Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2016

07:07, 04/07/2016

Trong 2 ngày 30-6 và 1-7-2016, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trần Lê Đoài, Bạch Ngọc Chiến, Nguyễn Phùng Hoan; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta.
Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta.

Theo báo cáo của Bộ KH và ĐT, 6 tháng đầu năm 2016, GDP cả nước ước tăng 5,52%, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ 6,32%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,7% thì 6 tháng cuối năm kinh tế cần tăng trưởng 7,6%. Đây là mức tăng trưởng khá cao, đặc biệt trong bối cảnh tình hình hiện nay không còn dư địa trong việc nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa trong 6 tháng cuối năm. Việc tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng đến các chi tiêu về bội chi, nợ công và nợ Chính phủ đến cuối năm 2016, khiến có thể vượt trần cho phép. 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,4%; bình quân tăng 1,72%. Lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 8,07% so với tháng 12-2015. Sau sự kiện vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tỷ giá ngoại tệ, giá vàng và chỉ số chứng khoán của nước ta đều có biến động, nhưng đến nay đã dần ổn định trở lại. Nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Về chỉ tiêu thu ngân sách, nửa đầu năm ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, thấp hơn tiến độ thu cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt thấp, chỉ tăng 5,9%, thấp nhất so mức tăng cùng kỳ 6 năm qua và thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm tăng 10%. Tăng trưởng thấp có một phần nguyên nhân từ việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư công đạt thấp, gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2016 các địa phương cần thực hiện tốt các Nghị quyết số: 01; 19 và 35 năm 2016 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó là thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; thực hiện tốt các nhiệm vụ tài chính ngân sách.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 ngày 7-1-2016 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016; báo cáo về tình hình triển khai, giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2016; báo cáo về tình hình kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2016; báo cáo việc sử dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân so với cùng kỳ năm trước làm thước đo lạm phát của nền kinh tế thay cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm hiện hành so với tháng 12 năm trước. Nghe báo cáo tình hình liên quan đến việc Vương quốc Anh tách khỏi Liên minh châu Âu và tác động đến Việt Nam.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ còn lại của năm 2016 mà Trung ương và Quốc hội đã giao; khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, liêm chính, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chính phủ và các bộ, ngành tập trung nhiều hơn vào xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý. Chính phủ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương trên tinh thần cải cách thể chế, tăng cường minh bạch và trách nhiệm thực thi; hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho, tránh cục bộ, lợi ích nhóm trong hành động và chính sách; đẩy mạnh xã hội hóa, những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm; coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng. Các ngành, địa phương đều phải có đề án xã hội hóa để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ lưu ý, nền kinh tế chúng ta đang tồn tại nhiều điểm yếu, sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm có yếu tố khách quan nhưng có cả chủ quan do chỉ đạo điều hành, dẫn tới tình trạng tăng trưởng chậm, thể hiện ở mức giải ngân thấp. Quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải hành động quyết liệt, ưu tiên xử lý các điểm nghẽn, tạo lập nền tảng vững chắc trong dài hạn. Trước mắt, Chính phủ chưa điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra. Tinh thần chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là huy động cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân kiên quyết không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, dám nghĩ dám làm, thực hiện và hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu đề ra. Phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, chấn chỉnh những vi phạm, nhất là vi phạm mua sắm và sử dụng tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản, khai thác tài nguyên trái phép… Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị. Thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm toàn diện về đơn vị mình. Ai không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị thay thế. Từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan cần xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả thực thi công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng phát triển bền vững. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần các nghị quyết của Chính phủ. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư; tập trung hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp; làm tốt công tác an sinh xã hội, ổn định xã hội. Mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng tiêu dùng nội địa. Điều hành chủ động, linh hoạt hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ - tài khóa, có chính sách huy động vốn trong dân; kiềm chế lạm phát. Giải quyết tốt bài toán nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả thông qua tái cơ cấu. Do đó, từng bộ, ngành, địa phương phải đặt ra chương trình hành động cụ thể về tái cơ cấu, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy nhanh tiến độ thoái vốn ngoài ngành. Thủ tướng giao Bộ KH và ĐT theo dõi các chính sách đối với doanh nghiệp, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc đối với các doanh nghiệp. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích lúa hè thu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; ngành Nông nghiệp hướng dẫn bà con tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm. Bộ Công thương có giải pháp hỗ trợ công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển, mở rộng thị trường nội địa, mở thêm các kênh phân phối; kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên. Tăng diện phủ BHYT toàn dân lên hơn 90% vào năm 2020… Để thực hiện và hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm vụ trong cuối năm 2016, các ngành, các địa phương không được chủ quan trước mọi biến động của tình hình thế giới, chủ động ứng phó mọi tình huống. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân; bảo đảm trật tự ATGT; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực; tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm môi trường, kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân để xảy ra sự cố môi trường như vừa qua để rút kinh nghiệm chung, không để xảy ra sự cố tương tự...

Tin, ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com