Đồng Nai: Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

08:08, 14/08/2018

Từ năm 2014 đến nay, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Đồng Nai luôn giữ vững vị trí thứ ba và thứ tư cả nước. Đây là kết quả của những nỗ lực trong cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính.

Tỉnh đã áp dụng nhiều giải pháp mới, cách làm hay như thành lập trung tâm hành chính công; triển khai tổng đài dịch vụ công 1022; thực hiện mô hình “phi địa giới hành chính” trong thực hiện các thủ tục hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin… Từ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai.

Hiện nay, tỉnh đã thực hiện chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính của tất cả các ngành. Theo đó, có 1.689 thủ tục hành chính được áp dụng tại ba cấp chính quyền; trong đó cấp tỉnh có 1.348 thủ tục, cấp huyện có 244 thủ tục, cấp xã có 97 thủ tục. Các thủ tục hành chính, dịch vụ công được công khai tại bộ phận một cửa trên các trang thông tin điện tử để người dân và doanh nghiệp biết, thực hiện. Từ tháng 5-2017, Trung tâm hành chính công tỉnh đi vào hoạt động, đã phát huy hiệu quả trong giải quyết hơn 117 nghìn hồ sơ của người dân, doanh nghiệp được giải quyết, trong đó tỷ lệ đúng hạn đạt 96,6%. Qua kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp cho thấy có đến 99,8% người dân hài lòng. Không những chỉ số PAR INDEX được giữ vững mà chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Nai cũng được cải thiện từng năm. Năm 2014 chỉ số PCI của Đồng Nai xếp hạng 43 trong số 63 tỉnh, thành phố, đến năm 2017, vượt lên hạng 26 trong số 63 tỉnh, thành phố.

Thừa Thiên - Huế: Hỗ trợ 3,5 tỷ đồng bảo hiểm cho tàu đánh bắt xa bờ

UBND Thừa Thiên - Huế vừa quyết định cấp 3,5 tỷ đồng hỗ trợ bảo hiểm cho chủ tàu đánh bắt xa bờ đợt 1-2018, gồm bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị và ngư cụ trên tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ/CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Có 65 tàu được hỗ trợ đợt này, trong đó có 62 tàu có tàu công suất máy chính từ 400CV trở lên, 3 chủ tàu có công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc và Thành phố Huế...

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế mang lại nhiều hiệu quả. Toàn tỉnh đã có 40 tàu được hỗ trợ đóng mới và nâng cấp trong tổng số 45 tàu trong chỉ tiêu hỗ trợ của Trung ương, với tổng vốn vay ưu đãi hơn 280 tỷ đồng. Trong số đó có 4 tàu vỏ thép có công suất trên 829CV và 36 tàu vỏ gỗ công suất từ 400 đến 800CV.

Ngoài ra, nhiều chủ tàu cũng huy động vốn tự có để đóng mới thêm 35 tàu cá với công suất  từ 400CV đến 1.000CV. 

Trong chiến lược phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ của Thừa Thiên - Huế được phân bổ theo Nghị định 67 thì Thừa Thiên - Huế được phân bổ 45 tàu. Với sự hỗ trợ của địa phương, hướng dẫn tích cực của các ngân hàng thương mại đến nay đã có 40 tàu được đóng theo nghị định 67. Bà con đã quen dần vay vốn lớn để đóng tàu lớn để ra khơi đánh bắt xa bờ, bám biển đảm bảo chủ quyền của đất nước, phát triển nghề cá của Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới./.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com