Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tiếp xúc cử tri các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu

07:10, 09/10/2018

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, ngày 8-10-2018, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tổ chức các đoàn đi tiếp xúc cử tri các địa phương trong tỉnh. Đoàn các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tiến hành tiếp xúc cử tri các huyện Mỹ Lộc và Vụ Bản. Đoàn các đồng chí: Đào Việt Trung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Trương Anh Tuấn, TUV, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tiếp xúc cử tri các huyện Nam Trực và Nghĩa Hưng. Đoàn các đồng chí: Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Thiếu tướng Nguyễn Quang Ngọc, Phó Tư lệnh Quân khu 3 đã tiếp xúc cử tri các huyện Hải Hậu và Xuân Trường.

Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp xúc với cử tri huyện Mỹ Lộc. Ảnh: Văn trọng
Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp xúc với cử tri huyện Mỹ Lộc. Ảnh: Văn Trọng

Tại các điểm tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã báo cáo với các cử tri dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV và tóm tắt trả lời của các bộ, ngành Trung ương đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri Nam Định tại các kỳ họp trước. Dự kiến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV sẽ khai mạc vào ngày 22-10-2018 và bế mạc vào ngày 20-11-2018. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định những vấn đề chính sau: Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến vào 6 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo đánh giá về kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 (trong đó có xem xét kế hoạch tài chính - NSNN quốc gia 3 năm 2019-2022). Xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Xem xét các báo cáo đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; các công trình trọng điểm quốc gia; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Xem xét các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Xem xét các Báo cáo của thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp và các kết luận chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Xem xét, quyết định công tác nhân sự; thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Tại các điểm tiếp xúc với cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã nghe lãnh đạo các địa phương, cơ sở báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 9 tháng đầu năm và những nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2018, đồng thời nghe cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và đề xuất, kiến nghị những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Cử tri huyện Mỹ Lộc tập trung kiến nghị một số vấn đề: Đề nghị cơ quan Nhà nước các cấp và Tập đoàn Nam Cường tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả Khu đô thị Mỹ Trung; tránh tình trạng để một số điểm trong khu đô thị trở thành nơi chứa và đốt rác thải, đổ phế liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ huyện Mỹ Lộc triển khai xây dựng đạt tỷ lệ đường giao thông NTM cấp huyện. Tiếp tục thi công tuyến đường N3 (T3 sông Vĩnh Giang) nằm trong Dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Trần đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tránh tình trạng thi công dở dang, gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân địa phương, nhất là các hộ dân sống dọc trục đường. Quan tâm thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân Khu tái định cư Mỹ Trung đã kéo dài từ năm 2007 đến nay, gây nhiều bức xúc cho nhân dân, mặc dù tại thời điểm giao đất cho các hộ dân làm nhà ở, các hộ dân đã thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Cty cổ phần Tàu thủy Hoàng Anh. Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm tiếp tục nâng mức trợ cấp hằng tháng cho tất cả các đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, đặc biệt là thực hiện sớm lộ trình trợ cấp cho người cao tuổi từ 75 tuổi (hiện nay là 80 tuổi). Xem xét để đối tượng đang hưởng chế độ theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, ngày 27-10-2008 của Chính phủ có thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước chưa đủ 15 năm được cộng nối thời gian tham gia TNXP để đủ thời gian hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Có các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm răn đe, hạn chế vi phạm để bảo vệ đời sống, sức khỏe của nhân dân. Kịp thời chấn chỉnh mọi hành vi vi phạm trong công tác tổ chức thi và chấm thi THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng như năm học 2018-2019 vừa qua ở một số địa phương.

Cử tri huyện Vụ Bản bày tỏ sự phấn khởi trước những thành tựu mà đất nước, tỉnh ta đạt được trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ và tỉnh xây dựng cơ chế, thủ tục pháp lý để đơn giản các thủ tục hành chính về đất đai, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Giới thiệu những doanh nghiệp mạnh cả về quy mô, nguồn vốn, hoạt động khoa học kỹ thuật... đầu tư và liên kết với hộ nông dân trong huyện phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Có kế hoạch thu mua nông sản để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân. Tạo cơ chế đẩy mạnh liên kết “4 nhà”, khắc phục tình trạng được mùa, mất giá; phát triển công nghiệp chế biến nhằm tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Có cơ chế chính sách và kinh phí hỗ trợ huyện xây dựng Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy là Trung tâm Du lịch văn hóa tâm linh. Quản lý chặt chẽ các dịch vụ thuốc chữa bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc thu thuế và nạn hàng nhái. Xử lý, ngăn chặn việc bán hàng đa cấp các sản phẩm thực phẩm chức năng không để ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Nâng mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã và cán bộ cơ sở thôn, xóm. Có giải pháp đủ mạnh để trấn áp tình trạng mất an ninh trật tự liên quan đến tệ nạn ma túy, cờ bạc, tín dụng đen và hoạt động của các băng nhóm xã hội đen...

Phát biểu tại các cuộc tiếp xúc với cử tri của các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm 2018 đến nay; thông tin thêm về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đồng thời đề nghị các địa phương tích cực vào cuộc vận động nhân dân nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn và hoàn thành các tiêu chí còn lại trong xây dựng NTM, góp phần cùng tỉnh về đích hoàn thành xây dựng NTM vào giữa năm 2019. Bên cạnh đó, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đồng chí cũng trực tiếp làm rõ, tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của cử tri đối với tỉnh để chỉ đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh xem xét giải quyết; ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị của cử tri để tổng hợp báo cáo với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành của Trung ương xem xét giải quyết, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri.

Cử tri các huyện Nam Trực và Nghĩa Hưng đã kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh một số vấn đề như: cần có chính sách để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; chế độ chính sách hỗ trợ cho người nông dân, tránh tình trạng được mùa mất giá; đề nghị có giải pháp chuyển đổi đất nông nghiệp, thu hồi đất nông nghiệp bỏ hoang lâu năm lãng phí tài nguyên, chế độ của một số đối tượng cán bộ bán chuyên trách cấp xã còn thấp, đề nghị nâng cao phụ cấp hệ thống đê bối trên địa bàn có nhiều đoạn tuyến nhiều năm chưa được tu sửa, đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư tu sửa đảm bảo an toàn cho người dân ở các vùng nguy hiểm; Đề nghị xây dựng hệ thống trạm bơm tiêu để kịp thời xử lý khi mưa kéo dài ảnh hưởng tới nông nghiệp; đề nghị cấp Trung ương quản lý chặt việc sản xuất và lưu hành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng cho người nông dân khi sử dụng. Cử tri cũng đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm kiểm tra, thẩm định cải tạo các di tích đã xuống cấp để có biện pháp khắc phục kịp thời, bảo vệ di tích.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 huyện trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018. Đồng chí đã giải đáp, làm rõ ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền, đồng thời ghi nhận những phản ánh, kiến nghị của cử tri để báo cáo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành của Trung ương và các cấp, các ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu, xem xét, giải quyết.

Cử tri huyện Hải Hậu kiến nghị, hiện nay, Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nam Định đã tiến hành kiểm đếm, giải phóng mặt bằng… nhân dân rất đồng tình ủng hộ và chấp hành chủ trương của tỉnh, huyện. Tuy vậy, để phục vụ dự án, đời sống của nhân dân trong khu vực phải giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng. Một phần do sản xuất nông nghiệp bị đình trệ, nhiều thửa ruộng bỏ hoang, đường giao thông, đường nội đồng không tu sửa, đầu tư. Cử tri kiến nghị cần cụ thể kế hoạch, thời gian triển khai dự án để nhân dân biết, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Về việc thực hiện chính sách đối với người có công, cử tri kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công; nâng mức trợ cấp hằng tháng để đảm bảo người có công có mức sống ổn định, có điều kiện điều trị bệnh tật; bổ sung chế độ nuôi dưỡng cho người gián tiếp bị tật nguyền không tự phục vụ được khi bố mẹ qua đời. Về việc giải quyết chế độ cho người bị nhiễm chất độc hóa học, cần giải thích, công khai rõ lý do vì sao một số người đang hưởng mức cao hơn bị điều chỉnh xuống mức thấp hơn. Cử tri đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội có ý kiến với tỉnh xem xét quá trình giải quyết chế độ nạn nhân chất độc da cam của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh đảm bảo quyền lợi và thuận tiện cho đối tượng. Đối với số tiền chênh lệch phải thu hồi của các trường hợp điều chỉnh mức hưởng cần xác định rõ trách nhiệm, sai sót và phải kịp thời xử lý, thông báo cho đối tượng và nhân dân biết. Về chế độ phụ cấp cho những người làm công tác Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, đề nghị tỉnh cần sớm thực hiện nâng mức chế độ theo Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội cần sớm ban hành Luật Tổ chức Hội để làm cơ sở pháp lý cho các tổ chức Hội hoạt động đảm bảo chất lượng, góp phần xây dựng phong trào ở địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Cử tri cũng kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng thêm một số kè chữ T thuộc khu vực đê biển nhằm đảm bảo an toàn đê biển, đặc biệt trong mùa mưa bão hoặc triều cường.

Cử tri huyện Xuân Trường kiến nghị về việc chi trả chế độ trợ cấp đối với người bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, sau khi thanh tra không công khai rõ kết luận, chỉ thông báo việc dừng hoặc hạ mức chi trả chế độ trợ cấp và yêu cầu đối tượng được hưởng phải trả tiền phần chênh lệch giữa 2 mức mà không giải thích rõ. Cử tri đề nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ hơn trong việc thực hiện việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng chính sách, đặc biệt là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhân dân. Cử tri huyện Xuân Trường cũng đề nghị Nhà nước quan tâm đến việc đầu tư công trình thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sản xuất. Cần có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ sản xuất lớn tích tụ ruộng đất phù hợp kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để tái cơ cấu nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Trong lĩnh vực giáo dục, việc thi và chấm thi THPT cần đảm bảo công khai, minh bạch; việc cải cách giáo dục sau một lộ trình thí điểm cần có kết luận rõ để nhân dân được biết và thực hiện, tránh gây tâm lý hoang mang, không rõ ràng, tạo dư luận xấu trong nhân dân.

Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp báo cáo với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xem xét giải quyết. Những kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp tỉnh sẽ tiếp thu và chuyển các ngành chức năng của tỉnh xem xét giải quyết, giúp các địa phương khắc phục những khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội./.

Nhóm PV thời sự

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com