Hà Giang: Chương trình mỗi xã một sản phẩm phát huy hiệu quả

08:03, 12/03/2019

Là huyện vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang, sau một năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay huyện Quản Bạ đã có 27 chủ thể (16 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 10 hộ dân) đăng ký tham gia thực hiện Đề án OCOP với 37 sản phẩm tham gia; trong đó có 8 sản phẩm là ý tưởng, 29 sản phẩm đã có sẵn.

Hồng không hạt sản xuất tại Hợp tác xã hồng không hạt Quản Bạ
Hồng không hạt sản xuất tại Hợp tác xã hồng không hạt Quản Bạ

Qua rà soát theo bộ tiêu chí tạm thời, có 29 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 2-4 sao. Với tổng kinh phí thực hiện trên 1 tỷ đồng, huyện Quản Bạ đã lựa chọn 14 sản phẩm đạt tiêu chí, thuộc 4 nhóm để tập trung nguồn lực và các giải pháp hoàn thiện. Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Hà Giang phấn đấu xây dựng mỗi huyện có từ 1 đến 2 sản phẩm chủ lực, mỗi xã 1 sản phẩm chủ lực, có thương hiệu, đạt hiệu quả kinh tế. Đây được xem là giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Đồng thời, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng gia tăng giá trị, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Hưng Yên: Mở rộng vùng trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP

Tỉnh Hưng Yên chủ trương mở rộng vùng cây ăn quả chủ lực theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm thay đổi tư duy, trình độ và cách thức tổ chức sản xuất của nông dân, tạo ra sản phẩm chất lượng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và bảo đảm ổn định đầu ra của sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có hơn 10 nghìn ha trồng cây ăn quả, trong đó nhóm cây chủ lực là nhãn, vải, cây có múi chiếm hơn 8 nghìn ha. Có 20 đơn vị sản xuất cây ăn quả nhãn, vải, cây có múi với quy mô lớn. Trong đó, tổng diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP là hơn 200ha, diện tích đang triển khai để cấp chứng nhận là gần 150ha. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, từ nay đến năm 2020, Sở sẽ tổ chức cấp giấy chứng nhận VietGAP cho ba loại cây ăn quả chủ lực gồm: cây nhãn, cây vải, cây có múi tại hơn 160 vùng sản xuất tập trung, với tổng diện tích gần 2.200ha. Sở sẽ phối hợp các huyện, thành phố lựa chọn, xác định vùng trồng cây ăn quả đủ điều kiện để tổ chức cấp chứng nhận theo yêu cầu; đồng thời tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác tại các vùng được lựa chọn./.

Theo baotintuc.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com