Hội nghị trực tuyến phiên họp thường kỳ tháng 6-2013 của Chính phủ

06:06, 28/06/2013

Ngày 27-6-2013, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến phiên họp thường kỳ tháng 6-2013 với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị.

Tham gia hội nghị trực tuyến, tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Trần Lương Bằng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ngô Quang An, Giám đốc Sở KH và ĐT; các đồng chí thành viên UBND tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. Ảnh: Đức Tám - TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

6 tháng đầu năm 2013 tăng trưởng của hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều được cải thiện, góp phần đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 4,9%; trong đó nông - lâm - thuỷ sản tăng 2,07%, công nghiệp và xây dựng tăng 5,18%, dịch vụ tăng 5,92%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bước đầu có tín hiệu tích cực. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Lãi suất giảm, cùng nhiều biện pháp miễn, giảm thuế, giãn thuế… đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng trưởng tín dụng có chuyển biến; thanh khoản các ngân hàng thương mại được cải thiện, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra: hoạt động nhập khẩu, nhất là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư và sản xuất, kinh doanh được cải thiện đáng kể, tỷ lệ nhập siêu thấp. Vốn ODA và FDI thực hiện đều tăng so với cùng kỳ. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người dân tộc thiểu số, người mất việc làm, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất được quan tâm, các chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà thương mại đối với người có thu nhập thấp được quan tâm triển khai. An ninh, chính trị, trật tự xã hội được giữ vững… Song nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát trở lại; lãi suất tuy giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại do khó khăn trong việc xử lý nợ xấu; dư nợ tín dụng tăng chậm. Thị trường và sức mua vẫn chậm. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt thấp; tiến độ thu ngân sách Nhà nước không đạt kế hoạch và thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Tình hình tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cả số vụ lẫn số người thương vong so với cùng kỳ. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người mất việc làm, đồng bào dân tộc, người miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Từ dự báo tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước, Chính phủ đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp chủ yếu như: chính sách tiền tệ, tài khóa; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng sức mua, tăng tổng cầu nền kinh tế, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; các giải pháp bảo đảm phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường công tác phổ biến, thông tin, tuyên truyền định hướng đúng về chính sách vĩ mô và sự điều hành của Chính phủ, bảo đảm thông tin khách quan về các vấn đề kinh tế - xã hội.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các địa phương, yêu cầu địa phương nào còn đề nghị mà chưa được phát biểu đóng góp bằng văn bản để Văn phòng Chính phủ tổng hợp. Thủ tướng nhấn mạnh những việc đã làm được song trong 6 tháng đầu năm vẫn còn nhiều yếu kém, khuyết điểm. Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhiệm vụ đã đề ra cho cả năm. Đồng chí cũng lưu ý 6 tháng cuối năm cần tập trung cao quyết liệt để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa kiểm soát lạm phát; giảm mặt bằng lãi suất sao cho phù hợp với lạm phát, tăng dư nợ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; điều hành tỷ giá ngoại hối, quản lý thị trường vàng… Tập trung thực hiện tốt kế hoạch thu, chi ngân sách theo nghị quyết của Quốc hội đã thông qua. Các bộ, ngành, địa phương huy động đầu tư toàn xã hội, giải ngân nhanh trong lĩnh vực đầu tư công; phải làm bằng được thi công Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14, yêu cầu các địa phương quyết liệt trong giải phóng mặt bằng. Thực hiện tốt giãn, giảm, quản lý thuế, thực hiện đúng, song phải kiểm tra, thu đúng, thu đủ, tập trung xử lý nợ xấu, giảm hàng tồn kho; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, vay vốn, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội. Tập trung mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước. Với nông nghiệp, tập trung chỉ đạo triển khai tái cơ cấu như Chính phủ đã phê duyệt, làm sao tăng năng suất, tăng lợi nhuận cho nông dân, nhưng giảm chi phí đầu vào; chính sách thu mua, tạm trữ… sao cho nông dân có lãi 30%. Quyết liệt chỉ đạo nhân rộng các mô hình xây dựng nông thôn mới làm tốt, sáng tạo; phổ biến kinh nghiệm, tổng kết nhân rộng điển hình từ thực tiễn. Tái cơ cấu kinh tế là việc làm cơ bản, lâu dài, song phải quyết liệt trên từng lĩnh vực. Tập trung cho giáo dục, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng, đối ngoại và cải cách hành chính./.

Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com