Phát động thi đua thực hiện văn hóa công sở trong cán bộ, công chức

07:05, 21/05/2019

Sáng 19-5, tại Hà Nội, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Hội đồng) tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng dự và phát động Phong trào.

Sự kiện được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, là hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa sâu sắc để tưởng nhớ Bác Hồ về lời dạy và tấm gương suốt đời vì nước, vì dân, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, trờ thành quốc gia có thu nhập trung bình, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá liên tục trong nhiều năm. Năm 2018, lần đầu tiên trong 10 năm, GDP tăng trưởng 7,08% - cao hàng đầu thế giới; diện mạo đất nước và đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; quốc phòng, an ninh được củng cố; chủ quyền quốc gia được giữ vững; uy tín và vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đặc biệt, cùng với những thành quả phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, công cuộc chống tham nhũng ở nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, củng cố sâu sắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Chính những điều này đã góp phần vun đắp những nền tảng có tính chiến lược, củng cố mạnh mẽ hơn nữa tính hiệu lực, hiệu quả của các phong trào thi đua, yêu nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2019 là năm quan trọng, cần có sự bứt phá để thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016-2020 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, tạo tiền đề vững chắc để nước ta phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới. Thủ tướng cho rằng, trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp. Phong cách giao tiếp, ứng xử đã có những tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện văn hóa công sở. Thủ tướng đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần xóa bỏ ngay thứ văn hóa “không nhúc nhích”, văn hóa để “nước đến chân mới nhảy”, văn hóa “đợi nhắc thì làm”, không nhắc thì cũng làm nhưng làm chậm, chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao mà nhân dân, cơ quan đang mong đợi. Văn hóa công sở phải gắn với gia đình và văn hóa xã hội. Cán bộ, công chức phải thực sự nêu gương với người thân trong gia đình, con cái, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ xã hội. Văn hóa công sở là đúng giờ, không đi trễ về sớm, xóa bỏ thứ văn hóa đang trong giờ rời nhiệm sở không có lý do chính đáng. Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức không được bỏ bê công việc, không ăn lạm từng giây, từng phút, từng đồng thuế của người dân. Thực hành làm hết giờ sang làm hết việc, xóa bỏ tình trạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”. Văn hóa công sở gắn với trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc. Văn hóa công vụ là phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu.

Để cụ thể những quan điểm trên, Thủ tướng đề nghị biến phong trào thành chiến lược xây dựng văn hóa công sở dựa trên ba trụ cột. Thứ nhất, cần xây dựng lại hệ giá trị chuẩn mực trong văn hóa công sở. Đây là yêu cầu mang tính tiền đề. Giống như mọi văn hóa khác, văn hóa công sở không thể cân đong, đo đếm được trực tiếp mà được hình thành từ trong ý thức của từng người, tạo nên niềm tin giá trị, động lực thôi thúc cách ứng xử làm việc của mỗi cá nhân. Vì vậy, mỗi cán bộ, công chức cần phải có niềm tin vững chắc vào mỗi giá trị văn hóa mà cơ quan, công sở của mình theo đuổi. Thứ hai, kiến tạo nên môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả. Không thể có một công sở có văn hóa nếu môi trường làm việc thiếu các chuẩn mực văn hóa, nội bộ tồn tại căng thẳng, soi xét lẫn nhau, nghi ngờ, đố kỵ, bất hợp tác; mục tiêu làm việc chỉ chú trọng đến tiền lương thay vì giá trị công việc được tạo ra và cống hiến. Môi trường công sở được ví như một xã hội thu nhỏ, ở đó, hành xử có sự tương tác của mỗi cán bộ, công chức sẽ tạo nên bầu không khí và những giá trị nơi công sở, là nơi bảo đảm vệ sinh môi trường, không có khói thuốc lá, không có rác thải nhựa… Thứ ba, hình thành hình ảnh, tác phong, cốt cách của cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo vì người dân phục vụ. Mỗi con người khi đã làm cán bộ, công chức Nhà nước thì phải uốn nắn mình trở thành những con người mẫu mực, chuyên nghiệp, sáng tạo, luôn tận tụy, vì lợi ích của người dân, của doanh nghiệp. Trong mọi vị trí và điều kiện công tác, phải luôn nỗ lực hoàn thành trách nhiệm được giao, tạo sự tin tưởng và thân thiện với lãnh đạo, với đồng nghiệp và người dân. Tính chuyên nghiệp trong công sở thể hiện ở sự chuyên nghiệp trong giao tiếp, ứng xử với cấp trên, đồng cấp và cấp dưới, biết cách thức tổ chức công việc và hoàn thành các nhiệm vụ được giao đúng hạn, tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức, lành mạnh trong quan hệ, thăng tiến dựa trên năng lực và thành quả công tác.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương thi đua hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, đề án đã được giao. Triển khai đồng bộ các quy định về văn hóa công sở trong các cơ quan, đơn vị mình. Thi đua xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hóa, thân thiện, hiện đại, cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, công sở văn minh, khoa học; niêm yết đầy đủ các thủ tục hành chính tại mọi trụ sở. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức lối sống, đạo đức công vụ, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành. Thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Thi đua thực hiện tốt chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, luôn sẵn sàng chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, phải không ngừng thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ trong tình hình mới. Thi đua thực hiện giao tiếp tốt, tác phong chuyên nghiệp, làm việc khoa học, kỷ cương, kỷ luật hành chính; tôn trọng, lắng nghe, tận tình với người dân; hợp tác chặt chẽ, tương trợ với đồng nghiệp. Cấp trên phải công tâm, khách quan, lắng nghe và tôn trọng cấp dưới. Cấp dưới phải phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công của cấp trên theo đúng quy định. Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải đi đầu, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công sở.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lần nữa Thủ tướng kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức hãy phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, đoàn kết chung sức, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, thi đua thực hiện văn hóa công sở, đạo đức công vụ, dốc lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com