Đồng Nai: Cấp chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

08:06, 09/06/2017

Theo Sở NN và PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có 489 trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 59 trang trại được chứng nhận VietGAP.

Tỉnh Đồng Nai cũng đã xây dựng được 2 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle (còn gọi là bệnh dịch tả hoặc bệnh gà rù) trên gia cầm tại huyện Trảng Bom và huyện Thống Nhất.

Tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại những hộ nuôi gia cầm nhỏ lẻ
Tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại những hộ nuôi gia cầm nhỏ lẻ.

Tỉnh đang tiếp tục nhân rộng xây dựng các vùng an toàn dịch. Trong đó, ưu tiên xây dựng 10 xã vùng đệm xung quanh các trại gà giống, gà thịt, trứng thương phẩm của Cty TNHH Koyu&Unitek (doanh nghiệp đang chuẩn bị xuất khẩu thịt gà vào thị trường Nhật Bản) đạt cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm.

Được biết, Đồng Nai là tỉnh đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ về phát triển kinh tế trang trại với trên 3.800 trang trại đang sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tổng giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ nông, lâm, thủy sản trang trại của tỉnh Đồng Nai là trên 9.000 tỷ đồng, chiếm trên 95% tổng giá trị thu được từ trang trại.

Các trang trại đã đầu tư vào phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn, bình quân 3,54 ha/trang trại. Đồng thời, các trang trại luôn đi đầu trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa có giá trị cao, khai thác có hiệu quả nguồn lực hiện có.

TP Hồ Chí Minh: Khuyến khích chăn nuôi bò thịt, bò sữa

Sở NN và PTNT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo Chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao trên địa bàn đến năm 2020, thành phố sẽ phát triển đàn bò thịt cao sản là 30 nghìn con.

Cùng với đó, sản lượng thịt bò chất lượng cao đạt 5.000 tấn; hằng năm cung ứng 7.000 con giống cho người chăn nuôi thành phố và các tỉnh; chọn tạo các giống bò lai Brahman, Drought Master, BBB có trọng lượng trưởng thành đạt 300-350 kg/con, tỷ lệ thịt xẻ từ 50% đến 55%. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp tục duy trì đàn bò sữa đến năm 2020 không quá 100 nghìn con, mỗi năm cung cấp trung bình khoảng từ 25 nghìn đến 30 nghìn con giống. Phấn đấu năng suất sữa đạt 7.700 kg/con/chu kỳ. Tiếp tục cải thiện nâng cao chất lượng, tạo con giống bò sữa phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm của thành phố và tiến tới xây dựng thương hiệu giống bò sữa.

Hiện nay, nghề nuôi bò sữa, bò thịt được phát triển nhiều ở các huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh như: Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ…, trong đó huyện Củ Chi là địa phương có phong trào nuôi bò sữa và bò thịt với số lượng lớn nhất. Với đồng cỏ rộng lớn phục vụ hơn 60 nghìn con bò, huyện Củ Chi đã trở thành trung tâm của ngành nuôi bò sữa thành phố. Những năm qua, nghề nuôi bò sữa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân ở 20 xã, thị trấn của huyện Củ Chi./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com