Thanh Hóa: Tặng hơn 300 tủ sách cho học sinh dịp Tết Trung thu

07:09, 19/09/2018

Với điều kiện thực tế còn nhiều khó khăn, việc mỗi lớp học có một tủ sách riêng vẫn là niềm mơ ước của hàng nghìn học sinh huyện Như Thanh, Thanh Hóa.

Dự án Tủ sách Lam Sơn vừa phối hợp với hệ thống Giáo dục HOCMAI và một số đơn vị khác đã trao tặng 316 tủ sách với trị giá hơn 790 triệu đồng cho toàn bộ các trường tiểu học trên địa bàn huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá.

Đại diện Tủ sách Lam Sơn trao tặng 314 tủ sách, trị giá hơn 790 triệu đồng cho các trường tiểu học tại huyện Như Thanh.
Đại diện Tủ sách Lam Sơn trao tặng 314 tủ sách, trị giá hơn 790 triệu đồng cho các trường tiểu học tại huyện Như Thanh.

Không chỉ trao tặng sách, Dự án Tủ sách Lam Sơn còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm ý nghĩa như trao đổi cùng chuyên gia tư vấn và đào tạo cấp cao, Thạc sĩ - NCS Đỗ Thùy Dương về chủ đề: “Thay đổi tư duy quản trị trường học và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường”.

Cùng với đó, Dự án triển khai tiết học mẫu chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao phương pháp đọc sách do giáo viên Trường Tiểu học Phú Nhuận, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.

Yên Bái: Đào tạo nghề cho 88 nghìn lao động nông thôn

Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 14 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, có 90% số lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được mở tại các xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa. Bước đầu, công tác dạy nghề mang lại hiệu quả nhất định, nhiều lao động sau khi học nghề đã được giới thiệu và đi làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, một số lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, tỷ lệ lao động nông nghiệp của tỉnh giảm từ 69,44% (năm 2015) xuống còn 66,90% (năm 2017), góp phần xóa đói, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề vượt kế hoạch. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu sẽ đào tạo nghề cho 88 nghìn lao động nông thôn.

Hà Nội: Chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết

Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Thành phố Hà Nội thông tin, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố có 647 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29/30 quận, huyện, thị xã. Dù số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2017 nhưng số ca mắc mới trong những tuần gần đây gia tăng.

Theo chu kỳ hằng năm đỉnh dịch sốt xuất huyết rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Trong khi đó, thói quen, tập quán sinh hoạt của người dân khiến tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết có cơ hội phát triển. Như người dân vẫn có tập quán trữ nước nhưng không thả cá diệt bọ gậy hay lọ hoa trên bàn thờ, lọ hoa để lâu ngày, nước đọng ở chậu cây cảnh ngoài sân chứa đầy bọ gậy, chai lọ, vỏ lon nước ngọt... vứt ra ngoài vườn cũng có thể ứ đọng nước và là nơi sinh sôi lý tưởng của muỗi truyền sốt xuất huyết.

Vì thế, để phòng bệnh sốt xuất huyết cho chính bản thân và cho những người xung quanh, mỗi gia đình cần chủ động diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà, cần thay đổi thói quen không trữ nước trong nhà, đổ lọ nước bình hoa, cây cảnh, dọn quang vườn tược, không để mảnh vỡ, vỏ chai lọ chứa nước trong vườn, ngủ màn; hợp tác với cán bộ y tế khi có bệnh nhân hoặc ổ dịch. Đặc biệt khi có biểu hiện sốt cao đột ngột trên 2 ngày cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám điều trị kịp thời tránh tử vong./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com