Thu hồi đất, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải bảo đảm cuộc sống người dân

07:10, 30/10/2017

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, sáng 27-10, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau đó, các đại biểu QH làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến về nội dung này và dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô thu hồi đất lớn, được quy hoạch từ năm 2005 cho nên trong nhiều năm qua, người dân sống trong vùng dự án bị hạn chế quyền sử dụng đất, đời sống gặp nhiều khó khăn. Việc sớm thực hiện dự án nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi. Chủ đầu tư là UBND tỉnh Đồng Nai, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 5.585ha. Tổng mức đầu tư khoảng 23.049 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước. Ngân sách Trung ương bảo đảm bố trí đầy đủ để thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án. Các khoản thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất được hoàn trả ngân sách Trung ương theo quy định.

Tờ trình cũng đề cập chính sách bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất theo nguyên tắc bằng giá trị xây mới các công trình có thiết kế tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương tại thời điểm bồi thường. Riêng đối với nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường việc xây dựng các khu tái định cư, nghĩa trang đang được UBND tỉnh Đồng Nai hoàn thiện, trình thẩm định theo quy định...

Thảo luận tại tổ về nội dung này, nhiều ý kiến nhận định, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nêu trong Báo cáo chưa bao quát hết phạm vi, đối tượng bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án. Đáng chú ý là cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với tổ chức kinh tế, cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số trường hợp bị thu hồi đất và ảnh hưởng để xây dựng sân bay Long Thành là hơn 4.800 hộ gia đình với hơn 15.500 nhân khẩu và 26 tổ chức. Kết quả khảo sát cho thấy 100% số hộ đều có nhu cầu nhận đất tái định cư... Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái), Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) và một số đại biểu cho rằng, điều quan trọng nhất là làm sao để cuộc sống người dân ổn định, nếu làm không tốt việc đền bù, thiệt thòi nhất vẫn là người dân.

Cần quan tâm công tác đào tạo lao động tại chỗ trong quá trình chuyển đổi, cơ cấu lại việc làm, để người dân ổn định cuộc sống lâu dài. Phương án đền bù phải được công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi người dân. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều đại biểu đồng tình với phương án thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng theo hướng tổ chức làm một lần để bảo đảm tiến độ, tránh xảy ra những khó khăn, vướng mắc như ở nhiều nơi, nhiều dự án thời gian qua, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài. Các đại biểu kiến nghị Chính phủ nên bố trí đủ nguồn vốn là 23 nghìn tỷ đồng để bảo đảm tiến độ thực hiện và tránh những bất cập về mức đền bù ở những giai đoạn khác nhau.

Đề cập một số nội dung cụ thể, Chủ tịch QH cho rằng, trong thiết kế khu tái định cư chưa đưa được ra suất tái định cư tối thiểu. Trong khi đó, Luật Đất đai quy định trường hợp người có đất bị thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường hỗ trợ không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì Nhà nước phải hỗ trợ tiền mua cho người dân. Qua nghiên cứu, dự án chưa ghi rõ suất tái định cư tối thiểu là bao nhiêu để bảo đảm người nghèo không đủ tiền mua suất tái định cư tối thiểu thì Nhà nước phải hỗ trợ...

Tham gia ý kiến, đại biểu Phạm Minh Chính (Quảng Ninh) chia sẻ băn khoăn của các đại biểu về việc nguồn vốn cho dự án hơn 23 nghìn tỷ đồng, trong khi Nhà nước mới bố trí được khoảng 5.000 tỷ đồng, còn thiếu 18 nghìn tỷ đồng, trong khi báo cáo chưa đưa ra giải pháp rõ ràng, thỏa đáng. Đề đạt phương án thực hiện tiết kiệm trong chi thường xuyên từ nguồn ngân sách Nhà nước, đại biểu phân tích, dự kiến chi thường xuyên trong cân đối ngân sách Nhà nước năm 2017 là gần 900 nghìn tỷ đồng, như vậy nếu tiết kiệm khoảng 1% trong số đó thì sẽ có khoảng 10 nghìn tỷ đồng, tiết kiệm 2% là được khoảng 20 nghìn tỷ đồng - đủ tiền giải phóng mặt bằng, tái định cư để xây dựng sân bay Long Thành. Đại biểu cho rằng, trong đề án cần phải xây dựng hai phương án tái định cư cho người dân, trong đó có quy hoạch khu tái định cư và để người dân lựa chọn tự lo việc di dời đến nơi ở mới. Vấn đề quan trọng cần hài hòa lợi ích của dân, Nhà nước và doanh nghiệp...

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, hoàn thiện trong giai đoạn này rất cần thiết. Ban soạn thảo cần lưu ý các nội dung liên quan đến vấn đề hội nhập và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia để bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp.

Mở đầu phiên họp buổi chiều, các đại biểu QH nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), đề cập về lực lượng kiểm ngư (chương VI - Kiểm ngư), đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) và nhiều đại biểu tán thành Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật nêu trên của Ủy ban Thường vụ QH và cho rằng, lực lượng kiểm ngư được thành lập từ nhiều năm nay, nhưng thời gian qua, lực lượng kiểm ngư cũng như thanh tra chuyên ngành còn mỏng, chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là chưa ngăn chặn kịp thời các trường hợp khai thác tận diệt, do vậy, cần xây dựng lực lượng kiểm ngư ở Trung ương và các địa phương đủ mạnh. Theo các đại biểu, nước ta có bờ biển dài hơn 3.000km, vùng biển rộng, việc quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm ngư như trong dự thảo luật quy định là phù hợp thực tế và rất cần thiết, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về chính sách; tạo thuận lợi để lực lượng kiểm ngư và thanh tra chuyên ngành tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, gắn nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ ngư dân; góp phần phối hợp các lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Song việc thành lập hệ thống kiểm ngư ở Trung ương và các địa phương phải được tổ chức trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản của đất nước và từng địa phương...

Tuy nhiên, về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) và một số đại biểu cho rằng, không nên quy định tổ chức, bộ máy lực lượng kiểm ngư, thanh tra chuyên ngành, giám sát viên vào trong dự thảo luật. QH nên cân nhắc việc thành lập lực lượng kiểm ngư ở Trung ương và các địa phương ven biển sao cho gọn nhẹ.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nên nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn các chính sách về ưu đãi thuế, đất đai, tín dụng; về xây dựng quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quỹ cộng đồng; về đầu tư hệ thống giám sát, cảnh báo dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, cảnh báo vi phạm ngư trường khai thác; về đầu tư tàu vỏ thép công suất lớn, trang thiết bị hiện đại cho đánh bắt xa bờ, phát triển mô hình tổ, đội khai thác thủy sản trên biển và hỗ trợ nuôi trên biển, nhất là nuôi công nghiệp, ở vùng biển xa bờ và hải đảo; về hỗ trợ ngư dân nâng cao kiến thức, kỹ thuật trong việc nuôi trồng, đánh bắt và bảo quản thủy sản; về hỗ trợ dịch vụ hậu cần thủy sản, chế biến thủy sản, xây dựng chợ đầu mối tiêu thụ thủy sản; hỗ trợ ngư dân trong trường hợp thực thi nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, khi có sự cố môi trường, biến đổi khí hậu…

Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường, đại diện cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Thứ bảy, ngày 28-10-2017, các cơ quan của QH làm việc theo chương trình riêng.

Chủ nhật, ngày 29-10-2017, QH nghỉ.

Hôm nay, thứ hai, ngày 30-10-2017, QH họp phiên toàn thể tại hội trường thực hiện giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016”. Phiên họp này được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com