Quốc hội thảo luận về ngân sách và kế hoạch tài chính

07:10, 30/10/2018

Sáng 29-10-2018, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. 

Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.  

Đa số các đại biểu đều đồng tình về việc thực hiện triển khai Luật Đầu tư công bước đầu đã có những đổi mới căn bản về phương thức quản lý, cân đối, phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia dành cho đầu tư phát triển, chuyển từ cơ chế quản lý đầu tư hằng năm sang kế hoạch trung hạn gắn với kế hoạch hằng năm. Khắc phục dần tình trạng đầu tư chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ vào khả năng cân đối vốn cũng như đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao. 

Các đại biểu cho rằng, sau hơn 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, đây là khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để đánh giá những kết quả đạt được và thách thức đặt ra.

Toàn cảnh Quốc hội.
Toàn cảnh Quốc hội.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, những cố gắng của Chính phủ và các bộ, ngành là đáng ghi nhận. Nhưng vẫn còn thách thức đặt ra trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Liên quan đến tính dàn trải trong thực hiện đầu tư công, khi đánh giá việc thực hiện kế hoạch đầu tư công thì cụm từ “đầu tư dàn trải” dường như trở nên quen thuộc. 

Đại biểu Mai cho biết, mặc dù đến nay đã có những bước tiến mới nhưng trong báo cáo của Chính phủ đã đề cập đó là một hạn chế lớn cần vượt qua. Như đã biết, tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tương đương với số vốn này là số lượng dự án không nhỏ 9.620 dự án. Hiện các địa phương số lượng dự án dở dang là rất lớn, đó là nỗi trăn trở của nhiều địa phương. Đặc biệt với nguồn trái phiếu Chính phủ, mỗi địa phương được phân bổ một dự án trong tổng số 260 nghìn tỷ đồng. 

Theo bà Mai, với kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, số lượng dự án trong kế hoạch đầu tư của chúng ta là rất lớn và cũng hiếm quốc gia nào có phương pháp phân bổ mỗi tỉnh, thành phố có một dự án. Kinh nghiệm các nước cho thấy, nguồn lực đầu tư từ phía Nhà nước hầu như chỉ dành cho các dự án có sức lan tỏa. Ví dụ như ở Ốt-xtrây-li-a kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ đầu tư cho 4 dự án. Ở Hàn Quốc, trong số 20 dự án cao tốc thì có tới 15 dự án được đầu tư bởi các thành phần kinh tế tư nhân. 

Còn ở Việt Nam, “nếu chúng ta làm một phép chia cơ học với tổng số nguồn lực chia cho các dự án sẽ thấy rằng, muốn được có những dự án có vốn đầu tư lớn là rất khó khăn. Qua giám sát thực tế tại các địa phương và ý kiến của các đại biểu, tôi cảm nhận được rằng, mong muốn của các địa phương là hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn khó khăn, nợ công còn ở mức cao, bội chi lớn, lãi suất ngày một tăng thì bắt buộc phải có sự lựa chọn, tránh đầu tư dàn trải”, bà Mai nói.

Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, đề nghị điều tra, xử lý nghiêm các dự án đầu tư công bị thất thoát. Có như vậy mới làm gương cho các dự án khác. Nhiều dự án dang dở, gây lãng phí. Đề nghị Chính phủ bổ sung trong báo cáo việc thanh tra, xử lý các sai phạm đến đâu, mức độ xử lý các cá nhân, tổ chức đến đâu.

Theo các đại biểu, công bằng là nguyên tắc quan trọng được đề cập ở hầu hết các nghị quyết phân bổ ngân sách. Tuy nhiên công bằng không có nghĩa là cào bằng. Trọng tâm không có nghĩa là một số địa phương dự án được chú trọng mà thực sự cần có trật tự ưu tiên phù hợp với tính cấp thiết ở cùng thời điểm. 

Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội, cho rằng, thứ nhất cần cương quyết thay đổi phân bổ nguồn lực theo trật tư ưu tiên được quy định ở các văn bản pháp luật. Thứ hai, việc đề xuất dự án cần có sự phối hợp chặt chẽ các địa phương trong cùng khu vực để hạn chế tính nhỏ lẻ, thiếu tính lan tỏa vùng miền. Thứ ba chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch. Một quy hoạch kém sẽ cho ra đời những dự án dàn trải, kém hiệu quả. Thứ tư cần thực hiện nghiêm nguyên tắc, Nhà nước chỉ đầu tư vào lĩnh vực, ngành mà các thành phần kinh tế khác không muốn đầu tư, không thể đầu tư hay không được phép đầu tư. Tiếp đó là tính hiệu quả của dự án. 

Bên cạnh đó, theo báo cáo Chính phủ, số lượng dự án hoàn thành rất lớn. Tuy nhiên, xét dưới góc độ kết quả đầu ra cũng chưa có báo cáo thẩm định tất cả dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực. Trong hàng nghìn công trình hoàn thành, công trình nào hiệu quả cao, bao nhiêu công trình hiệu quả thấp, bao nhiêu chưa hiệu quả. 

Do vậy, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội, cho biết, đến nay cũng chưa có câu trả lời chính xác về vấn đề này. Các quy định của pháp luật mới chỉ tập trung ở quá trình phê duyệt, thẩm định, phân bổ mà thiếu vắng trách nhiệm về hiệu quả. Đặc biệt là thiếu tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm, đoàn Phú Thọ cho biết, phương án phân bổ đầu tư từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn Chính phủ trình dàn trải, kém hiệu quả và tạo cơ chế xin cho. Cân đối hai năm cho đầu tư chỉ được khoảng 440 nghìn tỷ đồng, thiếu gần 60 nghìn tỷ đồng cho các dự án đã có danh mục đầu tư được phân bổ trong kế hoạch trung hạn. 

Do vậy, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, các dự án có thể bị chậm tiến độ, dàn trải. Việc hằng năm không cân đối đủ nguồn vốn sẽ tạo ra cơ chế xin cho. Chính phủ chưa cụ thể được phương án nguồn vốn nên mức độ dàn trải, xin cho còn nặng nề hơn. Ví dụ, tỉnh A theo kế hoạch được phân bổ 10 tỷ đồng trong giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên, do Trung ương thiếu tiền nên hằng năm các địa phương phải về để trình bày về việc vốn Trung ương đã cam kết cho địa phương. Nhưng vì không có vốn nên các địa phương đều bị tình trạng như tỉnh A. Có thêm dự án mới cũng không có nhiều vốn. Kết quả đầu tư của tỉnh dàn trải, chậm tiến độ. Đây là thực trạng của các địa phương và các bộ, ngành. Mặc dù, có cam kết đầu tư trung hạn nhưng các tỉnh không biết mình được phân bổ bao nhiêu vốn. 

Vì vậy, đại biểu Hàm cho rằng, phương án một, nếu Chính phủ vẫn giữ khả năng cân đối nguồn như đã trình thì phải rà soát các dự án đã ghi mức vốn, cắt giảm các dự án không thể giải ngân hết vốn, hoặc các dự án có mức độ cấp thiết ít nhất để bù cho các dự án cấp thiết đang thiếu hụt vốn. 

Phương án hai phải cân đối thêm nguồn vốn bằng cách xin Quốc hội cho phép tăng thu ngân sách, báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định cho phép nguồn vốn cổ phần thoái vốn thặng dư tại quỹ phát triển doanh nghiệp.  

Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, mặc dù đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ trong việc kiểm soát đầu tư song theo ông "nghịch cảnh" trong đầu tư công vẫn xảy ra. Vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư cho các dự án chưa giải ngân thậm chí là dự án cần tiền không được đầu tư, dự án được đầu tư thì lại không có khả năng đầu tư.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong bối cảnh nền kinh tế đang rất cần vốn thì tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 3 năm qua lại có xu hướng chậm dần đều. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ có nhiều lần họp chỉ đạo quyết liệt và có văn bản chỉ đạo thúc đẩy nhưng tình hình vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Ông Cường cho biết, có 2 vấn đề rất cơ bản cần giải quyết sớm, đó là chưa có tiêu chí lựa chọn các dự án đưa vào kế hoạch đầu tư và phân bổ do đầu tư chưa đạt. Chúng ta mới chỉ dừng lại ở những nguyên tắc để xác định lĩnh vực nào là ưu tiên, chưa có tiêu chí cụ thể để phân loại dự án nào được đưa vào ưu tiên và dự án nào sẽ ưu tiên được lựa chọn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xây dựng và công bố công khai những tiêu chí đánh giá và xếp thứ tự ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư đưa vào danh mục đầu tư công và phân bổ vốn./.

Tin, ảnh: TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com