Tiền Giang: Phát triển bền vững vùng kinh tế phía đông

08:11, 08/11/2017

Vùng phía đông tỉnh Tiền Giang gồm Thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và Tân Phú Đông tiếp giáp với Biển Đông, trong đó Thị xã Gò Công đóng vai trò là đô thị hạt nhân.

Đây là vùng giàu các tiềm năng về phát triển các cảng biển và đô thị biển, mở mang công nghiệp và thương mại dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến nông - hải sản xuất khẩu; du lịch sinh thái, đánh bắt và nuôi trồng thủy đặc sản.

Những hướng đi trọng tâm mang tính chiến lược cho các ngành kinh tế mũi nhọn của vùng phía đông từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo nghị quyết đề ra. Trước mắt, đến năm 2020, vùng kinh tế phía đông tỉnh Tiền Giang phấn đấu đạt mục tiêu giá trị tăng thêm của vùng tăng bình quân hằng năm từ 8,5% đến 9,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 60,2 triệu đồng vào năm 2020; thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của vùng giai đoạn 2016-2020 đạt 29.500 tỷ đồng trở lên; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều của vùng đến năm 2020 giảm xuống mức 5,25%…

Tiền Giang phát triển vùng kinh tế phía Đông. Ảnh minh họa
Tiền Giang phát triển vùng kinh tế phía Đông. Ảnh minh họa

Theo đó, về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản phải gắn với mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời, hình thành những vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi hàng hóa lớn, hàm lượng khoa học công nghệ cao, sản xuất theo hướng GAP và với mô hình chuỗi giá trị nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, vừa đảm bảo an toàn, truy xuất được nguồn gốc.

Tỉnh Tiền Giang định hướng phát triển công nghiệp và các khu, CCN vùng kinh tế phía đông theo hướng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về giao thông thủy, bộ toàn vùng với các tuyến giao thông quốc gia: Quốc lộ 50, cầu Mỹ Lợi, tuyến sông Soài Rạp… có vai trò kết nối liên vùng để quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư… Đặc biệt, chú trọng mời gọi đầu tư vào KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, CCN Gia Thuận I và CCN Gia Thuận II, đồng thời xúc tiến thành lập và thu hút đầu tư phát triển thêm các CCN Long Bình, huyện Gò Công Tây (20ha) và CCN Mỹ Lợi, Thị xã Gò Công có diện tích 50ha.

Quảng Ninh: Sẽ khởi công chuỗi dự án 2,7 tỷ USD tại Vân Đồn

Để tạo nền tảng xây dựng thành công đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Phó Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên cho biết, năm 2018, dự kiến các nhà đầu tư sẽ khởi công chuỗi các tổ hợp du lịch dịch vụ quy mô lớn, đẳng cấp cao với tổng số vốn đầu tư lên tới 61 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,7 tỷ USD) tại huyện đảo Vân Đồn.

Đó là các dự án: Tổ hợp du lịch Sonasea Dragon Bay gồm 5 phân khu chức năng có các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, đảo, quy mô 94ha tại xã Hạ Long với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 5.000 tỷ đồng của Tập đoàn CEO Group; Dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Villas do Cty CP Cát Vân Hải (Tổng Cty Viglacera) đầu tư với quy mô khách sạn đẳng cấp 5 sao với tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp du lịch và con đường di sản tại Vân Đồn gồm 9 phân khu chức năng (phân kỳ 1) do Cty TNHH một thành viên Mai Quyền và đối tác thực hiện với vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng; Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng do Tập đoàn FLC nghiên cứu, tổng vốn đầu tư khoảng 46 nghìn tỷ đồng; Dự án đầu tư Khu vực cảng và đô thị phía Bắc đảo Cái Bầu với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng do Tổng Cty MBland thực hiện.

Những dự án này sau khi hoàn thành, kết hợp cùng với các dự án khác đã và đang được tỉnh chỉ đạo hoàn thiện vào cuối năm 2017, đầu năm 2018, như: hệ thống đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn và dự án Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn và khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp có casino của Tập đoàn Sun Group… sẽ tạo nên diện mạo mới, điều kiện nền tảng vững chắc để xây dựng thành công đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com