Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"

07:07, 19/07/2013

Ngày 17-7-2013, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ Trung ương chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể  Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện Đề án 1956 của tỉnh; lãnh đạo các ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” . Ảnh: VGP/Từ Lương
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” . Ảnh: VGP/Từ Lương

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, 3 năm qua (2010-2012), trên cả nước đã tổ chức triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án. Đã hỗ trợ dạy nghề cho 1.088.393 lao động nông thôn, đạt 77,74% kế hoạch, với tổng kinh phí 1.641,5 tỷ đồng; trong đó có 480.897 người học nghề nông nghiệp, chiếm 44,2%; 607.496 người học nghề phi nông nghiệp, chiếm 55,8%; có 125.373 người thuộc hộ nghèo, chiếm 11,5%. Sau khi học nghề có gần 822.500 người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn, đạt 78,9% tổng số lao động học nghề. Một số địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề từ quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, gắn với xây dựng NTM. Qua đó, hơn 55.000 người thuộc hộ nghèo có việc làm, thu nhập, đã thoát nghèo, chiếm 44% số người nghèo tham gia học nghề; hơn 88.000 người sau học nghề có mức thu nhập khá. Các tỉnh, thành phố đã huy động 1.466 cơ sở tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, gồm: 76 trường cao đẳng nghề, 169 trường trung cấp nghề, 538 trung tâm dạy nghề, 90 trung tâm GDTX, 227 doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo khác. Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề là 2.930,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương đã đào tạo, bồi dưỡng 203.593 lượt cán bộ, công chức xã, đạt 67,86% kế hoạch, với tổng kinh phí gần 252 tỷ đồng.
Tại tỉnh ta, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg tới các huyện, thành phố, các xã, thị trấn trong tỉnh. Ba năm qua, tỉnh ta đã phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề công lập trên địa bàn các huyện với 38 cơ sở; hỗ trợ các cơ sở 77 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 18.919 người, với tổng kinh phí 38,57 tỷ đồng. Trong đó 15.213 người học nghề phi nông nghiệp, 3.706 người học nghề nông nghiệp. Tỷ lệ người lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 85%, với mức thu nhập từ 1,8-4 triệu đồng/người/tháng. Tổng số cán bộ công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 1956 là 2.965 người, trong đó đào tạo tập trung 336 người.

Sau khi nghe đại diện các bộ, ngành, các địa phương phát biểu ý kiến, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu kết luận hội nghị đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương và những kết quả quan trọng trong triển khai thực hiện Đề án 1956. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò của công tác đào tạo nghề, học nghề trong phát triển kinh tế - xã hội được nâng lên. Qua thực hiện đề án, hơn một triệu lao động đã được đào tạo nghề, có việc làm và thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Đồng chí nhấn mạnh, dạy nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân; các bộ, ngành, địa phương cần khắc phục những hạn chế, tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện đề án trong giai đoạn tiếp theo. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với sản xuất, tạo việc làm sau đào tạo. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nhân rộng các điển hình nhân tố mới trong công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn./.

Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com