Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra công trình đê điều và công tác phòng chống thiên tai

05:05, 29/05/2020

Thực hiện kế hoạch công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2020, sáng 29-5, các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dẫn đầu các Đoàn công tác đi kiểm tra, hệ thống đê điều và sản xuất vụ xuân của các địa phương. Cùng đi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh có các đồng chí Tỉnh ủy viên: Khương Thị Mai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: NN và PTNT, KH và ĐT, Tài chính, Xây dựng, Cục Thống kê, Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Hồng Phong dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tại các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu.

Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh kiểm tra điểm sạt lở mái đê tả Sò, thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy). Ảnh: Thu Thủy
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh kiểm tra điểm sạt lở mái đê tả Sò, thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy). Ảnh: Thu Thủy

Tại huyện Xuân Trường, Đoàn công tác đã kiểm tra Cống Ngô Đồng vị trí K207+950m (đê Hữu Hồng), thuộc địa bàn xã Xuân Phú mới được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng năm 2019. Tại huyện Giao Thủy, Ðoàn công tác kiểm tra tình hình sạt lở mái đê tả sông Sò đoạn từ K12+954 đến K13+884, với tổng chiều dài 300-400m; khu neo đậu tàu thuyền cửa Hà Lạn (thuộc địa bàn thị trấn Quất Lâm). Tại huyện Hải Hậu, Ðoàn công tác kiểm tra toàn tuyến đê biển và các công trình: kè Cồn Tròn, xã Hải Hòa; tuyến đê Gót Tràng (thị trấn Thịnh Long) và kiểm tra lúa xuân tại cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống xã Hải Đông.

Qua nghe báo cáo và kiểm tra thực tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các công trình đê, kè, cống, góp phần nâng cao khả năng PCTT trong mùa mưa bão năm 2020; đồng thời yêu cầu các địa phương cần tập trung huy động các nguồn lực tu bổ, sửa chữa đê, kè, cống; phối hợp với các chủ đầu tư đôn đốc các ban quản lý dự án, nhà thầu xây lắp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thi công các công trình; đặc biệt khẩn trương khắc phục, xử lý các đoạn sạt lở mái đê; ưu tiên thi công trước các điểm xung yếu nhằm đảm bảo an toàn PCTT. Các nhà thầu, đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh thi công các công trình và hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng theo quy định. Ðẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ công trình đê điều, công trình phòng, chống thiên tai. Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai; khẩn trương triển khai chuẩn bị đầy đủ vật tư đảm bảo phương châm "4 tại chỗ", xây dựng phương án về phương tiện, nhân lực hộ đê, bảo vệ trọng điểm chống lụt bão trên cả các tuyến đê sông, đê biển; chủ động các phương án phòng, chống giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra công trình đê điều và công tác PCTT tại các huyện phía bắc tỉnh. Theo báo cáo của các địa phương đến kiểm tra, đến nay các huyện, thành phố đã kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2020; đã lập duyệt phương án bảo vệ trọng điểm chống lụt, bão theo phương châm “4 tại chỗ”; đang lên kế hoạch diễn tập hộ đê, phòng chống thiên tai. Đoàn công tác đã kiểm tra thực địa cống lấy nước Trạm bơm Hữu Bị tại K162+500 trên đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc); kiểm tra công tác vận hành của Trạm bơm Quán Chuột và các trọng điểm phòng, chống lụt bão trên địa bàn thành phố Nam Định; kiểm tra đê, kè Trại Nội tại K8+500 trên đê hữu Đào thuộc xã Tân Thành (Vụ Bản) và các trọng điểm phòng, chống lụt bão của huyện Ý Yên, gồm: Cống Đông Duy tại K152+250, cống xả lũ xã Yên Quang trên tuyến đê tả Đáy và bối Yên Phúc…

Đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra công trình đê, kè Trại Nội tại địa bàn xã Tân Thành (Vụ Bản).  Ảnh: Văn Đại
Đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra công tác vận hành Trạm bơm Quán Chuột (thành phố Nam Định). Ảnh: Văn Đại

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị, lập phương ứng phó với các tình huống thiên tai của các huyện, thành phố; đồng thời yêu cầu các địa phương cần tiếp tục rà soát, kiểm tra, thống kê chính xác các hộ dân tại các vùng bối, các hộ đang sống trong nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước đã xuống cấp để lên phương án di dời, sơ tán bảo đảm an toàn cho người dân khi có bão, lũ xảy ra. Thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể và yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp chủ động xuống cơ sở cùng địa phương ứng trực, xử lý khi có thiên tai. Các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ phương án hộ đê toàn tuyến, phương án di dời dân vùng bối, phương án chống úng bảo vệ sản xuất, phương án chống lụt đô thị, phương án cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng vận hành khi có tình huống thiên tai xảy ra. Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, thông tin diễn biến của mưa, bão, lũ để kịp thời chỉ đạo, xử lý hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Tập trung chỉ đạo tổ chức diễn tập các phương án PCTT và TKCN theo tình hình, điều kiện của địa phương, đảm bảo hiệu quả, sát thực tiễn đảm bảo rà soát, điều chỉnh phương án PCTT đã xây dựng cho phù hợp, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm nay.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra các công trình đê điều, công tác PCTT của 3 huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công trình đê kè trên địa bàn xã Việt Hùng (Trực Ninh).      Ảnh: Thanh Thúy
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công trình đê kè trên địa bàn xã Việt Hùng (Trực Ninh). Ảnh: Thanh Thúy

Huyện Nam Trực có 3 trọng điểm đê, kè xung yếu cần quan tâm tu sửa, nâng cấp, bảo vệ trong mùa mưa bão năm nay gồm: Kè Vị Khê K168+700 - K169 (đê hữu Hồng); Đê, kè Quy Phú K178+000 - K180+050 (đê hữu Hồng); Kè An Lá đoạn từ K5+700 đến K5+940 (đê tả Đào) là trọng điểm cấp tỉnh. Tại huyện Trực Ninh có 3 trọng điểm đê kè xung yếu cần quan tâm tu sửa, nâng cấp, bảo vệ gồm: Đê, kè Phượng Tường K6+067 - K6+347 (hữu Ninh); Đê, kè Đò Mới K19+540 - K20+300 (tả Ninh); Đê, kè Trực Thanh K16+650 - K16+950 (hữu Ninh). Trên địa bàn huyện đã hoàn tất thi công 2 dự án gồm: Dự án xử lý cấp bách các công trình đê điều của tỉnh các đoạn: K5+290 - K7+500; K15+180 - K17+400; K22+300 - K23+537 tuyến đê hữu Ninh; Dự án xử lý cấp bách đoạn K19+540 - K22+400 đê tả Ninh, kè Trực Đại đoạn tương ứng K20+900 - K21+800 đê tả Ninh. Huyện Nghĩa Hưng có 7 trọng điểm đê kè xung yếu cần tu sửa, nâng cấp, bảo vệ gồm: đê Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong K28+150 - K40+580 (hữu Ninh) là trọng điểm cấp tỉnh; cống Chi Tây K196+585 (tả Đáy); cống Phú Giáo K202+010 (tả Đáy); cống Quần Khu K26+590 (Hữu Ninh); đê, kè, cống Phúc Thắng K7+400 - K11+308 (đê biển); cống Thanh Hương K4+436 (đê biển); đê biển Nghĩa Hải K23+940 - K25+350. Trên địa bàn huyện đã thi công xong công trình: Xử lý cấp bách một số đoạn đê xung yếu xảy ra sự cố do đợt mưa lũ các đoạn K189+811 - K191+500; K193+500 - K196+535; K198+235 - K199+500; K201+500 - K204+233 tuyến đê tả Đáy; kè cầu Thịnh Long K40+853 - K41+153 tuyến đê hữu Ninh; xử lý cấp bách một số đoạn đê xung yếu K24+501 - K26+680 tuyến đê hữu Ninh. Huyện Nghĩa Hưng đang thi công cống Thanh Hương tại K4+470 trên tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ Ninh Bình; cống Quần Vinh I tại K6+707 và cống Quần Vinh II tại K8+420 trên tuyến đê biển huyện. Riêng dự án Kè Hải Lạng K22+660 - K25+110 tuyên đê tả Đào nhà thầu đang tạm dừng thi công, khối lượng đạt 60%. Qua kiểm tra thực tế các công trình đê điều tại 3 huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Đoàn công tác xác định có 2 trọng điểm đê kè xung yếu cần đặc biệt quan tâm, ưu tiên đầu tư nâng cấp để đảm bảo an toàn PCTT gồm: Tuyến đê, kè Quy Phú K178+000 - K180+050 trên tuyến đê hữu Hồng huyện Nam Trực; tuyến đê kè Phượng Tường từ K6+060 - K6+347 đê hữu Ninh (Trực Ninh).

Đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình sản xuất lúa xuân của huyện Nghĩa Hưng. Toàn huyện đã kết thúc gieo cấy 10.117ha lúa xuân vào ngày 22-2-2020. Diện tích gieo sạ đạt 5.311ha, chiếm 52,5% tổng diện tích; diện tích lúa cấy là 4.806ha, chiếm 47,5% tổng diện tích. Cơ cấu giống lúa gồm: 10% giống lúa lai với các giống TX111, Nhị ưu 838, CT16, Tej vàng; 90% giống lúa thuần với các giống BT7, TBR225, TBR229, Đài thơm 8, NĐ5, Nếp 97, Nếp Đài Loan. Phản ánh thực tế trên đồng ruộng cho thấy, vụ xuân năm nay thời tiết thuận lợi, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, công tác phòng trừ sâu bệnh được thực hiện tốt, triển vọng cho năng suất cao. Đến ngày 18-5, diện tích lúa xuân toàn huyện cơ bản đã trỗ bông xong. Hiện nay, một số diện tích cấy sớm đã bắt đầu cho thu hoạch.

Qua kiểm tra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo huyện Nghĩa Hưng tập trung chỉ đạo bà con nông dân bám sát đồng ruộng, chăm sóc, đảm bảo an toàn cho lúa xuân từ nay đến cuối vụ; tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn lúa xuân trong kỳ thu hoạch tập trung từ 5 đến 15-6-2020./.

Nhóm PV thời sự



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com