Biểu quyết, thông qua một số dự án Luật

07:06, 21/06/2017

Sáng 20-6, với 454/458 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 92,46%), Quốc hội đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Luật có 9 chương, 78 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018.

Luật đã thông qua quy định về việc: Khi thụ lý hồ sơ, trường hợp trong văn bản yêu cầu bồi thường không có yêu cầu phục hồi danh dự thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm làm rõ người bị thiệt hại có yêu cầu phục hồi danh dự hay không tại điểm a khoản 2 Điều 42 của dự thảo Luật.

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cho biết, có ý kiến đề nghị, đối với thiệt hại về tinh thần quy định tại Điều 27 thì Nhà nước bồi thường, đồng thời tiến hành cải chính, xin lỗi công khai người bị oan mà không cần có yêu cầu của họ.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người bị oan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan bổ sung quy định như trên.

Về bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự (khoản 4 Điều 27), Luật đã thông qua quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, quy định như vậy là kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước. Hơn nữa, bồi thường thiệt hại về bản chất là bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại, nhưng trong trường hợp người đó đã chết thì người thừa kế được hưởng. 

“Nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người đó còn sống thì không hợp lý và dễ phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện. Mặt khác, vấn đề này chưa được tổng kết, đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Cũng trong buổi sáng, với 458/458 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 93,28%), Quốc hội đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Cũng trong phiên làm việc sáng 20-6, sau khi biểu quyết thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).

Theo dự thảo Luật, thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không quá 20 năm. Khi hết thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển, người sử dụng có nhu cầu tiếp tục sử dụng để nuôi trồng thủy sản mà Nhà nước không có nhu cầu thu hồi thì người sử dụng đó được ưu tiên xem xét được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, theo các đại biểu cần cân nhắc kỹ vấn đề này. Đại biểu Vương Văn Sáng (Lào Cai) đề nghị: “Không quy định cá nhân, tổ chức Việt Nam chuyển nhượng, cho thuê lại với tổ chức, cá nhân nước ngoài để tránh tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng”.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cũng đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương các cấp đối với các tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản cũng như các hoạt động thủy sản diễn ra tại địa phương.

Việc thu hồi mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản cũng cần được quy định rõ hơn việc Nhà nước thu hồi diện tích mặt nước biển đã giao, cho thuê, nếu trong quá trình sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản mà các tổ chức, cá nhân được xác định là có biểu hiện gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng an ninh.

“Đề nghị cần nghiên cứu trong luật để hạn chế giao mặt nước biển cho tổ chức, cá nhân là người Việt Nam nhưng trong quá trình sản xuất lại do các tổ chức, cá nhân nước ngoài đứng sau để chỉ đạo, điều hành, thao túng”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Về vấn đề không thu tiền sử dụng mặt nước biển, đại biểu Nguyễn Văn Man (Quảng Bình) cho rằng: Theo dự thảo luật, Uỷ ban nhân dân cấp huyện giao mặt nước biển không thu tiền sử dụng mặt nước biển cho cá nhân sinh sống tại huyện đó trực tiếp nuôi trồng thủy sản mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản được Uỷ ban nhân dân cấp xã sở tại xác nhận hoặc phải chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, quy định “giao mặt nước biển không thu tiền sử dụng mặt nước” cần phải được xem xét kỹ vì hiện nay số lượng người nuôi trồng thủy sản ngày càng nhiều. Có những trường hợp nuôi trồng thủy thủy gây ô nhiễm môi trường. Việc giao, cho thuê mà không thu tiền sử dụng mặt nước biển cũng không tránh khỏi có lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, có những dự án lớn liên quan đến quốc phòng an ninh quốc gia.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng cho rằng việc cấm đánh bắt trong mùa sinh sản là cần thiết, nên khuyến khích tái tạo các loại thủy sản, nhất là những loại có giá trị cao.

Các đại biểu đề nghị bổ sung quy định cấm thả chất thải xuống ao hồ, sông, biển làm mất vệ sinh môi trường cũng như cần có quy định rõ về chất lượng giống thủy sản. Hiện nay, có hai cơ quan là Cục thú y/chi cục thú y và Tổng cục thủy sản/chi cục thủy sản quản lý về con giống thủy sản. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cũng như chính các cơ quan này trong quản lý về chất lượng giống thủy sản cũng như kiểm soát dịch bệnh.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và dự thảo Nghị quyết thi hành. Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự: Phó Tổng Thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết. Biểu quyết thông qua Luật Cảnh vệ: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh vệ. Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh vệ. Biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com