Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân

08:03, 23/03/2015

Sáng 20-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại buổi Đối thoại Doanh nghiệp Việt Nam - Niu Di-lân tại Thành phố  Ốc-clan.

Phát biểu trước gần 100 doanh nghiệp hàng đầu hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ tình hình, triển vọng và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam và các cơ hội hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước.

Thủ tướng cho biết, quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương giữa Việt Nam và Niu Di-lân đang phát triển tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực, nhất là từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2009.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng duyệt đội danh dự trong lễ đón chính thức tại Niu Di-lân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng duyệt đội danh dự
trong lễ đón chính thức tại Niu Di-lân.

Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 300 triệu USD năm 2009 lên hơn 900 triệu USD năm 2014 và có thể vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2015. Hai Thủ tướng cũng đã nhất trí tăng gấp đôi kim ngạch song phương vào năm 2020.

Niu Di-lân hiện có 25 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 82 triệu USD, đứng thứ 43/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Hợp tác giáo dục cũng là một điểm sáng trong quan hệ hai nước với gần 2.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Niu Di-lân. Hai bên cũng đã nhất trí nâng con số này lên 3.000 trong thời gian tới.

“Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Niu Di-lân còn rất lớn bởi nền kinh tế của hai nước có nhiều lợi thế bổ sung lẫn nhau. Tiến trình cải cách và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Niu Di-lân. Chính phủ Việt Nam ủng hộ và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Niu Di-lân đầu tư vào những lĩnh vực Niu Di-lân có thế mạnh như nông nghiệp, khai khoáng, viễn thông, GD và ĐT và phát triển kết cấu hạ tầng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng cũng kêu gọi doanh nghiệp Niu Di-lân tăng cường hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam, đặc biệt là chuyển giao công nghệ, chế biến nông sản, phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp nhằm tăng giá trị và sức cạnh tranh nông sản trên cơ sở cùng có lợi.

Để tạo thuận lợi cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách và tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả ba khâu đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tái cơ cấu; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước theo cơ chế thị trường; đổi mới toàn diện GD và ĐT nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục ưu tiên cao phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông và năng lượng.

Ngoài ra, Việt Nam đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng để mở rộng không gian cho phát triển đất nước với việc tích cực thực hiện các cam kết WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký; đồng thời đàm phán FTA với nhiều đối tác quan trọng.

“Sau khi hoàn tất đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giai đoạn 2015-2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G20”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp Niu Di-lân về những rào cản liên quan đến thủ tục, giấy phép đầu tư, kinh doanh, Bộ trưởng KH và ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2014, Việt Nam đã ban hành nhiều bộ luật quan trọng có tính cạnh tranh cao so với khu vực, đặc biệt là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, nhằm tạo môi trường ổn định, bình đẳng và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Các luật này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2015.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tăng cường hiệu quả của khâu thực thi, nỗ lực giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, phấn đấu trong năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6 và tối thiểu đạt mức trung bình của các nước ASEAN-4 trong năm 2016.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Si-môn Brai-ghết, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Năng lượng Niu Di-lân nhận định rằng, với các văn bản song phương đã ký kết, trong đó có Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận chuyển hàng không và Thỏa thuận về An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động, thực vật được ký kết trong chuyến thăm lần này sẽ giúp giảm rào cản thương mại và tăng cường kết nối doanh nghiệp hai nước.

“Việt Nam đang thay đổi mau lẹ và có một sự tương xứng, phù hợp tuyệt vời giữa những gì Niu Di-lân có thể cung cấp và Việt Nam có nhu cầu”, Bộ trưởng Si-môn Brai-ghết phát biểu. Ông cho biết, trong thời gian sớm nhất, ông sẽ dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp lớn của Niu Di-lân sang Việt Nam tìm hiểu và thúc đẩy các cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh.

Kết thúc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp lãnh đạo Tập đoàn Air New Zealand, một hãng hàng không đang dự định thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước.

Với 16 nghìn du khách Niu Di-lân đến Việt Nam và 3.000 du khách Việt Nam đến Niu Di-lân trong năm 2014; 2.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại Niu Di-lân; kim ngạch thương mại bước qua ngưỡng 1 tỷ USD trong năm 2015, hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục và du lịch song phương đã tạo triển vọng cho việc sớm hình thành đường bay thẳng giữa hai nước.

Tiếp Chủ tịch Tập đoàn Fonterra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ hoạt động kinh doanh cũng như sự hợp tác giữa Fonterra và Vinamilk của Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, chăn nuôi bò sữa, cung cấp bò sữa giống cũng như sản xuất, chế biến sữa là lĩnh vực hai bên đều có tiềm năng, nhu cầu và có thể bổ trợ cho nhau.

Fonterra là một tập đoàn chuyên sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa với 10 nghìn hội viên là các chủ trang trại và HTX chăn nuôi bò sữa. Năm 2014, Việt Nam nhập khẩu khoảng 280 triệu USD sữa và các sản phẩm từ sữa của Niu Di-lân.

Dân số Niu Di-lân chỉ hơn 4 triệu người nhưng có tới 4 triệu bò sữa. Trong khi đó, Việt Nam có trên 90 triệu dân nhưng đàn bò sữa mới chỉ phát triển được trên 200 nghìn con. Sản xuất sữa của Việt Nam mới đáp ứng được 30% nhu cầu và phần còn lại phải nhập khẩu.

Trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Niu Di-lân, sáng 20-3 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Đại học (ĐH) Công nghệ Ốc-clan.

Đây là mô hình giáo dục điển hình của Niu Di-lân đề cao sự năng động, sáng tạo, chú trọng kết nối giữa nhà trường và xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các trường ĐH của Niu Di-lân đẩy mạnh hợp tác GD và ĐT tại Việt Nam. 

ĐH Công nghệ Ốc-clan không chỉ là ngôi trường kỹ thuật hàng đầu, phát triển nhanh nhất của Niu Di-lân, mà còn là sự lựa chọn của hàng nghìn sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có 300 sinh viên Việt Nam đang theo học.

Việt Nam nằm trong danh sách 5 quốc gia có đông du học sinh nhất tại ĐH Công nghệ Ốc-clan. Đây là môi trường đào tạo uy tín trong các lĩnh vực trọng điểm quốc gia như: Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học với những công nghệ kỹ thuật tiên tiến được áp dụng trong giảng dạy kết hợp với phương pháp giáo dục mang tính tương tác cao.

Nói chuyện với các giáo sư, giảng viên và sinh viên ĐH Công nghệ Ốc-clan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khát quát quá trình lịch sử của đất nước Việt Nam, từ những năm tháng phải trải qua chiến tranh, đến một đất nước hòa bình, phát triển năng động hiện nay, một quốc gia của tuổi trẻ với dân số hơn 90 triệu người và trong đó 40% ở độ tuổi thanh thiếu niên, nên nhu cầu học tập rất lớn với nhiều khát khao, hoài bão vươn lên mạnh mẽ.

Việt Nam cũng đã chuyển đổi thành công sang nền kinh tế thị trường, đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước và trao đổi thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng kim ngạch thương mại khoảng 300 tỷ USD…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam xác định GD và ĐT nguồn nhân lực là quốc sách hàng đầu, là khâu đột phá để phát triển nhanh, bền vững.

Đến nay, Việt Nam đã xây dựng hệ thống giáo dục hoàn thiện từ mầm non đến CĐ, ĐH và hiện có 21 triệu học sinh, sinh viên và 400 trường CĐ, ĐH. Việt Nam chủ trương hợp tác mạnh mẽ với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhằm cải cách toàn diện GD và ĐT.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, qua các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo Niu Di-lân, hai bên cùng nhấn mạnh: Điểm sáng trong quan hệ hai nước là hợp tác GD và ĐT nguồn nhân lực và nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này, nhất là tăng lên 3.000 sinh viên Việt Nam sang học tập tại Niu Di-lân trong thời gian tới.

Trên cơ sở nêu rõ tiềm năng hợp tác GD và ĐT giữa hai nước còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam mong muốn và đề nghị Chính phủ Niu Di-lân, ngài Bộ trưởng Giáo dục, cũng như ngài hiệu trưởng ĐH Công nghệ Ốc-clan tiếp tục hợp tác, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để tăng cường hơn nữa hợp tác GD và ĐT nguồn nhân lực.

Tôi trân trọng đề nghị các bạn tăng thêm học bổng cho sinh viên Việt Nam được học tập ở Niu Di-lân. Tôi cũng đề nghị các bạn xem xét giảm học phí cho sinh viên Việt Nam đến học ĐH tại Niu Di-lân.

Tôi cũng đề nghị các bạn xem xét miễn học phí cho nghiên cứu sinh Việt Nam sau ĐH, bởi vì đây là đóng góp chung giữa hai nước, những sản phẩm nghiên cứu của các nghiên cứu sinh sẽ đóng góp quan trọng cho Niu Di-lân nói chung và ĐH Công nghệ Ốc-clan nói riêng.

Nhìn rộng ra hơn nữa, các sinh viên Việt Nam được nghiên cứu học tập ở Niu Di-lân là những cầu nối cụ thể, thiết thực để tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam - Niu Di-lân trước mắt cũng như lâu dài…”.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời thăm hỏi thân thiết tới sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại Niu Di-lân nói chung và tại ĐH Công nghệ  Ốc-clan nói riêng.

Thủ tướng mong muốn các em học sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam tiếp tục nghiên cứu học tập tốt, không chỉ vì lợi ích của chính mình, mà còn là hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam và kết quả học tập tốt sẽ góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Triển vọng hợp tác toàn diện Việt Nam - Niu Di-lân rất tươi sáng. Hai bên cùng nỗ lực đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới, đặc biệt là trong lĩnh vực GD và ĐT…

Cũng trong sáng 20-3, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Chính phủ nước ta đã rời Thành phố  Ốc-clan về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Niu Di-lân và Ốt-xtrây-li-a./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com