Khai trương hệ thống thông tin phục vụ hoạt động điều hành của Chính phủ

05:06, 24/06/2019

Sáng 24-6, Văn phòng Chính phủ đã khai trương hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Ðình Huệ, Vũ Ðức Ðam; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử tham dự lễ khai trương.

Lễ khai trương còn có sự tham dự của các đại biểu từ các cơ quan: Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Ðảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Ðịnh, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Ninh...; Ðại sứ quán Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga, Australia, Hàn Quốc...; đại diện Ngân hàng Thế giới; đại diện Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ e-Cabinet. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ e-Cabinet. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng hệ thống e-Cabinet, ngày 27-2-2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã có Quyết định số 168/QÐ-VPCP phê duyệt Ðề án xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ với mục tiêu đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ tiên tiến của thế giới, hướng tới Chính phủ không giấy tờ. Sau hơn 3 tháng tích cực chuẩn bị, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành, cơ quan đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống e-Cabinet.

Phát biểu tại lễ khai trương hệ thống e-Cabinet, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu của hệ thống là giúp chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, sử dụng văn bản điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, giảm thời gian, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý công việc của mình. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử, bao gồm học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm thành công và không thành công của các nước, vận động hệ thống các công ty công nghệ, các cơ quan có liên quan vào việc giúp cho Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử.

 “Chuyển sang một phương thức làm việc mới thì bao giờ cũng có nhiều điểm bỡ ngỡ, có khi còn e ngại và thấy khó khăn, những gì chúng ta đã làm quen bấy lâu rồi giờ thay đổi sẽ mất thời gian để làm quen và cần phải cập nhật, đào tạo lại”, Thủ tướng nói. Tuy nhiên, chúng ta phải quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử bởi đó là xu thế tất yếu, không ngoại trừ quốc gia nào. Chúng ta muốn xây dựng thành công nền kinh tế số và xã hội số thì trước tiên chúng ta phải có Chính phủ số mà khởi đầu là e-Cabinet ngày hôm nay khai trương. Lợi ích của e-Cabinet không chỉ dừng lại ở tiết kiệm thời gian họp hành mà là yêu cầu nội dung công việc phải được chuẩn bị tốt hơn cả về chất lượng và thời hạn để các thành viên tham dự có thể nghiên cứu trước và cho ý kiến. “Tôi muốn nói tới công tác chuẩn bị trước đó để sử dụng e-Cabinet phải chặt chẽ hơn, tốt hơn. Vì thường chúng ta đều biết Chính phủ quyết định những vấn đề quan trọng đặc biệt là việc xây dựng thể chế pháp luật phục vụ cho phát triển”.

Thủ tướng nêu rõ, các thành viên Chính phủ cần quán triệt tinh thần tiên phong, quyết liệt nhập cuộc, đổi mới mạnh mẽ, nắm vững các thao tác để sử dụng thành thạo hệ thống này. Việc vận hành tích cực, có hiệu quả hệ thống này sẽ giúp cho Chính phủ sớm đạt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian các phiên họp Chính phủ, đồng thời giảm tối đa sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh hệ thống trong thời gian tới, đặc biệt lưu ý phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh mạng, an ninh hệ thống, không để xảy ra sự cố lộ lọt thông tin, dữ liệu. Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành rà soát, kiến nghị sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan phù hợp với phương thức làm việc trên môi trường điện tử, trên không gian mạng. Ðồng thời với hệ thống e-Cabinet, cần ưu tiên tập trung rà soát, nâng cấp, hoàn chỉnh phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc trong nội bộ hiện nay. Thủ tướng cho biết, có ý kiến phản ánh phần mềm hiện nay còn bất cập. Sau thời gian sử dụng thử nghiệm hệ thống e-Cabinet, Thủ tướng yêu cầu tiến hành đánh giá toàn diện hệ thống, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Các bộ, các tỉnh, thành phố phải nghiên cứu áp dụng mạnh mẽ hơn hệ thống công nghệ thông tin phổ cập hiện nay để hạn chế tối đa sự chậm trễ, hạn chế sự tiếp xúc giữa các cá nhân, cơ quan đơn vị với người, đơn vị giải quyết công việc, đẩy mạnh thanh toán điện tử, xây dựng ngay cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, là những việc tiếp tục triển khai trong việc xây dựng Chính phủ điện tử.

Ngay sau khi khai trương e-Cabinet, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống này./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com