Quy chế thi năm 2015, giữ thang điểm 10

08:03, 02/03/2015

Bộ GD và ĐT vừa công bố Quy chế thi THPT quốc gia với nhiều điểm mới so với dự thảo trước đó.

Theo đó, quy chế khẳng định những nội dung đã được công bố trước đó về mục đích thi, các môn thi, nội dung thi nằm trong chương trình THPT chủ yếu là chương trình lớp 12. Đồng thời, có một số thay đổi đáng kể so với dự thảo trước đó.

Đáng chú ý, về vấn đề cụm thi, quy chế nêu rõ, Bộ GD và ĐT tổ chức 2 loại cụm thi, gồm cụm thi liên tỉnh cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH-CĐ. Cụm thi liên tỉnh tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do trường ĐH chủ trì, phối hợp với Sở GD và ĐT. Cụm thi thứ hai là cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT được tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do Sở GD và ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH. Như vậy, tiếp thu ý kiến của dư luận, Bộ GD và ĐT đã cho phép tổ chức cụm thi dành cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT ngay tại trường để tránh cho thí sinh phải đi lại vất vả.

Về tổ chức đăng ký dự thi, học sinh phổ thông đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12; thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do Sở GD và ĐT quy định. Bộ GD và ĐT nêu rõ, hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi là trước ngày 30-4 hằng năm (trước đó dự kiến là ngày 1-4). Thí sinh được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác (với mục đích để thí sinh tham gia chống gian lận thi cử).

Ngoài ra, một điểm đổi mới đáng chú ý là điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm được quy về thang điểm 10 (trước đó, Bộ GD và ĐT dự kiến chuyển sang thang điểm 20 nhưng bị dư luận phản ứng gay gắt). Bài thi tự luận được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm và sẽ qua 2 lần chấm. Bài thi trắc nghiệm được tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10 (lấy đến 0,25) cho từng bài thi trắc nghiệm. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi hoặc kiểm tra kết quả phúc khảo của một hoặc một số Hội đồng thi.

Quy chế cũng nêu rõ về việc miễn thi các môn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT, trường hợp được đặc cách tốt nghiệp THPT. Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức hủy bài thi trở lên, tất cả các bài thi đều đạt trên 1 điểm và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.

Với quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy, Bộ GD và ĐT nêu rõ, các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH-CĐ phải xác định và công bố công khai tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành; quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành học của các đối tượng. Đối với trường có các ngành năng khiếu và có tổ chức sơ tuyển thì phải xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển, phương thức tổ chức thi và phương thức xét tuyển môn năng khiếu.

Các trường và nhóm trường tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng phải xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, coi thi, chấm thi (nếu tổ chức thi tuyển); xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển. Kết quả thi của thí sinh vào trường (hoặc nhóm trường) tổ chức tuyển sinh riêng bằng phương thức thi tuyển chỉ có giá trị xét tuyển vào trường (hoặc nhóm trường) đó, không có giá trị xét tuyển sang trường (hoặc nhóm trường) khác; đối với ngành năng khiếu, các trường có thể xét tuyển thí sinh đã dự thi vào ngành đó tại các trường khác và phải quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh của trường. Các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD và ĐT quy định.

Bộ GD và ĐT yêu cầu các trường phải duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi mà trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2014 và các năm trước để xét tuyển. Nếu thay đổi các khối thi truyền thống, các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ GD và ĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng khác ít nhất 3 năm trước khi áp dụng. Về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn), căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH-CĐ, Bộ GD và ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Với đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, quy chế nêu rõ, thí sinh dùng 3 bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung để đăng ký. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo. Phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, cho phép thí sinh đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển. Các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.

Với các trường tuyển sinh riêng, Bộ GD và ĐT yêu cầu phải đảm bảo chất lượng đầu vào. Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6 điểm đối với hệ ĐH và 5,5 điểm đối với hệ CĐ (theo thang điểm 10)./.

Theo SGGP



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com