Khai mạc Phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

08:03, 10/03/2015

Sáng 9-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 36 đánh giá tiến độ chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội vào tháng 3-2015 và cho ý kiến về một số dự thảo luật, Nghị quyết dự kiến sẽ trình Kỳ họp Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp.  Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp.
Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong thời gian hơn 1 tuần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng, trong đó, gấp rút nhất là xem xét tình hình và tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị IPU-132. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, IPU-132 tại Hà Nội chứa đựng những thông điệp quan trọng về hòa bình, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Sự kiện ngoại giao hàng đầu này cũng hứa hẹn là một cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện đến bạn bè quốc tế; giới thiệu hình ảnh Quốc hội Việt Nam năng động, đổi mới.

Bên cạnh đó, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến vào 8 dự thảo luật, Nghị quyết và một số dự án đầu tư hạ tầng cơ sở; điều chỉnh một số đơn vị hành chính và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về các nội dung, đảm bảo cho hiệu quả của Phiên họp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng, IPU-132 dự kiến có tới 67 cuộc họp, 66 cuộc tiếp xúc song phương. Đến nay, đã có 126 đoàn đăng ký tham gia; trong đó, Nghị viện thành viên có 97 đoàn, Quan sát viên 17 đoàn, thành viên liên kết 4 đoàn, khách mời IPU 8 đoàn. Cũng trong số này, có 34 Chủ tịch Nghị viện/Quốc hội, 31 Phó Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện và 2 Chủ tịch thành viên liên kết đăng ký sẽ tham dự. Dự kiến thành phần đoàn đại biểu Việt Nam tham dự tại các điễn dàn của IPU-132 gồm 12 đại biểu Quốc hội đại diện cho quốc gia chủ nhà tham gia và phát biểu tại 15 diễn đàn của Đại hội đồng.

Theo Báo cáo của Ban tổ chức IPU-132, từ Phiên họp thứ 34 đến nay, công tác chuẩn bị và tổ chức IPU-132 tập trung vào việc hoàn thiện, phê duyệt và bước đầu triển khai cụ thể các đề án. Trong giai đoạn tiếp theo, trọng tâm công việc là tiếp tục triển khai các đề án, đồng thời tổ chức diễn tập và tổng duyệt toàn bộ các hợp phần của sự kiện, trong đó, chú trọng các sự kiện do lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các thành viên Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về IPU-132 cho rằng, Đại hội đồng IPU-132 là sự kiện đối ngoại lớn nhất của đất nước ta từ trước tới nay về quy mô, số lượng đại biểu quốc tế tham dự, do đó, công tác chuẩn bị cần đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực an ninh, an toàn, đảm bảo cho thành công của sự kiện. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã xem xét những vấn đề cụ thể, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác chuẩn bị sự kiện ngoại giao nghị viện đặc biệt quan trọng này, phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước với vai trò của nước chủ nhà.

Trong các nội dung nghị sự, đáng chú ý, đoàn Việt Nam sẽ tham gia bàn thảo về một số lĩnh vực như: Chiến tranh mạng: Mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh thế giới; định hướng cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về nước; hoàn chỉnh luật pháp quốc tế về chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người; Công ước về quyền trẻ em, vai trò của Quốc hội trong việc giải quyết những thách thức nhằm đảm bảo sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em, dân chủ trong kỷ nguyên kỹ thuật số và sự đe dọa quyền riêng tư, các quyền tự do cá nhân cơ bản.

Hiện, các đơn vị liên quan đang gấp rút dự thảo các nội dung nghị sự trên cơ sở phối hợp với Ban Thư ký IPU; hoàn thành các đề án lễ tân - sự kiện; kết hợp chặt chẽ với các nội dung Hội nghị của Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP) với chủ đề “Tìm kiếm mô hình giúp cơ quan giúp việc Nghị viện hoạt động hiệu quả”; Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị Nữ Nghị sĩ và thảo luận các nội dung tổng kết 20 năm thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh về quyền Phụ nữ. Dự kiến, ngày 15-3 tới sẽ tổ chức tổng duyệt Lễ Khai mạc IPU-132 tại nhà Quốc hội.

Cho ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cơ bản đạt tiến độ tốt, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã có nhiều cố gắng. Để đảm bảo thành công của IPU-132, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các Tiểu ban phối hợp chặt chẽ, khẩn trương với Ban Thư ký IPU để làm tốt các khâu chuẩn bị nội dung, từ đó lên phương án tốt về an ninh, hậu cần, ngoại giao. Từng cơ quan, bộ, ngành, địa phương dự tính kỹ các tình huống có thể phát sinh trong quá trình IPU-132 để chủ động ứng phó. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất, đảm bảo thành công của IPU-132 là nội dung nghị sự, phía Việt Nam phải tham gia tích cực trong quá trình chuẩn bị của Ban Thư ký IPU; đảm bảo chuẩn bị tốt dự thảo Tuyên bố Hà Nội, khẳng định vai trò, vị trí của đất nước, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong sự kiện đối ngoại này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu Tiểu ban nội dung đảm bảo tốt nội dung tham gia vào các nghị quyết dự kiến sẽ được thông qua tại các tiểu ban chuyên đề của Đại hội đồng, thể hiện quan điểm, lập trường yêu chuộng hòa bình, vì quyền con người, dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển bền vững của nhân dân Việt Nam.

Chiều 9-3, Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật MTTQ Việt Nam đã được trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, giải trình về ý kiến đề nghị không quy định nguyên tắc “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo MTTQ Việt Nam” như dự thảo Luật, vì cho rằng quy định này chưa hợp lý, chưa phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, lịch sử đã chứng minh vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu hoạt động của Mặt trận Dân tộc Thống nhất đến MTTQ Việt Nam ngày nay. Vì vậy, một trong những đặc thù trong tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách vừa là tổ chức thành viên, vừa là lực lượng lãnh đạo Mặt trận. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật quy định MTTQ Việt Nam có trách nhiệm tiếp công dân; có quyền vận động, quyên góp, quản lý sử dụng quỹ; quyền tham gia nhận xét đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn để phục vụ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Luật Tiếp công dân đã có quy định: Ủy ban MTTQ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân phù hợp với quyền, trách nhiệm của mình. Do đó, trách nhiệm tiếp công dân của MTTQ Việt Nam vẫn được thực hiện mà không cần thiết phải bổ sung quy định về nội dung này trong dự thảo Luật.

Riêng với thẩm quyền của MTTQ Việt Nam trong việc vận động, quyên góp, quản lý sử dụng quỹ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, ở nước ta rất nhiều loại quỹ được quy định tại nhiều văn bản luật chuyên ngành với những nguồn hình thành, cơ chế, chủ thể quản lý khác nhau. Vì vậy, nếu bổ sung quy định vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong việc vận động, quyên góp, quản lý sử dụng quỹ thì sẽ rất khó bao quát hết các loại quỹ với nguồn hình thành, cơ chế, chủ thể quản lý hết sức phong phú và đa dạng như hiện nay. Do đó, đề nghị chưa luật hoá vấn đề này.

Đáng lưu ý, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý để quy định rõ hơn tính đặc thù trong hoạt động giám sát, về phạm vi giám sát, đối tượng, nội dung, hình thức giám sát; quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong hoạt động giám sát cũng như quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chịu sự giám sát để tránh trùng lặp với giám sát của cơ quan dân cử.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung thêm để làm rõ hơn nữa trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong hoạt động phản biện xã hội cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản biện của Mặt trận; đồng thời, sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật ban hành văn bản pháp luật cần cụ thể hóa vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đối với dự thảo các văn bản pháp luật.

Bộ VH, TT và DL vừa phê duyệt kịch bản các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 28-3 đến 1-4.

Trong đó, chương trình biểu diễn nghệ thuật “Đêm Hoàng Thành” sẽ diễn ra từ 19h00 đến 21h00 ngày 31-3-2015 tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Kịch bản và Tổng đạo diễn NSND Trần Bình, với sự tham gia của các đơn vị: Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông sen Thành phố Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Bùi Công Duy và Dàn dây, Nhóm nhạc Jazz Sông Hồng, Nhóm Cỏ lạ, Nhóm F Band, Tốp Accordions Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Cty Hồng Vân (TP Hồ Chí Minh).

Trước đó, chương trình nghệ thuật “Hồn quê Việt” diễn ra từ 19h00 đến 20h30 ngày 27-3-2015 tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Chương trình do NSƯT Vương Duy Biên là tác giả và đạo diễn, Nhà hát Múa rối Việt Nam thực hiện.

Bên cạnh đó, Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Những sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Đêm hội đoàn kết Nghị viện sẽ diễn ra vào tối 29-3-2015 tại làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Kịch bản và Tổng đạo diễn NSND Trần Bình, với sự tham gia của các đơn vị: Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, Hợp xướng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh...

Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 28-3 đến 1-4. Đây là sự kiện đối ngoại có ý nghĩa hết sức quan trọng và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà Việt Nam đăng cai tổ chức với sự tham dự của gần 2.000 đại biểu quốc tế đến từ khoảng 150 quốc gia và tổ chức quốc tế. Việc tổ chức thành công IPU-132 sẽ nâng cao hơn nữa vai trò, uy tín của Quốc hội Việt Nam trong Liên minh Nghị viện thế giới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế lớn; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.

Theo TTXVN

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com