Bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững

07:11, 05/11/2018

Ngày 2-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ 11. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường nghe: Chủ tịch nước trình bày Tờ trình về việc đề nghị QH phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của QH về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP; sau đó tiến hành thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có liên quan đến quy hoạch.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Tờ trình về việc đề nghị QH phê chuẩn Hiệp định CPTPP do Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày nêu rõ: Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông - Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thật sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai, sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa ta với các nước thành viên CPTPP, nhất là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với ta.

Báo cáo thẩm tra Hiệp định CPTPP của Ủy ban Đối ngoại của QH cho biết, Hiệp định CPTPP kế thừa các nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) đã được 12 nước ký kết ngày 4-2-2016, nhưng do Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định nên các nước dừng việc phê chuẩn và 11 nước còn lại tiếp tục đàm phán Hiệp định. Trong khuôn khổ Hội nghị APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam tháng 11-2017, 11 nước thể hiện quyết tâm thúc đẩy ký kết Hiệp định với tên gọi mới là Hiệp định CPTPP và ngày 8-3-2018, Hiệp định CPTPP được 11 nước ký kết tại Thủ đô San-ti-a-gô, Chi-lê.

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu QH đồng tình Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của QH, theo đó nhấn mạnh, việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thể hiện cam kết chính trị, khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định TPP trước đây cũng như CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều năm, được Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo, bàn bạc kỹ, bảo đảm an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ và thể chế các nước đặt ra về kinh tế. Qua thực tế đổi mới và hội nhập hơn 30 năm qua, Việt Nam đã tham gia các hiệp định quốc tế, khi bước vào thực hiện có cả thuận lợi và khó khăn, song với quyết tâm cao, có niềm tin, cho nên đất nước đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, với nhiều thành tựu nổi bật trong sự nghiệp đổi mới.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) và một số đại biểu cho rằng, Hiệp định CPTPP đồ sộ, tác động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, khi ký kết Hiệp định triển khai thực hiện, Việt Nam có 15 cam kết/nhóm cam kết áp dụng thực hiện ngay, có cam kết từ 10 đến 15 năm tới mới thực hiện, trong khi đó lộ trình áp dụng Hiệp định khá phức tạp. Do vậy, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có phương án, lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, bảo đảm công khai để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân thực hiện, hạn chế thấp nhất những rủi ró, tiêu cực, bảo đảm cho việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, nội luật hóa theo đúng lộ trình cam kết, bảo đảm tính tương thích các cam kết trong CPTPP. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong triển khai thực hiện Hiệp định. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động có phương án, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Trong phiên làm việc tại hội trường vào chiều cùng ngày, QH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan quy hoạch. Phần lớn ý kiến các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật, cho rằng đây là cuộc cách mạng về hoạt động quy hoạch, trong bối cảnh các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ không còn phù hợp với quy luật kinh tế thị trường. Đồng thời, Luật còn khắc phục đáng kể tình trạng dàn trải, chồng chéo, tùy tiện trong quy tắc quy hoạch, gây lãng phí lớn trong phân bổ, sử dụng nguồn lực quốc gia, làm méo mó nhiều khu vực, khu đô thị... mặc dù trước đó quy hoạch tại những vùng này đều đã được xác lập. Tuy nhiên, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về một số khái niệm chưa rõ ràng trong dự án Luật như: Khái niệm “khu chức năng” cần được gắn với thứ bậc hoặc mức độ quan trọng cụ thể, nhằm đơn giản hóa việc phân cấp, phân quyền quản lý trong công tác quy hoạch. Bên cạnh đó, việc quy định quy hoạch xây dựng khu chức năng như dự án Luật là chưa thỏa đáng, vì quy hoạch xây dựng khu chức năng chưa thể hiện được các phân khu cũng như công trình xây dựng theo chức năng của khu. Ngoài ra, cần làm rõ hai khái niệm “vùng huyện” và “huyện”, vì thực tế hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau, nếu sử dụng không hợp lý sẽ dẫn đến những sai sót khi ban hành Luật.

Có đại biểu cho rằng, Ban Soạn thảo dự án Luật cần cân nhắc các điều khoản về phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất nhằm bảo đảm tính hệ thống, tránh thiếu sót. Dẫn khoản 6 Điều 6 dự án Luật về quy hoạch sử dụng đất, quy định cấp dưới chỉ được phê duyệt sau khi quy hoạch sử dụng đất của cấp trên được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đại biểu QH nêu lo ngại: Trong trường hợp quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh chưa có, thì quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các cấp dưới sẽ mãi mãi phải “đóng băng” chờ đợi?

Cũng tại phiên làm việc, QH đã nghe Bộ trưởng KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình một số ý kiến đại biểu đã nêu. Đối với vấn đề liên quan đến khái niệm về các khu chức năng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian tới, Bộ KH và ĐT sẽ triển khai rà soát nhằm phân định rõ trách nhiệm của ngành tương ứng với các khu chức năng. Về khái niệm quy hoạch xây dựng cấp tỉnh, Bộ KH và ĐT và Bộ Xây dựng thấy rằng: Khái niệm quy hoạch tỉnh đã tồn tại, tuy nhiên ở mức độ chưa thật cụ thể theo phân bố về không gian, chức năng cũng như vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện theo chức năng của từng khái niệm.

Thứ bảy, ngày 3-11-2018, các cơ quan của QH làm việc theo chương trình riêng.

Chủ nhật, ngày 4-11-2018, QH nghỉ làm việc.

Hôm nay, ngày 5-11-2018, QH họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, QH nghe báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Sau đó, QH thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan; việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Buổi chiều, QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com