Thủ tướng chủ trì họp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội XIII

06:03, 05/03/2019

Chiều 4-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Ðại hội Ðảng XIII đã chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Tiểu ban.

Tại phiên họp này, các thành viên Tiểu ban nghe, cho ý kiến, thông qua các nội dung quan trọng để báo cáo Bộ Chính trị, gồm chủ đề, kết cấu đề cương sơ bộ và một số trọng tâm của Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm.

Sau khi các thành viên Tiểu ban phát biểu ý kiến, Thủ tướng đánh giá các thành viên Tiểu ban đã nêu nhiều ý kiến phong phú, đa dạng và chất lượng. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Tổ trưởng Tổ biên tập, trực tiếp chỉ đạo bộ phận thường trực Tổ biên tập tiếp thu các ý kiến một cách chọn lọc, có cơ sở khoa học, rà soát, cân đối các nội dung, câu chữ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến.    

Về chủ đề Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp thứ 2, Thường trực Tổ biên tập đã thảo luận, rút gọn từ 10 phương án còn 5 phương án. Trong đó, Thủ tướng nhắc lại một số trọng tâm mà các thành viên nêu ra trong một số phương án như đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giữ vững ổn định xã hội, đảm bảo độc lập chủ quyền... Thủ tướng cho rằng, phải nhấn mạnh đến việc phát triển kinh tế, văn hóa để nâng cao đời sống nhân dân. Chủ đề phải được tiếp tục hoàn thiện trong quá trình xây dựng Ðề cương chi tiết, đưa ra một số phương án để lựa chọn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng phát biểu. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng phát biểu. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Về kết cấu của Ðề cương sơ bộ của chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm, trên cơ sở các ý kiến phát biểu, Thủ tướng cho rằng, phải nêu được tình hình trong nước và quốc tế; quan điểm phát triển lấy khoa học công nghệ và con người làm trung tâm, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự hài hòa trong phát triển...

Ðối với các đột phá chiến lược, Thủ tướng tán thành với các thành viên về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo, đồng thời nhấn mạnh đến đột phá về thể chế.

Về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2025, Thủ tướng tán thành ý kiến việc phải đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2020 để khẳng định niềm tin và vị thế tốt như hiện nay của đất nước.

Về nội dung của kết cấu đề cương sơ bộ của chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm, trên cơ sở các thành viên có ý kiến, Thủ tướng đề nghị cần nêu lên được thời cơ phát triển, những mục tiêu cụ thể, những khuyết điểm hạn chế và bài học kinh nghiệm. Cần làm rõ nhiệm vụ trọng yếu như kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, huy động các nguồn lực cho phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch mô hình tăng trưởng…

Về bối cảnh quốc tế và trong nước, Thủ tướng cũng cho rằng cần nêu lên thời cơ và thách thức trong 5 đến 10 năm tới và xa hơn, trong đó cần nêu rõ bối cảnh thế giới phức tạp, khó lường; cùng với nêu lên niềm tin xã hội tăng lên thì cũng cần nêu các điểm nghẽn phát triển của nước ta.

Trong quan điểm phát triển, trên cơ sở các ý kiến, Thủ tướng đề nghị cần có sự kế thừa, trong đó có các vấn đề như năng suất lao động, phát triển nhanh bền vững, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, huy động phân bổ hiệu quả nguồn lực... Con người được coi là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu của phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ sáng tạo cá nhân. Chú trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.  

Ðối với nội dung về tổ chức thực hiện, Thủ tướng yêu cầu quán triệt tinh thần tư tưởng chiến lược, kế hoạch đến các tổ chức Ðảng, Ðảng viên, quần chúng nhân dân và giao nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đôn đốc, theo dõi và tổ chức đánh giá, kiểm tra.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, viện, trường đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu 41 chuyên đề phải hoàn thành đúng hạn, bảo đảm chất lượng. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tập hợp các tư liệu, dữ liệu liên quan, làm cơ sở, căn cứ xây dựng văn kiện. Tổng cục Thống kê sớm tổng hợp bộ số liệu chung về kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020, bảo đảm độ xác thực, làm cơ sở cho xây dựng các văn kiện của Ðại hội Ðảng XIII, trong đó có Tiểu ban Kinh tế - Xã hội./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com