Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp trước, trong và sau khi đón học sinh, sinh viên đi học trở lại

05:02, 29/02/2020

Ngày 28-2-2020, UBND tỉnh đã có văn bản số 66/UBND-VP7 thông báo chính thức về thời gian đi học lại đối với trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ ngày 2-3-2020; học sinh, học viên, sinh viên các trường Phổ thông trung học, trung tâm Giáo dục thường xuyên, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, các cơ sở đào tạo nghề, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh đi học trở lại. Riêng trẻ em các cơ sở giáo dục mầm non, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 15-3-2020.

Để chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại an toàn, ngày 27-2-2020, Liên ngành Sở Y tế - Sở Giáo dục và Đào tạo – Sở Lao động Thương binh và xã hội đã ban hành văn bản số 238/HDLN-YT-GDĐT-LĐTBXH về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp. Trước khi học sinh trở lại trường học, nhà trường tập trung kiện toàn Ban chỉ đạo (Ban thường trực) phòng, chống dịch và xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gây ra. Chuẩn bị đủ các dụng cụ và các chất tẩy rửa thông thường để thực hiện vệ sinh khử khuẩn trường, lớp trước khi đón học sinh trở lại và thực hiện hàng ngày. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vệ sinh phục vụ học sinh và sinh viên như nơi rửa tay, nước sạch và xà phòng, giấy sạch hoặc khăn để lau tay. Trong trường hợp không bố trí đủ hoặc không thể bố trí nơi rửa tay thì có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn tay nhanh (có nồng độ cồn tối thiểu 60%). Bố trí thùng rác có nắp lật để ở những nơi dễ tiếp cận, trong nhà vệ sinh, nơi rửa tay. các đơn vị, trường học cần lưu ý để dung dịch sát khuẩn trên giá, kệ và treo biển báo "Dung dịch sát khuẩn tay nhanh", đồng thời có hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng. Đối với các trường có thang máy, chuẩn bị 1 bình/lọ dung dịch sát khuẩn tay nhanh để ở trong thang máy. Đối với các trường học hoặc phụ huynh học sinh tổ chức ô tô đưa đón học sinh, tiến hành vệ sinh và khử khuẩn toàn bộ phía trong và ngoài xe; chuẩn bị dung dịch sát khuẩn tay nhanh gắn ở vị lên/xuống xe. Chuẩn bị khẩu trang y tế để sử dụng trong các trường hợp có học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt, khó thở…) được phát hiện trong trường. Nhà trường cần bảo đảm đủ nước uống cho học sinh, mỗi học sinh nên có cốc uống nước riêng được vệ sinh hằng ngày... Nếu nhà trường cung cấp khăn mặt, khăn lau tay cho học sinh, phải bảo đảm mỗi học sinh có một khăn riêng và bảo đảm vệ sinh sạch sau mỗi ngày (hấp, sấy hoặc giặt sạch với xà phòng, phơi khô). Nhà trường cần thông báo cho phụ huynh học sinh chuẩn bị một số đồ dùng cho học sinh như khẩu trang (có thể sử dụng khẩu trang thông thường); khuyến khích sử dụng bình nước uống cá nhân; phối hợp với nhà trường theo dõi sức khoẻ, thân nhiệt của học sinh hằng ngày. Chuẩn bị vật tư, cơ số thuốc, trang thiết bị thiết yếu theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đảm bảo cán bộ y tế có mặt liên tục trong suốt thời gian dạy và học để sẵn sàng đáp ứng y tế khi cần. Đối với trường không có nhân viên y tế, Ban Giám hiệu nhà trường liên hệ với trạm y tế xã/phường/thị trấn để được hướng dẫn và giải quyết kịp thời. Chuẩn bị tài liệu và thực hiện tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho Ban Giám hiệu, giáo viên, người lao động, phụ huynh học sinh theo nội dung hướng dẫn của cơ quan y tế. Nhà trường cũng cần tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, học sinh thực hiện các khuyến cáo của ngành Y tế để tăng cường sức khoẻ như: Súc miệng, họng thường xuyên bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn chín, uống sôi và bảo đảm chế độ ăn đủ dinh dưỡng; hạn chế tiếp xúc với các vật nuôi, không tiếp xúc với động vật hoang dã, hạn chế tiếp xúc với người có các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt, khó thở...). Nhà trường yêu cầu cán bộ, giáo viên, học sinh thuộc đối tượng bị cách ly y tế tuân thủ tuyệt đối việc cách ly y tế theo đúng quy định. Đối với các trường hợp có ít nhất một trong các triệu chứng (ho hoặc sốt hoặc khó thở) thì chủ động báo cho nhà trường, đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và xử lý y tế khi cần. Phối hợp với các cơ sở y tế tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn toàn bộ khu vực trường, lớp trước khi đón học sinh trở lại. Nhân viên y tế nhà trường thường xuyên cập nhật các thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để tuyên truyền phổ biến thông tin cập nhật cho Ban Giám hiệu, giáo viên và học sinh trong trường. Phối hợp với trạm y tế theo dõi sức khoẻ của học sinh, giáo viên, người lao động trong nhà trường để kịp thời xử lý các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Khi học sinh trở lại trường học, nhà trường vẫn tiếp tục thực hiện vệ sinh khử khuẩn trường, lớp, đồng thời thường xuyên tuyên truyền cho học sinh, cán bộ, giáo viên, người lao động về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Khi chưa có công bố hết dịch tại Nam Định, không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, hoạt động ngoại khóa...; nhà trường không chào cờ tập trung toàn trường, chỉ tổ chức chào cờ tại lớp học, hạn chế hoạt động có sự tham gia của nhiều lớp; không sử dụng đồ chơi, dụng cụ học tập bằng vật liệu chưa khử khuẩn (đồ chơi điện tử, đồ chơi thấm nước...). Đối với các trường học có tổ chức cho học sinh ăn bán trú cần tuân thủ việc thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm; không nên tổ chức ăn tập trung đông người, nên tổ chức ăn tại phòng học hoặc chia thành nhiều đợt. Nhà trường bố trí người đón và giao học sinh tại cổng trường, cha mẹ học sinh không vào trong khu vực trường học. Đối với các phương tiện đưa, đón học sinh cần thực hiện khử khuẩn tay nắm cửa xe, tay vịn, ghế ngồi, cửa sổ, sàn xe... sau mỗi chuyến đi bằng chất tẩy rửa thông thường hoặc chất khử khuẩn có chứa Clo hoạt tính. Nhà trường yêu cầu cán bộ, giáo viên, học sinh thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi vào lớp học, trước và sau ăn, sau mỗi giờ ra chơi, sau khi đi vệ sinh và khi thấy tay bẩn; phối hợp với phụ huynh học sinh theo dõi sức khỏe của học sinh hằng ngày; khuyến khích học sinh, giáo viên đeo khẩu trang thông thường khi đến trường, khi tham gia giao thông, nơi tập trung đông người; đảm bảo cho các phòng học được thông thoáng, tăng cường thông gió tự nhiên bằng cách mở cửa sổ, cửa ra vào, hạn chế sử dụng điều hòa. Giám sát việc thực hiện vệ sinh khử khuẩn trường, lớp; bỏ rác đúng nơi quy định, đặc biệt là khăn giấy sau khi sử dụng, khẩu trang (nếu dùng 1 lần) khi thay phải được bỏ ngay vào thùng rác và rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Nhân viên y tế cần có mặt liên tục trong suốt thời gian dạy và học. Với những trường không có cán bộ y tế, nhà trường cần liên hệ với trạm y tế xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn và giải quyết kịp thời. Khi có học sinh, giáo viên, nhân viên của trường có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở hoặc các bất thường khác về mặt sức khoẻ, cần kiểm tra, theo dõi tại phòng y tế của trường. Thông báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu và trạm y tế xã/phường để xử lý. (Lưu ý đối với trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp, cần cho đeo khẩu trang y tế). Cán bộ, giáo viên, nhân viên phải thực hiện vệ sinh cá nhân theo quy định, tự theo dõi sức khoẻ và đo thân nhiệt hàng ngày; nếu có sốt hoặc ho hoặc khó thở… cần báo ngay cho nhà trường và đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn; không được đến trường nếu đang trong thời gian cách ly y tế. Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với phụ huynh theo dõi thân nhiệt và tình hình sức khoẻ của học sinh thông qua các hình thức như: Sổ liên lạc điện tử, tin nhắn và sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook… Hằng ngày, trước khi vào giờ học, giáo viên cần điểm danh và hỏi học sinh có cảm thấy sốt hay có ho, khó thở, mệt mỏi không. Trong thời gian học, giáo viên cần thường xuyên quan sát tình trạng sức khoẻ của học sinh như ho, hắt hơi, mệt mỏi hoặc bất thường khác về sức khoẻ… Nếu thấy bất thường báo ngay cho cán bộ y tế trường học và phụ huynh học sinh để xử lý. Để bảo đảm an toàn sức khoẻ, học sinh cần nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn; học sinh nên đeo khẩu trang đi đến trường, trên đường từ trường về nhà và nơi tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi vào lớp học, trước và sau khi ăn, sau mỗi giờ ra chơi, sau khi tháo bỏ khẩu trang, sau khi đi vệ sinh... Chủ động che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải hoặc khuỷu tay áo, không khạc nhổ bừa bãi, bỏ rác, khẩu trang (nếu có) vào thùng rác ở nơi quy định. Học sinh lưu ý không nên dùng chung các đồ vật cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay...; nên sử dụng bình nước uống cá nhân. Đối với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp thực hiện vệ sinh, khử khuẩn trước khi học sinh/sinh viên quay lại trường học và trong khi dạy/học theo khuyến cáo trên. Riêng việc theo dõi sức khỏe, học viên, sinh viên cần tự theo dõi sức khỏe và đo thân nhiệt hằng ngày... Khi có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ (ho, sốt, khó thở…) phải thông báo cho nhà trường, trạm y tế xã/phường/thị trấn nơi đang ở và đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Đối với các cơ sở y tế, tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong hoạt động phun hoá chất khử trùng trường, lớp theo kế hoạch.

Trong trường hợp cần giải đáp mắc thắc, các đơn vị, trường học, cá nhân có thể liên hệ theo số máy điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế Nam Định: 0902.191.208 và 0915.300.306./.

Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com