TP Hồ Chí Minh: Cung cấp dịch vụ bưu điện ưu đãi dành cho công nhân

08:10, 30/10/2018

Công nhân được giảm cước chuyển tiền, mua hàng giảm giá đến 25% và hằng năm vào ngày 1-5, công nhân sẽ được tổ chức các chương trình khuyến mãi lớn theo từng sản phẩm.

Đây là nội dung chính trong biên bản thỏa thuận giữa Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh và LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đem đến nhiều lợi ích cho công đoàn viên, người lao động.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2022, hai bên sẽ thống nhất thực hiện theo từng nội dung ký kết nhằm gắn kết quyền lợi đoàn viên, người lao động bằng chất lượng dịch vụ thân thiện, hiện đại. Nội dung chính phối hợp giữa hai bên là tổ chức các chương trình khuyến mãi, bán hàng ưu đãi cho đoàn viên và người lao động tại các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, Bưu điện thành phố sẽ cung cấp dịch vụ bưu điện với giá ưu đãi cho đoàn viên, người lao động trực thuộc LĐLĐ thành phố.

Theo đó, hằng năm vào các dịp 1-5, Tháng Công nhân, ngày thành lập Công đoàn và lễ, tết, Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức khuyến mãi lớn dành riêng cho người lao động theo từng sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, với dịch vụ chuyển tiền, công nhân lao động sẽ được giảm 10% giá cước theo giờ làm việc của công nhân. Dịch vụ tiết kiệm gửi góp với mức tiền gửi tối thiểu từ 50 nghìn đồng, lãi suất tiết kiệm từ 5,3-7,4%/năm dành cho công nhân. Ngoài ra, khi công nhân sử dụng các dịch vụ mua sản phẩm chăm sóc cá nhân sẽ được giảm giá so với thị trường từ 5-25%.

Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp

Xác định lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Tỉnh tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng, có tính hấp dẫn và cạnh tranh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận nguồn lực đất đai, hạ tầng điện, nước, ưu đãi thuế. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều cơ chế khuyến khích đào tạo nghề và tuyển dụng lao động; chỉ đạo, giải quyết kịp thời kiến nghị và thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đến nay, Vĩnh Phúc có hơn 9.700 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 80 nghìn tỷ đồng. Hiện, tỉnh đã quy hoạch 19 KCN với diện tích hơn 5,5 nghìn ha, trong đó có 11 KCN được thành lập với diện tích 2.300ha, 8 KCN đi vào hoạt động với hạ tầng kỹ thuật dần được hoàn thiện đồng bộ, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư.

Nhờ thành công trong thu hút đầu tư nên kinh tế của tỉnh có những bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm luôn đạt ở mức cao. Bình quân giai đoạn 1997-2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 15,37%/năm, trong đó ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 23,9%, đưa quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 40 lần so với năm 1997 (từ 1,96 nghìn tỷ đồng năm 1997 lên 85,3 nghìn tỷ đồng năm 2017). Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, từ 2,18 triệu đồng/người năm 1997 lên gần 80 triệu đồng/người năm 2017.

Thời gian tới, Vĩnh phúc tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp theo hướng bền vững. Tỉnh sẽ ưu tiên các dự án có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí (sản xuất, lắp ráp ô-tô, xe máy...), vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô, xe máy, điện tử; ưu tiên xây dựng phát triển hạ tầng KCN, dự án du lịch dịch vụ; kêu gọi đầu tư vào các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục - đào tạo./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com