Quốc hội nghe giải trình và thảo luận hai dự án Luật

07:11, 07/11/2018

Sáng 6-11, tiếp tục chương trình kỳ họp,  Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết, nội dung, phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật và cho rằng dự thảo Luật đã tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Cho đến nay, hầu hết các nội dung giữa dự thảo Luật Giáo dục và dự thảo Luật GDĐH cơ bản đã thống nhất, không có xung đột, mâu thuẫn. Nhiều ý kiến nhận định, dự thảo Luật đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở GDĐH phát huy tự chủ, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng GDĐH một cách thực chất hơn.

Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) nhấn mạnh, dự thảo Luật đã giải quyết được cơ bản những bất cập, tháo được những “nút thắt” trong GDĐH Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, dự Luật đã hoàn thiện được hành lang pháp lý về quyền tự chủ, gắn liền với trách nhiệm giải trình xã hội minh bạch - điều này rất cần thiết cho GDĐH; bổ sung những quy định về quản trị đại học để hội đồng trường là cơ quan quản trị có thực quyền. Đồng thời, đổi mới cơ chế tài chính, bảo đảm sự thông thoáng, hiệu quả, phù hợp với từng loại hình của GDĐH, khắc phục được tình trạng lãng phí dàn trải trong đầu tư công, phát huy được tính cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH, tăng chất lượng.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung những quy định về hoạt động giáo dục như chương trình, hình thức, thời gian đào tạo, văn bằng theo hướng tiếp cận với “chuẩn” đào tạo trong khu vực và trong hội nhập quốc tế. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã sửa những quy định về đại học tư thục theo tính chất hoạt động, từ đó đưa ra mô hình, cơ cấu tổ chức, quản trị phù hợp với từng loại hình, cơ sở GDĐH, là vấn đề còn tồn tại trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung những quy định cụ thể, chính sách ưu tiên phát triển các trường tư thục không vì lợi nhuận; bổ sung quy định rõ ràng về quản lý Nhà nước cũng như quản trị các cơ sở GDĐH, bảo đảm cho việc mở rộng, phát huy quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH. Dự thảo Luật cũng sửa đổi các quy định về các cơ sở GDĐH theo hướng mở, tạo cơ hội cho các trường có thể tự lựa chọn mô hình phát triển phù hợp.

Về cơ sở GDĐH, dự thảo Luật quy định rõ hệ thống GDĐH Việt Nam bao gồm: Trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học); đại học (là tổ hợp các trường đại học; trường trực thuộc) và các cơ sở GDĐH khác phù hợp với quy định của pháp luật. Các đại biểu đánh giá, đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng thể hiện quan điểm đổi mới hệ thống GDĐH theo xu thế phát triển của thế giới và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Theo đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh), đây là một quan điểm rất mới, mang tính chiến lược lâu dài để phát triển các đại học lớn trong tương lai. Trường đại học có thể chuyển thành đại học, các trường đại học có thể liên kết với nhau để trở thành đại học. Theo hướng như thế có thể sớm tạo ra các trường đại học mạnh, đạt chuẩn mực khu vực, quốc tế. Ở Mỹ, Pháp, xu thế này đang diễn ra rất mạnh và hoạt động có hiệu quả. Ở Việt Nam, sau 24 năm xây dựng và phát triển, mô hình Đại học Quốc gia đã chứng tỏ quyết định của Đảng, Nhà nước về việc thành lập là đúng đắn, mang tầm chiến lược. Hoạt động của 2 đại học Quốc gia đã đạt được những hiệu quả tích cực. Đại biểu thống nhất quan điểm tránh gây xáo trộn không cần thiết, tạo cơ hội cho các trường đại học sắp xếp lại, trong đó Đại học Quốc gia đóng vai trò là đầu tàu thúc đẩy các trường đại học phát triển.

Cơ sở GDĐH cũng là một trong những vấn đề mà đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) quan tâm. Dẫn chứng trên thế giới thì tên gọi, mô hình, cơ cấu tổ chức của các cơ sở GDĐH rất phong phú, đa dạng, không có sự phân định rạch ròi, đại biểu cho rằng việc sửa Luật lần này đã hướng đến sự ổn định của hệ thống các cơ sở GDĐH chuẩn, theo hướng mở rộng hơn, vừa giữ được sự ổn định của hệ thống, vừa là cơ hội mở ra của các trường đại học phát triển theo nhiều mô hình khác nhau, miễn là nâng cao chất lượng.

“Với các tiếp cận như vậy, các trường đại học là hạt nhân cơ bản của GDĐH, các hạt nhân này là các trường đại học độc lập và cũng có thể là những trường thành viên của các đại học; có thể là, các trường đại học sát nhập với nhau thành một đại học hoặc có thể là trường đại học phát triển lên thành đại học. Đây là một bước đột phá trong việc chuyển hệ thống giáo dục “tĩnh”, khép kín thành hệ thống GDĐH “động”, mở, tạo sự linh hoạt cho hệ thống các cơ sở GDĐH đa dạng hơn, để tự lựa chọn cho mình những mô hình riêng để phát triển”, đại biểu phân tích.

Lưu ý về việc triển khai thành lập các trường đại học, đại biểu cho rằng các văn bản pháp luật cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện cụ thể nhằm bảo đảm cho yêu cầu đại học là những cơ sở GDĐH đa ngành, đa lĩnh vực, có quy mô, chất lượng mạnh. “Nếu không làm được điều này có thể sẽ dẫn đến việc “nở rộ” các đại học”, đại biểu Triệu Thế Hùng nhấn mạnh.

Liên quan đến xếp hạng cơ sở GDĐH, ngành đào tạo, một số ý kiến cho rằng đây là quy định rất cần thiết, tạo động lực cho các cơ sở GDĐH phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học có thêm thông tin để chọn trường.

Tuy nhiên để bảo đảm việc xếp hạng minh bạch, khách quan, trung thực, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về các tổ chức xếp hạng về điều kiện thành lập, tiêu chí, tiêu chuẩn xếp hạng, trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức này… Vì nếu các tổ chức xếp hạng này không trung thực, không khách quan thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các cơ sở GDĐH cũng như quyết định chọn trường của sinh viên.

Buổi chiều, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Về vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng ở các đơn vị thuộc Bộ, ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý còn có ý kiến khác nhau và UBTVQH đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến.

UBTVQH đề nghị chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng đối với các đơn vị thuộc Bộ; cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc công an cấp tỉnh; quy định số lượng vị trí của từng cấp bậc hàm cấp tướng và giao UBTVQH quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Về cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an tỉnh, UBTVQH thấy rằng, việc quy định Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức Công an nhân dân theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”.

Hiện nay bộ máy của Công an tỉnh được tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tăng thẩm quyền và thực hiện phân cấp mạnh xuống Công an cấp tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

“Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo quy định số lượng và tiêu chí xác định vị trí giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng để bảo đảm chặt chẽ và giao UBTVQH căn cứ vào tiêu chí để quy định cụ thể như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý” - ông Võ Trọng Việt cho biết.

Theo đó, Dự thảo quy định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp quân hàm cao nhất là Thiếu tướng (trừ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là Trung tướng), song số lượng không quá 11.

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu đoàn Đồng Tháp cơ bản tán thành quy định như dự thảo nhưng còn băn khoăn một số điểm.

Theo đại biểu, về cấp hàm tướng, số lượng theo quy định như vậy là nhiều, trên thế giới hiện nay, ở một số quốc gia, Bộ trưởng quốc phòng, Công an chỉ là dân sự mà vẫn chỉ đạo, chỉ huy cao nhất trong ngành.

Ở nước ta lực lượng vũ trang phải có cấp hàm, điều đó là không bàn cãi nhưng phải tính sao cho hợp lý trong điều kiện nước ta đang ở thời bình, được các nước ca ngợi là ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

“Hàm tướng có cần số lượng nhiều như thế hay không? Cấp tướng phải có quân số nhất định để chỉ huy chứ không thể mang hàm tướng mà quân số chẳng là bao nhiêu” - ông Phạm Văn Hoà đặt vấn đề và cho rằng hàm Trung tướng có chức vụ cục trưởng và tương đương với số lượng 32 là nhiều nên cần cân nhắc.

Về quy định cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng không quá 11 đối với Giám đốc Công an tỉnh, thành phố loại 1, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng còn bất cập với các tỉnh, thành phố khác còn lại.

“Có thành phố đang là loại 2 nhưng tiệm cận loại 1, sau này lên loại 1 thì sao? Có phong hàm Thiếu tướng hay không vì đã đủ số lượng rồi hay là điều động sang nơi khác để đảm bảo con số 11? Hơn nữa, người mang hàm Thiếu tướng của tỉnh này chưa chắc đã có chuyên môn, thời gian trong ngành cao hơn người mang hàm Đại tá của tỉnh, thành khác” - ông Hoà nói và băn khoăn việc quy định Phó Giám đốc công an Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không quá 3 là chưa phù hợp vì “cùng là Phó nhưng người được phong tướng, người lại không”./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com