Tập trung phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân

08:04, 28/04/2019

 

Hiện nay trên dàn lúa xuân tồn tại 5 loại dịch hại chính gồm: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn và bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Trong đó, sâu cuốn lá nhỏ vào lứa chính vụ, có mật độ cao, mức độ gây hại lớn; mật độ sâu cao ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, các huyện phía bắc tỉnh có mật độ thấp hơn và tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Dự kiến toàn tỉnh cần phun trừ khoảng 53 nghìn ha (72%) nhiễm sâu cuốn lá nhỏ. Bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng ở các huyện phía nam tỉnh có mật độ cao hơn và phát sinh sớm hơn 7-10 ngày so với vụ xuân năm 2018. Bệnh đạo ôn lá đã phát sinh và gây hại cục bộ trên các giống: Dự Hương, Nếp, BC15, Q5... quy mô và mức độ gây hại thấp hơn cùng kỳ năm trước. Bệnh khô vằn đã xuất hiện trên tất cả các trà lúa, mức độ gây hại tương đương cùng kỳ năm trước và tiếp tục phát sinh, lây lan mạnh trên các trà lúa từ nay đến cuối vụ. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại sau các trận mưa to và có nguy cơ bùng phát, gây hại mạnh vào giai đoạn cây lúa ôm đòng - chắc xanh.

Ðể bảo vệ an toàn sản xuất vụ xuân 2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố; Ban nông nghiệp các xã, thị trấn trong toàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ dân tự kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời các diện tích lúa có mật độ sâu, rầy tới ngưỡng phòng trừ, tranh thủ thời tiết thuận lợi để phun thuốc kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”. Tập trung phòng trừ các đối tượng dịch bệnh theo công thức sau: Ðối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 3, phun trừ từ ngày 28-4 đến 5-5 cho những diện tích có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên (trà lúa trỗ sớm phun đầu lịch, trà lúa trỗ muộn phun cuối lịch phòng trừ). Sau phun thuốc 5 ngày nếu còn mật độ sâu sống ≥ 50 con/m2 cần phải phun lại. Sử dụng thuốc có hoạt chất Indoxacarb (Clever 150SC; 300WG, Sunset 300WG, Obaone 95WG, Divine 180SC, Ebato 160SC, Indogold 150SC....); hoạt chất Emamectin (Director 70EC, Angun 5WG, Dylan 5WG, Golnitor 50WG, Bemab 52WG...); hoạt chất khác (Takumi 20WG, 20SC; Match 050EC, Voliam Targo 063SC...). Ðối với bệnh khô vằn, phun trừ cho những diện tích bệnh chớm xuất hiện và đã phun nhưng bệnh chưa dừng. Sử dụng thuốc có hoạt chất Pencycuron (Moren 25WP…), hoạt chất Hexaconazole (Anvil 5SC, Chevin 5SL, Lervil 50SC, Shut 677WP, A-V-T Vil 5SC,…), hoạt chất khác (Amistar top 325SC, Validacin 5L, Nevo 330EC…). Ðối với bệnh đạo ôn cổ bông, phun phòng bệnh lúc lúa trỗ 3-5% số bông (phun thuốc trước hoặc sau thời điểm này thì hiệu lực phòng trừ bệnh sẽ rất kém do đó ruộng trỗ trước phun trước, ruộng trỗ sau phun sau) cho các giống nhiễm như: Dự Hương, X21, BC15, KD 18, Q5, QR1, Nếp, Thiên ưu 8,... đặc biệt là những diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá và khi lúa trỗ gặp mưa. Sử dụng thuốc có hoạt chất Tricyclazole (Beam 75WP, Kabim 30WP, Kasai-S 92SC, Filia 525SE, Bamy 75WP...); hoạt chất khác (Nativo 750WG, Bumrosai 650WP...). Không nên sử dụng các loại thuốc chỉ chứa 1 hoạt chất Isoprothiolane để phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Bệnh đen lép hạt sẽ phát sinh gây hại hầu hết các giống khi lúa trỗ gặp mưa nên phải phun phòng bệnh hoặc kết hợp với các thuốc trừ dịch hại khác để phòng bệnh lúc lúa trỗ 3-5% số bông bằng thuốc có hoạt chất Azoxystrobin + Difenoconazole (Help 400SC, Amistar top 325SC,...); hoạt chất Difenoconazole + Propiconazole (Tilt super 300EC, Tstil super 300EC, Still liver 300ME,...); hoạt chất khác (Tiptop 250EC, Nevo 330EC...). Ðối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn do hiện nay chưa có thuốc đặc trị, vì vậy không nên phun thuốc để phòng trừ bệnh này; nếu phát hiện bệnh cần giữ đủ nước trong ruộng và không nên bón phân hay phun thuốc kích thích sinh trưởng. Lưu ý nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng lúc, các hộ dân có thể phối hợp các loại thuốc nhưng phải giữ nguyên nồng độ của mỗi loại. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật cung ứng trên địa bàn bảo đảm cung cấp thuốc chất lượng cho nông dân./.

Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com