Kế hoạch của UBND tỉnh ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi

07:03, 03/03/2019

Thực hiện Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15-11-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày 28-2, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của Kế hoạch là chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh dịch tả lợn châu Phi; giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm bệnh vào tỉnh ta thông qua kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, nghi nhập lậu; khách du lịch, phương tiện đi lại và phương tiện vận chuyển đến các vùng đã, đang có dịch vào tỉnh; chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi để xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng; giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, môi trường do bệnh này gây ra. Kế hoạch hành động theo 2 tình huống dịch bệnh dự kiến gồm: tình huống khi chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Nam Định và khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Nam Định với các phương án giải quyết cụ thể đối với từng ngành chức năng cũng như các địa phương và chủ cơ sở chăn nuôi. Về cơ chế tài chính phục vụ việc phòng, chống, ứng phó với dịch tả lợn châu Phi tại địa phương do UBND cấp huyện, xã bố trí (mua bổ sung vật tư, hóa chất; chi tiền công cho lực lượng trực chốt kiểm dịch…). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí phòng, chống dịch, chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy. Việc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch phân công cụ thể cho các cơ quan, đơn vị theo nhiệm vụ chức năng. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh, tham mưu cho Ban chỉ đạo trong việc triển khai các hoạt động tương ứng với các tình huống dịch; hướng dẫn địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; là đầu mối hợp tác, hỗ trợ, trao đổi thông tin về ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi với các cơ quan Trung ương, các địa phương trong cả nước. Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền theo các chủ đề cụ thể, nhằm nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp, người dân về công tác phòng chống dịch bệnh như: Cách nhận biết bệnh; các biện pháp phòng, chống; quy trình xử lý dịch bệnh; vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch, nhất là vai trò của hộ chăn nuôi trong việc chủ động áp dụng các biệp pháp phòng, chống dịch để bảo vệ đàn vật nuôi của mình, trách nhiệm khai báo ngay với chính quyền khi phát hiện lợn ốm, chết bất thường; tuyên truyền về cơ chế, chính sách liên quan của Nhà nước; các mô hình điển hình trong phát triển chăn nuôi, an toàn dịch bệnh. Tham mưu đề nghị các cơ quan Trung ương hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, dụng cụ và nguyên vật liệu để tổ chức xử lý ổ dịch, chống dịch bệnh lây lan. Cập nhật tình hình dịch bệnh, hỗ trợ cung cấp thông tin tuyên truyền tại cơ sở, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho hệ thống thú y cơ sở; hướng dẫn các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; phương pháp xử lý đàn lợn mắc bệnh và lấy mẫu giám sát dịch bệnh; tổng hợp tiến độ, kết quả thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh ở các sở, ngành, đơn vị có liên quan, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Cục Thú y. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị phòng, chống dịch. Xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi theo kế hoạch để kịp thời phát hiện và xử lý khi phát hiện bệnh. Hướng dẫn tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở an toàn dịch bênh đặc biệt tại các cơ sở chăn nuôi nằm trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm và vùng có tổng đàn lợn chăn nuôi cao. Trình UBND tỉnh quyết định việc hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật và triển khai việc hỗ trợ phòng, chống dịch. Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả phòng, chống dịch bệnh động vật, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch và khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh. UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của địa phương, có giải pháp cụ thể để triển khai kế hoạch; kiện toàn, tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân về tác hại, nguy cơ xâm nhiễm và các biện pháp phòng dịch; chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, lấy mẫu bệnh phẩm, tiêu hủy và kiểm soát hoạt động buôn bán vận chuyển lợn, các sản phẩm của lợn. Các Sở Công thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo 389/ĐP, Cục Quản lý thị trường chủ động thực hiện phương án phòng, chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ của mình; chủ động chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt ngăn chặn sự xâm nhiễm và lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng thời lượng phát sóng, thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch; nêu rõ tác hại của việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi, tránh gây hoang mang trong xã hội./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com