Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh

07:10, 19/10/2016

Tại phiên họp thứ tư diễn ra vào sáng qua (18-10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.

Lý giải sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật nêu quan điểm: Thực tiễn thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các luật này bởi những lý do như việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư đã được Quốc hội xác định là nhiệm vụ thường xuyên của Chính phủ nhằm xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước.

Thêm vào đó, Luật Đầu tư có quy mô và mức độ cải cách lớn liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực quản lý Nhà nước, nhưng được triển khai trong bối cảnh nhiều luật khác được ban hành với những cách tiếp cận khác nhau, nên quá trình thực hiện đã không tránh khỏi một số vướng mắc phát sinh từ sự thiếu đồng bộ giữa Luật Đầu tư và các luật có liên quan.

Các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,... mặc dù đã có nhiều cải cách, nhưng chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các luật, dẫn đến chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh cũng là yêu cầu cấp bách nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do được ký kết trong thời gian gần đây.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, ngày 29-9-2016, Chính phủ có Tờ trình số 363/TTr-CP về dự án Luật. Theo đó, phạm vi sửa đổi liên quan đến 12 luật hiện hành bao gồm: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quản lý thuế, Luật Quảng cáo, Luật Nhà ở, Luật Khoáng sản, Luật Điện ảnh, Luật Đấu thầu và Luật Quy hoạch đô thị.

Ngày 8-10-2016, tại phiên họp thẩm tra sơ bộ của Ủy ban, đa số ý kiến đều thống nhất với mục tiêu, quan điểm về việc cần tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, việc Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, trong đó nội dung sửa đổi liên quan đến 12 luật hiện hành là quá nhiều, nội dung sửa đổi của từng luật cũng khá lớn (tổng cộng liên quan đến 89 điều trong các luật hiện hành), trong đó có nhiều luật mới có hiệu lực thi hành.

Việc sửa đổi số lượng lớn các điều, nhưng chưa làm rõ được tính cấp thiết của các nội dung sửa đổi; tính thống nhất trong nội tại các luật hiện hành sau khi sửa đổi; tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật hiện hành được sửa đổi với nhau và với toàn bộ hệ thống pháp luật về kinh tế;… Một số nội dung dự kiến sửa đổi gây mâu thuẫn, không thống nhất, đồng bộ trong nội tại của luật hiện hành và trong cả hệ thống pháp luật.

Từ đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các nội dung sửa đổi, bổ sung và chỉ đưa ra các nội dung thực sự cấp thiết gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp và cần có sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan quản lý Nhà nước; không đưa vào sửa đổi, bổ sung những nội dung chỉ nhằm giải quyết những vướng mắc phát sinh từ việc thi hành, áp dụng pháp luật… để bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung mang tính khả thi.

Tiếp thu ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát thống nhất phạm vi sửa đổi, bao gồm các vấn đề cấp thiết gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp trong 3 luật là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng.

Theo đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 18 điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng. Trong đó, Luật Đầu tư sửa đổi 6 điều và danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Phụ lục 4); Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung 5 điều; Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung 7 điều.

Phát biểu tại phiên họp, khẳng định quan điểm việc xây dựng dự án Luật phải tiếp tục tạo dựng được môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh..., các đại biểu đã dành phần lớn thời gian tập trung thảo luận về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật; bố cục và phạm vi điều chỉnh của Luật; tính đồng bộ trong nội tại của Luật, cũng như sự đồng bộ và tương thích của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung; đánh giá tác động của Luật khi được ban hành, hoặc những ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh nếu như Luật Sửa đổi, bổ sung này không được ban hành;...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục bổ sung hồ sơ, hoàn thiện thêm về nội dung của Luật, bởi đây là một luật nhưng sửa nhiều luật, nên cần phải hết sức cân nhắc.

“Làm một luật phải sửa nhiều luật thì phải hết sức cân nhắc, phải làm thật kỹ, phải đánh giá tác động, vì nó sẽ phá vỡ cấu trúc, logic của các đạo luật khác”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Quan điểm xuyên suốt của UBTVQH và Quốc hội là luôn ủng hộ Chính phủ, luôn đồng hành cùng Chính phủ phối hợp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của đất nước, trong đó có giải quyết, xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Về vấn đề cụ thể là dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, UBTVQH thấy rằng, nếu căn cứ vào Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thì quy trình về thủ tục, hồ sơ và chất lượng của dự án Luật cũng chưa được bảo đảm. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nội dung, cũng như hồ sơ dự án Luật để Chính phủ sớm trình UBTVQH, Quốc hội xem xét./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com