Sóc Trăng: Tập trung phát triển năng lượng tái tạo

09:11, 10/11/2017

Sóc Trăng là tỉnh nằm ở vùng hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long, có chiều dài bờ biển khoảng 72km, không chỉ thuận lợi trong phát triển ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển đường biển và phát triển du lịch… mà còn mang lại lợi thế trong việc phát triển năng lượng điện gió với quy mô công nghiệp.

Theo khảo sát của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tại các vùng ven biển Sóc Trăng có tiềm năng lớn về điện gió, do bờ biển dài và rộng, sức gió nhiều và mạnh. Dựa vào các số liệu quan trắc, tại các huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng, ở độ cao 60m, tốc độ gió trung bình là 6,2 m/s, nên việc đầu tư phát triển điện gió rất thuận lợi.

Theo quy hoạch, Sóc Trăng có 3 vùng phát triển điện gió đến năm 2030 (Nguồn: Điện lực Việt Nam)
Theo quy hoạch, Sóc Trăng có 3 vùng phát triển điện gió đến năm 2030 (Nguồn: Điện lực Việt Nam)

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn từ các thành phần kinh tế khai thác lợi thế so sánh về tài nguyên gió, đất đai, góp phần đầu tư phát triển ngành công nghiệp điện gió, tăng thêm nguồn điện góp phần bảo đảm an ninh ngành năng lượng quốc gia và phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, từ năm 2014, Bộ Công thương đã quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngoài điện gió, Sóc Trăng còn có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng mặt trời. Theo đó, Sóc Trăng có số giờ nắng trong năm khá cao, dao động từ 2.292 giờ đến 2.488 giờ, cao nhất thường vào tháng 3 và thấp nhất thường vào tháng 9 hằng năm. Bình quân cả năm có khoảng 6,8 giờ đến 7,5 giờ/ngày. Theo Sở KH và CN  tỉnh Sóc Trăng, cùng với điện gió, dự kiến quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh này giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ được xây dựng.

TP Hồ Chí Minh: Hàng hóa dồi dào, giá tương đối ổn định

Theo Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian vừa qua do thời tiết thất thường đã tác động trực tiếp đến một số nhóm hàng như thủy, hải sản, rau, củ, quả, trong đó giá bán buôn nhiều mặt hàng thủy, hải sản đa số biến động tăng 4%-17% như: cá thu, cá nục bông, cá thu đao, cá tra, cá ba sa, cá thát lát, tôm sú, mực ống, mực lá, tôm thẻ, nghêu Gò Công, sò huyết; đặc biệt, mặt hàng cá điêu hồng vào cuối tháng 10 vừa qua đã tăng 30% so tháng trước. Giá nhiều loại rau, củ trong tháng 10 tăng phổ biến 8,3%-45% so với cuối tháng 9 như cà chua, đậu Hà Lan, đậu bắp, bí đỏ Trà Vinh, bông cải xanh Đà Lạt, khổ qua, cải ngọt, khoai tây Đà Lạt, dưa leo… Tuy nhiên, bước vào đầu tháng 11 giá cả nhiều mặt hàng đã bắt đầu ổn định trở lại.

Về giá bán, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, trái cây ổn định. Riêng nhóm hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh, cá điêu hồng, cá chép, cá thu giá bán vẫn đứng ở mức cao do nguồn cung ít hơn so bình thường vì bão lũ. Cụ thể, tại chợ đầu mối Hóc Môn, giá một số loại rau xanh như xà lách búp 30 nghìn đồng/kg, cải bó xôi 32 nghìn đồng/kg (tăng bình quân 10 nghìn đồng/kg); trong khi đó là các loại rau, củ, quả khác ổn định, thậm chí là giảm nhẹ do lượng hàng về chợ quá nhiều như bắp cải, củ cải trắng đồng giá 10 nghìn đồng/kg, su hào và dưa leo 12 nghìn đồng/kg; khổ qua 8.000 đồng/kg… Các loại thịt lợn, bò, gà, giá bán ổn định. 

Tại các hệ thống siêu thị sản lượng hàng hóa vẫn rất dồi dào, đa dạng về chủng loại, đồng thời tổ chức hàng loạt các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.  

Hiện các sở, ngành của thành phố đang phối hợp để nắm lại khả năng cung cầu, từ đó lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm.

Bình Dương: Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020”.

Mục tiêu cụ thể của dự án là đạt 52 sản phẩm được chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy; 20 doanh nghiệp xây dựng áp dụng và chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quản lý; 9 doanh nghiệp áp dụng một số công cụ cải tiến năng suất chất lượng phù hợp với doanh nghiệp (5S, QCC…); 16 doanh nghiệp được trao tặng giải thưởng Chất lượng quốc gia và giải châu Á - Thái Bình Dương…

Được biết, từ năm 2006 đến nay, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng bình quân trên 18%/năm. Hằng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã giải quyết việc làm mới cho 15-20 nghìn lao động. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Dương phần lớn tập trung vào các ngành công nghiệp mang tính gia công, phụ trợ như: Công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ (17%), may mặc (11,3%), chế biến sản phẩm kim loại (13,7%), phi kim loại như gốm sứ, hóa chất, cao su (10,8%), chế biến thực phẩm và đồ uống (8,5%) và các ngành thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ khác (33,7%)./.

Theo dangcongsan.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com