Các huyện Giao Thủy, Trực Ninh kỷ niệm 20 năm ngày tái lập

07:03, 27/03/2017

Ngày 25-3-2017, huyện Giao Thủy tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện (1-4-1997 - 1-4-2017); đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Ðoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Ðoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; các đồng chí trong Ban TVTU: Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch HÐND tỉnh; Bùi Xuân Ðức, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Ðoàn Văn Hùng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Trần Anh Dũng, Giám đốc Sở KH và ÐT; đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.

Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh gắn Huân chương Lao động hạng Nhì lên Cờ truyền thống của Đảng bộ, quân và dân huyện Giao Thủy. Ảnh: Việt Thắng
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh gắn Huân chương Lao động hạng Nhì lên Cờ truyền thống của Đảng bộ, quân và dân huyện Giao Thủy. Ảnh: Việt Thắng

Ngày 1-4-1997, huyện Giao Thủy được tái lập theo Nghị định 19-CP của Chính phủ. Trong hành trình hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới cùng cả nước, cả tỉnh, 20 năm kể từ khi tái lập đến nay mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng mất an ninh nông thôn những năm đầu tái lập, song Ðảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Giao Thủy đã quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu không ngừng trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ một huyện thuần nông, điểm xuất phát kinh tế thấp, đến nay Giao Thủy đã xây dựng được một nền kinh tế phát triển với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp trong cơ cấu kinh tế (hiện nay tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản: 37,24 %, công nghiệp - xây dựng: 19,88%, dịch vụ: 42,88%). Sản lượng thủy hải sản năm 2016 đạt 43 nghìn tấn, tăng 13,8 lần so với năm 1997; giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2016 đạt 815 tỷ đồng (tăng 20 lần so với năm 1997); thu ngân sách trên địa bàn năm 2016 đạt 133 tỷ đồng, tăng 12,7 lần so với năm 1997; thu nhập bình quân đầu người 29,3 triệu đồng, tăng 11,9 lần so với khi tái lập huyện. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt nhiều kết quả. Ðến nay toàn huyện đã có 8 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM, 7 xã đã được tỉnh thẩm định xong các tiêu chí xây dựng NTM. An ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an ninh nông thôn ổn định ngày càng vững chắc. Hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương. Công tác xây dựng Ðảng được tăng cường. Hằng năm kết nạp trên 130 đảng viên mới. Hiện nay Ðảng bộ huyện có trên 8.700 đảng viên sinh hoạt ở 88 tổ chức cơ sở Ðảng (tăng 21 tổ chức cơ sở Ðảng so với năm 1997); hằng năm có 50% tổ chức cơ sở Ðảng đạt trong sạch vững mạnh, 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Toàn Ðảng bộ huyện đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Vai trò lãnh đạo của các tổ chức Ðảng, vai trò tiền phong, gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị được nâng lên; kỷ cương, kỷ luật trong công vụ và đội ngũ công chức, viên chức được chấn chỉnh; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, chính quyền các cấp. Phát huy truyền thống, kinh nghiệm và thành tựu trong 20 năm qua, phương hướng và nhiệm vụ của Ðảng bộ và nhân dân huyện Giao Thủy trong thời gian tới được xác định là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ, đổi mới; tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM trước năm 2020.

Tại lễ kỷ niệm, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ðoàn Hồng Phong đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ðảng bộ và nhân dân huyện Giao Thủy.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những thành quả mà Ðảng bộ và nhân dân huyện Giao Thủy đã đạt được trong 20 năm qua; đồng thời nhấn mạnh: Kỷ niệm 20 năm tái lập huyện, vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng Nhì, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Giao Thủy cần tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng và anh hùng, đổi mới toàn diện, khai thác tốt hơn mọi tiềm năng, lợi thế và nguồn lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ XII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ XXV; quyết tâm xây dựng quê hương Giao Thủy trở thành huyện NTM năm 2017.

Cùng ngày 25-3-2017, huyện Trực Ninh đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập huyện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Các đồng chí: Ðào Việt Trung, Ủy viên BCH Trung ương Ðảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Khắc Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh; các đồng chí trong Ban TVTU; lãnh đạo các sở, ban, ngành; các huyện, thành phố; đại diện các mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; lãnh đạo huyện qua các thời kỳ; đại diện các tổ chức tôn giáo, hội đồng hương Trực Ninh tại Nam Ðịnh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo các xã, thị trấn cùng đại diện các tầng lớp nhân trong huyện đã về dự.

Trực Ninh là vùng đất văn hiến, khoa bảng, quê hương của nhiều bậc hiền tài. Với bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng, huyện Trực Ninh đã có vị trí quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc 15.035 người con quê hương Trực Ninh đã lên đường tham gia quân đội, du kích, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong. Trong đó có 3.031 người đã anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sĩ; 6.193 thương, bệnh binh; 218 bà mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Với những thành tích đặc biệt đó, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Trực Ninh và 14 xã, thị trấn trong huyện đã được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp”… Sau 29 năm hợp nhất với huyện Nam Trực thành huyện Nam Ninh, ngày 1-4-1997, huyện Trực Ninh chính thức được tái lập theo Nghị định số 19/CP ngày 26-2-1997 của Chính phủ. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, từ điểm xuất phát thấp nhưng với tinh thần quyết tâm cao, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trực Ninh đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tận dụng những tiềm năng, lợi thế của địa phương, khơi dậy các nguồn lực đầu tư để xây dựng huyện ngày càng giàu mạnh và đạt được những kết quả khá toàn diện. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá; năm 2016, tăng trưởng 13,51%, cao hơn 2 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Ðến năm 2016, nông nghiệp - thủy sản chiếm 25,18% (năm 1997 là 56,36%), công nghiệp - xây dựng chiếm 41,14% (năm 1997 là 15,59%), dịch vụ chiếm 33,68% (năm 1997 là 28,05%). Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 106,8 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp - thủy sản đạt hơn 537 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 1997; thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng/năm. Thực hiện phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM, đến nay huyện đã có 19/21 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; 2 xã còn lại là Phương Ðịnh, Trực Thuận đang hoàn thiện các điều kiện và hồ sơ, đề nghị tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM vào quý II năm 2017… Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế luôn là đơn vị dẫn đầu của tỉnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Bước sang giai đoạn mới, huyện Trực Ninh tiếp tục tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Ðảng, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của Ðảng bộ và nhân dân tạo bước phát triển mạnh, toàn diện về kinh tế - xã hội. Tập trung khai thác, phát huy các nguồn lực xây dựng NTM. Tạo bước đột phá về phát triển CN-TTCN. Chú trọng phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu năm 2017 huyện Trực Ninh đạt chuẩn NTM, từng bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ XXIV.

Tại lễ kỷ niệm, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Ðào Việt Trung, Ủy viên BCH Trung ương Ðảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã trao tặng Ðảng bộ, nhân dân huyện Trực Ninh Huân chương Lao động hạng Nhì.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh, đồng chí Ngô Gia Tự, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận, chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trực Ninh đã đạt được trong suốt chặng đường 20 năm qua, đồng thời nhấn mạnh: Bước sang giai đoạn mới, huyện Trực Ninh cần phát huy mạnh mẽ những kết quả đã đạt được, chủ động khắc phục khó khăn, xây dựng huyện thực sự vững mạnh. Trong đó tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng ổn định, bền vững, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cho phát triển. Tiếp tục duy trì những kết quả đạt được về xây dựng NTM, không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, quyết tâm phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2017. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo Nghị quyết số 05 của BCH Trung ương Ðảng khóa XII. Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Không ngừng phát huy quyền làm chủ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Coi trọng và thực hiện tốt công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, nhất là Nghị quyết số 04 của BCH Trung ương Ðảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng bộ máy chính quyền bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH-HÐH./.

Việt Thắng Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com