Bộ trưởng Bộ NN và PTNT và Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL trả lời chất vấn

07:06, 14/06/2017

Sáng 13-6, Quốc hội đã khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất về các giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trong thời gian tới. Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững...

Trong nửa đầu phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội tập trung hỏi về vấn đề khủng hoảng thịt lợn và quy hoạch lại ngành Nông nghiệp để không lặp lại tình trạng “được mùa, rớt giá”, điển hình như các cuộc “giải cứu” lợn, dưa hấu, hành tím trong thời gian qua. 

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) nêu câu hỏi, điệp khúc “được mùa mất giá” liên tục xảy ra, Bộ NN và PTNT sẽ có giải pháp gì?

Theo Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường, đây là vấn đề chung của ngành Nông nghiệp, vì sức sản xuất của nông nghiệp Việt Nam quá lớn nhưng khâu tổ chức thị trường, chế biến còn yếu. Đặc biệt khi hội nhập thế giới thì các tiêu chuẩn, quy chuẩn, phải được hoàn thiện. Do vậy, từng ngành hàng cần có thời gian, thay đổi tư duy quản lý, đầu tư… 

Trước mắt, trong thời gian ngắn không thể tránh khỏi tình trạng nơi này thừa, nơi kia thiếu. Hơn nữa, từ tín hiệu thị trường thế giới, Việt Nam sẽ quy hoạch vùng sản xuất, nhà máy… để đáp ứng nhu cầu thị trường, chặng đường này còn gian khổ nhưng phải làm.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn.

Về vấn đề thịt lợn, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) nêu câu hỏi, căn cứ vào đâu để ngành Nông nghiệp phê duyệt phát triển ngành chăn nuôi. Vì tổng đàn lợn hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với quy hoạch mà thị trường đã dư thừa và lúng túng trong việc  giải quyết?

Bộ trưởng Cường cho biết, sức sản xuất của ngành chăn nuôi tăng trưởng quá nhanh. Chỉ trong vài năm, sản lượng thịt đã tăng trên 3,6 lần, ví dụ thịt lợn tăng 3 triệu tấn lên 5 triệu tấn/năm… khối lượng thịt tăng khổng lồ trong thời gian ngắn.

Sau 10 năm, đàn nái từ 2 triệu con đã tăng lên 4,2 triệu con. Hơn nữa, những năm gần đây, không có dịch bệnh nên sức tăng trưởng của ngành chăn nuôi càng nhanh. Bên cạnh đó, trước đây 75% lượng thịt trên mâm cơm là thịt lợn, nhưng giờ đã thay đổi sang các loại khác như trứng, gia cầm, gia súc…

Ngoài ra, việc tổ chức ngành hàng chưa tốt, vẫn còn 3 triệu hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Chế biến tách rời khỏi sản xuất, kém nhất trong các ngành hàng. Trong 24 đơn vị chế biến, số đơn vị chế biến sâu chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại vẫn là bán tươi tại chợ.  

Xuất khẩu lợn mỗi năm chỉ 20 nghìn tấn lợn sữa/năm, còn lại chủ yếu tiểu ngạch. Tóm lại, hai khâu chế biến và tổ chức thị trường rất yếu, dẫn tới tình trạng dư thừa thịt.

Về quy hoạch ngành chăn nuôi lợn, khi quy hoạch chưa tính theo nhu cầu thực tế mà lấy theo tốc độ tăng trưởng kinh tế, chưa tính tới tương quan với các ngành hàng khác. Thứ hai, khi hội nhập, các dòng sản phẩm sẽ được nhập về. Thứ 3, sản xuất chuỗi, quy mô lớn cũng chưa tốt. Dẫn tới ngành thịt lợn bị ùn ứ và có trách nhiệm của ngành Nông nghiệp. 

Trả lời thêm về việc phát triển thị trường của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Cường cho rằng, phát triển thị trường là mệnh lệnh, không có thị trường không có sản xuất. Việt Nam phải thực hiện cam kết quốc tế nhưng sẽ rà soát lại các hiệp định để tận dụng được cơ hội, trao đổi thương mại. Bộ NN và PTNT sẽ cùng Bộ Công thương đánh giá lại công tác quản lý thị trường, từ đó đưa ra được biện pháp trong thời gian tới. Ví dụ Nhật xuất táo sang Việt Nam, chúng ta sẽ xuất thanh long sang Nhật… 

Về quy hoạch, Bộ NN và PTNT sẽ xây dựng các trục sản phẩm quốc gia, những ngành hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD (khoảng 10 sản phẩm). Trục sản phẩm thứ 2 của tỉnh, mang đặc thù của tỉnh như: Vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn… Trục thứ 3 là các sản phẩm địa phương, quy hoạch, tổ chức sản xuất, chế biến.  

Cùng tham gia trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, sản xuất phải dựa trên tín hiệu thị trường. Ví dụ, tốc độ tăng trưởng thịt lợn nhanh, nhưng công tác thị trường còn nhiều tồn tại. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, muốn xâm nhập thị trường các nước thì phải mở cửa về mặt thương mại và thủ tục hành chính, rào cản thương mại. Ví dụ, chúng ta chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh nên gặp khó khăn xuất khẩu lợn chính ngạch sang Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công thương cùng Bộ NN và PTNT đã cử nhiều đoàn sang Trung Quốc để đàm phán. Tuy nhiên, phải tuyên bố vùng không có dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, một mặt hàng xuất khẩu được cần 3-7 năm chuẩn bị. Bộ Công thương sẽ cùng Bộ NN và PTNT phối hợp để quy hoạch, sản xuất sản phẩm tốt, có giá thành cạnh tranh. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh. Ví dụ thịt lợn, chăn nuôi của Việt Nam giá thành cao hơn Mỹ. Do vậy, phải có đánh giá đúng. Cơ quan quản lý phải định hướng, phát huy trách nhiệm của mình.

Cuối giờ sáng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giải trình một số nội dung về nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

Chỉ ra những điểm hạn chế của ngành Nông nghiệp hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa phù hợp với năng lực sản xuất và chưa gắn với nhu cầu của thị trường, vượt xa chỉ tiêu thực phẩm đặt ra. Dự báo trong quy hoạch thiếu chính xác, cao hơn nhu cầu thị trường như ngành chăn nuôi mà đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đã đề cập. Công tác điều chỉnh quy hoạch chậm, việc thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, đầu tư theo phong trào rất phổ biến. Đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp dịch vụ nông thôn chưa đạt yêu cầu do vốn đầu tư khó khăn. Diện tích canh tác theo đầu người thấp, quy mô sản xuất manh mún khó áp dụng khoa học công nghệ, thị trường bấp bênh, thiếu ổn định. 

“Do đó rất cần giải pháp tổng thể để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Trước hết, phải hình thành hệ thống giải pháp đồng bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân tiếp cận bình đẳng, minh bạch các nguồn lực đất đai, nguồn vốn, KH-CN... để sản xuất hàng hóa. Đây là nhóm giải pháp quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp.

Thứ hai, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực hình thành các vùng chuyên canh lớn. Ví dụ như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tập trung hóa sản xuất đòi hỏi phải tích tụ đất đai, nhưng gặp điểm nghẽn là hạn điền, nên cần sửa đổi pháp luật liên quan đến đất đai.

Thứ ba, rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các vùng, ngành, thậm chí của sản phẩm, nhằm phát huy lợi thế của địa phương, của vùng. Chúng ta có quy hoạch rồi nhưng phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh, gắn quy hoạch với nhu cầu của thị trường, với thích ứng biến đổi khí hậu. Phải phân định rõ các nguồn vốn cho hạ tầng, nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho hạ tầng chính, nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chế biến phục vụ nông nghiệp, nguồn vốn của người dân tham gia vào sản xuất.

Thứ tư, tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Ở đây phải giảm các khâu trung gian để giảm giá thành và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nhất là mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ năm, mở rộng và đẩy mạnh liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà băng. Trong đó, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ trang trại là trung tâm là động lực cho quá trình phát triển. Nông dân đóng vai trò là người sản xuất và được hưởng lợi ích phân phối từ lao động và đóng góp của mình, có chính sách hỗ trợ nông dân khó khăn.

Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề tiểu công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, để giải quyết việc làm, giảm lao động trong nông nghiệp, tạo điều kiện hiện đại hóa nông thôn.

Thứ bảy, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học.

Thứ tám, tổ chức lại thương mại, sản xuất nông sản trong nước.

Thứ chín, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo và trang bị kiến thức, để nông dân có đủ kiến thức nắm bắt thị trường, tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, hiệu quả và thương hiệu trên thị trường.

Đầu giờ chiều đến 15h00’, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh); Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị); Nguyễn Anh Trí (Hà Nội); Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh); Đặng Thuần Phong (Bến Tre); Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh); Trần Văn Mão (Nghệ An); Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre); Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương); Nguyễn Tạo (Lâm Đồng); Lê Thanh Vân (Cà Mau); Nguyễn Lân Hiếu (An Giang); Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội); Trương Minh Hoàng (Cà Mau)... về các vấn đề: Cơ cấu lại ngành mía đường, phát triển sản phẩm sau đường; xây dựng khung pháp lý về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp đẩy nhanh tích tụ ruộng đất gắn với bảo đảm lợi ích cho người nông dân; giải pháp đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi, không bị phụ thuộc vào nhập khẩu; giải pháp đột phá để nâng cao mức sống người nông dân khu vực miền núi, dân tộc thiểu số; giải pháp xử lý sạt lở đồng bằng sông Cửu Long; quản lý phân bón theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường; vấn đề bán điện cho người nông dân (chất vấn Bộ trưởng Công thương); giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông sản; giải pháp tái cơ cấu ứng phó với biến đổi khí hậu; giải pháp để người dân “mặn mà” với bảo hiểm nông nghiệp; kế hoạch phát triển cánh đồng lớn, nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp công khai minh bạch trong quản lý phân bón; giải pháp phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản...

Kết luận phiên chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với đất nước, được Quốc hội nhiều lần quan tâm chất vấn, ban hành nghị quyết giám sát với mong muốn có giải pháp đột phá đối với lĩnh vực này.

Tại phiên chất vấn có 43 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 13 đại biểu tranh luận, 22 đại biểu đã đăng ký nhưng do quỹ thời gian hạn chế nên chưa được đặt câu hỏi, đề nghị đại biểu gửi câu hỏi chất vấn để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn, dù mới nhận nhiệm vụ hơn 11 tháng nhưng Bộ trưởng đã nắm chắc tình hình, thực trạng vấn đề, trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế và đưa ra giải pháp khắc phục.

Không khí chung, đa số các đại biểu hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Nêu một loạt những tồn tại, hạn chế trong nông nghiệp cả về tổ chức sản xuất, chế biến, thị trường, nâng cao mức sống người nông dân,... Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng NN và PTNT, các thành viên Chính phủ tiếp tục có giải pháp căn cơ, toàn diện để cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Từ 15h5', Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL Nguyễn Ngọc Thiện. Chủ tịch Quốc hội cho biết đã có 54 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

Mở đầu chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Cao Thị Xuân (Thanh Hóa); Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận); Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng); Huỳnh Cao Nhất (Bình Định); Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long); Âu Thị Mai (Tuyên Quang);... chất vấn về nội dung: Giải pháp ngăn chặn hướng dẫn viên du lịch chui; tôn tạo bảo tồn di tích lịch sử; giải pháp để đổi mới tư duy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch duyên hải Nam Trung Bộ; giải pháp căn cơ để chấn chỉnh các hành vi phản cảm trong các lễ hội; vấn đề quy hoạch khu du lịch Sơn Trà (căn cứ để xác định 1.600 phòng); liên kết phát triển du lịch vùng; giải pháp khắc phục bất cập trong quản lý (cấp phép) hoạt động nghệ thuật biểu diễn; trách nhiệm của Bộ và giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng xuống cấp đạo đức và văn hóa ứng xử; giải pháp bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thư viện...

Về quản lý hướng dẫn viên du lịch, Bộ trưởng cho biết, sự việc hướng dẫn viên không được cấp thẻ nhưng vẫn hành nghề du lịch xuất hiện ở một số địa phương khi khách du lịch tăng đột biết hoặc xuất hiện những du khách đến từ những thị trường mà ngôn ngữ không phổ biến. Để xử lý tình trạng hướng dẫn viên chui, Bộ quản lý chặt chẽ và công khai việc cấp thẻ; phạt nặng các Cty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên không được cấp thể; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn viên; sửa đổi Luật Du lịch,...

Về bảo tồn di tích, Bộ trưởng cho biết, trên cả nước có 3.300 di tích quốc gia, gần 1 vạn di tích cấp tỉnh; đa số di tích làm bằng gỗ nên bị xuống cấp, cần được đầu tư nguồn lực để tôn tạo, trùng tu. Tuy nhiên, hiện nay do không còn nguồn đầu tư từ Trung ương nên cần xã hội hóa công tác này trên cơ sở gắn bảo tồn với phát huy giá trị di tích lịch sử...

Về bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương...), nhấn mạnh đây là trách nhiệm rất lớn do nguồn thu từ các loại hình nghệ thuật truyền thống rất khó khăn... Bộ cũng đã tiến hành các hoạt động giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống đến với nhân dân và du khách các nước (như tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống ở Nhà hát lớn,..)...

Về nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nghệ thuật biểu diễn, thừa nhận những yếu kém trong việc cấp phép ca khúc thời gian qua, Bộ trưởng khẳng định sẽ làm rõ trách nhiệm các cá nhân, xác định các nguyên nhân hạn chế, yếu kém để có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ.

Về quản lý lễ hội, Bộ trưởng cho biết nước ta có khoảng 8.000 lễ hội, nhìn chung các lễ hội đều được tổ chức văn minh, một số lễ hội có hành vi phản cảm, để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ đang xây dựng một Nghị định để quản lý, bên cạnh đó các địa phương, các ban tổ chức lễ hội, người dân tham gia lễ hội phải nâng cao trách nhiệm của mình.

Về cơ sở xây dựng quy hoạch Sơn Trà, Bộ trưởng cho biết việc xây dựng quy hoạch này được thực hiện theo các quy định hiện hành. Trong quá trình xây dựng Bộ phối hợp chặt chẽ với Đà Nẵng, lấy ý kiến 11 bộ, ngành, thẩm định của các chuyên gia... Tổng diện tích bán đảo Sơn Trà có hơn 4.000ha, quy hoạch này chỉ điều chỉnh hơn 1.000ha phù hợp với quy định của diện tích của 1 khu du lịch quốc gia. Khi chưa có quy hoạch, tổng số phòng trong các dự án vào khoảng 5.000 phòng, bản quy hoạch này đã rút xuống còn 1.600 phòng. Về các ý kiến phản biện thời gian qua, tinh thần của Bộ là cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý để bảo vệ gắn với phát triển bền vững Sơn Trà.

Về xây dựng đạo đức lối sống của con người Việt Nam, cho rằng đây là vấn đề rất lớn của đất nước, với trách nhiệm của mình, Bộ đã xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện...

Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời các đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội); Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên); Quách Thế Tản (Hòa Bình); Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng);... về vấn đề: Thu tác quyền tác phẩm âm nhạc (thu tác quyền ở quán cà phê, nhà hàng, khách sạn...); trách nhiệm của Bộ trong việc dạy bơi trong trường học; xây dựng nếp sống văn hóa; giải pháp đẩy mạnh học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng; giải pháp khắc phục mặt trái của lễ hội (tổ chức lễ hội quá nhiều, nhiều lễ hội có dấu hiệu trục lợi, bỏ bê công việc đi lễ); giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tổ chức thi người đẹp trong hang Sơn Đoòng;...

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) tranh luận với Bộ trưởng về việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian. Đại biểu cho rằng, du khách quốc tế, trong nước phải được tiếp cận với di sản gốc của văn hóa dân tộc, không bị tam sao thất bản... Bộ cần có giải pháp căn cơ về vấn đề này. Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về vấn đề cấp phép bài hát.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn về vấn đề quy hoạch du lịch ở bán đảo Sơn Trà.

Hôm nay, 14-6, Quốc hội tiếp tục thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn./.

Tin, ảnh: TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com