 chương, 50 điều, quy định về nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Dân quân tự vệ.

Về vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ, Luật quy định: Dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh.

Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Dân quân tự vệ là: Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức; sự chỉ huy cao nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ huy đơn vị quân đội.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Điều 5 về nhiệm vụ của Dân quân tự vệ; Điều 15 về tổ chức Dân quân tự vệ đều với 91,72% đại biểu tán thành.

Điều 5 quy định nhiệm vụ của Dân quân tự vệ là: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu để bảo vệ địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức; Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật...

Trước đó, trong quá trình thảo luận, về độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình (Điều 8), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định “nếu tình nguyện tham gia thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam và đến hết 45 tuổi đối với nữ” tại khoản 1 để tránh áp dụng tùy nghi, có thể gây khó khăn khi thực hiện.

Nói rõ về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt khẳng định: Dự thảo Luật giữ nguyên độ tuổi và trường hợp kéo dài như Luật Dân quân tự vệ là phù hợp với thực tiễn. Quy định “nếu tình nguyện tham gia thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam và đến hết 45 tuổi đối với nữ” nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguồn để tổ chức Dân quân tự vệ tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa và ở một số cơ quan, tổ chức ít biến động về biên chế, đồng thời tạo điều kiện cho công dân có nguyện vọng tiếp tục phục vụ trong lực lượng Dân quân tự vệ. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị quy định đối với xã trọng điểm quốc phòng, an ninh, xã biên giới nên bố trí Chỉ huy trưởng do sĩ quan Quân đội nhân dân đảm nhiệm cho phù hợp với tình hình hiện nay; có ý kiến đề nghị quy định Phó chỉ huy trưởng là cán bộ chuyên trách để tạo điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình tại Báo cáo số 454/BC-UBTVQH14 ngày 16-10-2019. Thực tế hiện nay, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã tại xã trọng điểm quốc phòng, an ninh vẫn thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đối với nhiều xã biên giới, hiện nay đã được tăng cường cán bộ Bộ đội Biên phòng đảm nhiệm một số chức danh trong cấp ủy Đảng và chính quyền cấp xã. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Mặt khác, có ý kiến đề nghị quy định Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là sĩ quan dự bị nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ đến niên hạn thì được thăng quân hàm cao hơn theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, vì không được xếp vào đơn vị dự bị động viên cho tương xứng với trần quân hàm của Trưởng Công an xã là Trung tá.

Tiếp thu ý kiến trên, để có căn cứ pháp lý cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc thăng quân hàm sĩ quan dự bị và trần quân hàm cao nhất đối với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung điểm a vào khoản 2 Điều 49 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 41 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam như sau: “Căn cứ vào nhu cầu biên chế, tiêu chuẩn chức vụ của sĩ quan, kết quả học tập quân sự và thành tích phục vụ quốc phòng, sĩ quan dự bị được bổ nhiệm chức vụ trong các đơn vị dự bị động viên hoặc giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được thăng cấp bậc quân hàm tương xứng với chức vụ đảm nhiệm. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chức vụ tương đương và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với sĩ quan dự bị đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã”.

Hôm nay, thứ hai, ngày 25-11-2019: Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội; tiếp theo, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự về việc trình danh sách đề cử bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua các Luật:  Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tiếp theo, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV và bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV./.

Theo quochoi.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com