Thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp trong đấu tranh phòng chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại

07:01, 22/01/2019

Ngày 21-1, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138), Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2019 của 2 Ban Chỉ đạo. Dự hội nghị có đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; lãnh đạo các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; đại diện các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ, năm 2018 các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã triển khai quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng, chống tội phạm. Nhờ vậy, các loại tội phạm cơ bản được kiềm chế. Toàn quốc xảy ra 53.240 vụ phạm pháp hình sự (giảm 0,61% so với năm 2017); tội phạm mua bán người đã phát hiện xảy ra 211 vụ, 276 đối tượng, 386 nạn nhân; tội phạm tham nhũng có chiều hướng giảm, nhưng tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn diễn ra trong nhiều lĩnh vực. Hoạt động của tội phạm công nghệ cao diễn ra ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới (đặc biệt là tình trạng trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng để làm giả thẻ thanh toán dịch vụ rút tiền qua máy ATM)… Tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường diễn biến phức tạp, nổi lên là vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn phổ biến, sản xuất thuốc tân dược giả, phụ phẩm bẩn, thực phẩm chức năng giả. Tội phạm về ma túy có tính chất nghiêm trọng, các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn tiếp tục hoạt động mạnh. Điển hình như tại Thanh Hóa, lực lượng chức năng đã bắt 64 bánh hê-rô-in, 14kg ma túy tổng hợp; Cao Bằng phá thành công chuyên án 118B, thu giữ 288 bánh hê-rô-in… Số người nghiện cũng tăng (hiện toàn quốc có 224.690 người, tăng 2.108 người so với năm 2017). Các lực lượng chức năng và các địa phương tích cực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đã phát hiện xử lý trên 202.980 vụ việc (tăng 10% so với năm 2017); nộp ngân sách Nhà nước trên 20.123 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2017). Trong đó đã khởi tố 1.979 vụ, 2.339 đối tượng...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận những thành tích đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2018 và nhấn mạnh: Năm 2019, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nỗ lực, triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trong đấu tranh phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, tổ chức quán triệt những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đôn đốc phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết không để “vùng cấm” trong công tác này, đặc biệt là đối với công tác phòng, chống tham nhũng trong hoạt động phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phòng chống ngay trong các lực lượng làm công tác này. Làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý tốt các tin báo, tin tố giác tội phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ và tích cực tham gia phòng, chống tội phạm; tố giác các biểu hiện gian lận thương mại. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch công tác năm 2019 với các giải pháp phù hợp. Trong đó giao chỉ tiêu cụ thể cho các lực lượng chức năng, tập trung triệt xóa tuyến, địa bàn, tụ điểm, các đường dây, ổ nhóm… Cần xác định phòng chống tội phạm và đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và có kế hoạch, giải pháp cụ thể để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Có cơ chế phòng ngừa, răn đe, phòng chống tội phạm tham nhũng, kết hợp chủ động phát hiện các hình thức tội phạm khác, xử lý nghiêm minh trước pháp luật các hành vi phạm tội. Tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại; hoạt động buôn bán người. Đặc biệt kiểm tra, xử lý kịp thời tình hình buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán./.

Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com