Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ về thăm và làm việc tại tỉnh ta

08:06, 10/06/2016

* Thủ tướng dự Lễ Mít tinh Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2016 và kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới (8-6)

Trong các ngày 7 và 8-6-2016, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu Đoàn công tác Trung ương đã về thăm và làm việc tại tỉnh ta. Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí Uỷ viên BCH Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH và ĐT; Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT; Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN và MT; Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; các đồng chí Thứ trưởng các Bộ: Tài chính, GTVT, Công thương, Nội vụ, VH, TT và DL. Đón tiếp và làm việc với Đoàn về phía tỉnh ta có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Xuân Thu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Xuân Thu

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo khái quát tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2015, những tháng đầu năm 2016, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2016. Báo cáo nhấn mạnh: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Nam Định đã nỗ lực, đoàn kết thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nhiều kết quả nổi bật. Trong năm 2015, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, có bước phát triển với 20/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,5%, mức cao nhất trong cả nhiệm kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 24%; giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha canh tác đạt 102 triệu đồng/năm; thu ngân sách đạt trên 3.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 1 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội địa bàn. Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP (giá so sánh 2010) ước 6 tháng đầu năm đạt 17.500 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2015; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 12 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5%; thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn ước thực hiện 1.800 tỷ đồng, đạt 58% dự toán, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Tỉnh tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 29 dự án với tổng số vốn đăng ký 293,5 tỷ đồng và 80,2 triệu USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2015. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, quốc phòng an ninh tiếp tục được chú trọng, duy trì ổn định. Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2016 và những năm tiếp theo của tỉnh là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Nhằm giúp cho tỉnh Nam Định phát triển nhanh, tỉnh đề xuất kiến nghị với Trung ương 5 nội dung lớn: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí vốn để triển khai, thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển kinh tế nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; xây dựng khu Trung tâm lễ hội thuộc Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử - văn hoá Trần. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ KH và ĐT, Bộ Tài chính xem xét, bố trí hỗ trợ vốn để đẩy nhanh tiến độ công trình kè nam sông Đào (TP Nam Định) bảo đảm công tác PCLB và cảnh quan đô thị. Đề nghị Chính phủ sớm triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định dài khoảng 70km với quy mô cấp I đồng bằng để tạo động lực phát triển kinh tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc miền Trung, thuận lợi cho việc xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai, tăng cường củng cố an ninh, quốc phòng khu vực biên giới biển. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Nam Định thành lập Sở Ngoại vụ và Trung tâm xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở tổng biên chế của Trung ương đã giao cho tỉnh. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh Nam Định trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn lớn của nước ngoài vào đầu tư tại Nam Định.

Góp ý vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, hữu ích mang tính định hướng, chỉ rõ những lợi thế cũng như hạn chế cần quan tâm, giúp tỉnh Nam Định vươn lên mạnh mẽ hơn. Nam Định cần tận dụng lợi thế của địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hoá để phát triển du lịch tâm linh; phát huy lợi thế của vùng đất hiếu học, học giỏi với nguồn lao động trẻ, dồi dào. Là địa phương có truyền thống về ngành dệt may, Nam Định cần sớm vươn lên trở thành trung tâm dệt may, phát triển công nghiệp phụ trợ ngành dệt may lớn ở phía Bắc cũng như cả nước nhằm đón bắt các hiệp định thương mại thế hệ mới, nhất là khi Hiệp định TPP sắp có hiệu lực. 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương quan tâm, giúp địa phương thực hiện các định hướng chiến lược phát triển nhằm thực hiện thành công mục tiêu trọng tâm, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế, phấn đấu đến năm 2020, Nam Định trở thành tỉnh NTM với nền công nghiệp phát triển nhanh theo hướng hiện đại; xây dựng Thành phố Nam Định từng bước hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Đối với tuyến quốc lộ ven biển đề nghị Bộ GTVT làm đầu mối để bảo đảm dự án thống nhất và liên hoàn các tỉnh trên tuyến mới phát huy được hiệu quả đầu tư.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện chương trình xây dựng NTM, đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng gia đình chính sách. Trong nhiều giai đoạn lịch sử, Nam Định vẫn luôn được đánh giá là tỉnh giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, là vùng đất học, có nhiều người học giỏi, thành đạt trên khắp mọi miền Tổ quốc. Thành phố Nam Định cùng với Thành phố Hà Nội và Hải Phòng là ba đô thị lớn ở phía Bắc được nhiều người biết đến và có truyền thống về công nghiệp dệt, cơ khí. Tuy nhiên, Nam Định hiện vẫn là tỉnh nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tổng thu ngân sách trên địa bàn mới chỉ cân đối được một phần nhu cầu chi. Các lĩnh vực an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tốt nhưng công tác bảo đảm ATGT chưa đạt yêu cầu đề ra. Từ thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Nam Định phải chú trọng phát triển đồng đều tam giác kinh tế - xã hội - môi trường; nghiên cứu đồng bộ và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nam Định cần tập trung triển khai, thực hiện sáng tạo Nghị quyết số 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Thủ tướng lưu ý Nam Định cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nhanh hơn nữa bởi tỷ lệ giải ngân của tỉnh từ đầu năm đến nay mới chỉ đạt 19% là thấp, tránh để lãng phí nguồn lực này. Đề cập đến các giải pháp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc phát huy nhân tố con người; tỉnh cần không ngừng hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh; bảo đảm tốt chế độ chính sách để đội ngũ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo và quyết đoán hơn; chú trọng cơ chế khởi nghiệp bởi cả tỉnh mới chỉ có gần 6.000 doanh nghiệp, quá ít so với tiềm năng. Thủ tướng Chính phủ tán thành định hướng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó Nam Định cần tập trung cao hơn nâng cấp hạ tầng, mở rộng sản xuất công nghiệp hỗ trợ các ngành dệt may, lắp ráp ô tô, điện, điện tử gắn với giữ gìn, bảo vệ môi trường. Tỉnh nên khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư bán lẻ lớn trong và ngoài nước nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của một tỉnh đông dân. Trong lĩnh vực nông nghiệp, phát huy những thế mạnh đã có, Nam Định cần chủ động tái cơ cấu lại ngành nghề, lĩnh vực sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn hơn để nâng cao thu nhập cho người dân. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Nam Định duy trì thực hiện tốt chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, chăm lo đời sống, sinh hoạt của đồng bào có đạo, duy trì khối đại đoàn kết toàn dân, chung tay phát triển quê hương. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với một số kiến nghị của Nam Định bao gồm: sớm đầu tư xây dựng trục đường phát triển kinh tế ven biển nối với tuyến cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, xây dựng tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đi Thanh Hoá bằng cách đa dạng nguồn vốn, giao cho Bộ GTVT làm đầu mối chứ không để các tỉnh trên tuyến tự lập dự án riêng. Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương xây dựng khu Trung tâm lễ hội trong quần thể Khu di lích lịch sử - văn hoá Trần, giao cho Bộ KH và ĐT lập phương án cụ thể. Đối với công trình kè nam sông Đào, Chính phủ đồng ý đầu tư bởi đây là dự án không chỉ có tác dụng PCLB mà còn góp phần quan trọng chỉnh trang đô thị Nam Định theo định hướng văn minh, hiện đại. Về tổ chức bộ máy, Chính phủ đồng ý để Nam Định thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND tỉnh trên nguyên tắc không tăng biên chế, rà soát tập hợp nhân lực trong lĩnh vực công tác này tập trung một đầu mối bảo đảm điều hành hiệu quả nhằm góp phần thu hút nhiều hơn các dự án lớn, các dự án chiến lược đầu tư về tỉnh trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nam Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, tặng quà, động viên ông Nguyễn Văn Hỷ, thương binh hạng 1/4 ở xóm 6 và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Hồng có chồng và con trai là liệt sĩ ở xóm 3, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc); thăm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã NTM Hải Hà (Hải Hậu).

Trước đó tại khu du lịch Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ mít tinh Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương Thế giới năm 2016 do Bộ TN và MT, UBND tỉnh phối hợp tổ chức. Dự Lễ mít tinh có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố ven biển, các tổ chức hội, đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ BĐBP, học sinh, sinh viên và đông đảo nhân dân địa bàn tỉnh.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được tổ chức hằng năm từ ngày 1 đến ngày 8-6 trên phạm vi cả nước. Chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2016 là “Vì sự bền vững của biển cả” nhằm đề cao trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, tăng cường quản lý khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển. Ngày Đại dương Thế giới năm nay với chủ đề “Đại dương khỏe mạnh, hành tinh lành mạnh”. Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam còn là dịp để tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về các vấn đề kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời Tổ quốc; đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lễ mít tinh là sự kiện chính nằm trong chuỗi hoạt động nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam lần thứ 8 năm 2016 thể hiện thông điệp mạnh mẽ khẳng định Việt Nam luôn có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực vì một hành tinh xanh.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, hướng tới mục tiêu đưa nước ta sớm trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Để phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi và vượt qua khó khăn thách thức, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương triển khai 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Đoàn kết, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng và lợi ích quốc gia bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên biển cho phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% GDP và 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về biển và hải đảo; triển khai thực hiện tốt Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; phối hợp đồng bộ, toàn diện giữa các cấp, các ngành, các địa phương để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển và hải đảo nhằm xác lập luận cứ khoa học cho xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế biển, đảo và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Huy động, thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế biển. Xác định bảo vệ môi trường biển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên và lâu dài; trong đó cần tăng cường bảo vệ môi trường vùng biển ven bờ, ứng phó kịp thời các sự cố môi trường; rà soát lại tất cả dự án trên cả nước có xả thải ra môi trường biển, bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quy định của pháp luật về BVMT, kiên quyết xử lý nghiêm bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi vi phạm. Chủ động phòng tránh thiên tai. Chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển và hải đảo.

Tại Lễ mít tinh, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị khẳng định: Với tinh thần “Tất cả vì biển, đảo quê hương”, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Nam Định luôn đồng lòng, sát cánh, chung tay với nhân dân cả nước trong bảo vệ biển, đảo. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt các mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đặt ra, đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển, tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển. Cùng với nhân dân cả nước hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau Lễ mít tinh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành và lực lượng cán bộ, chiến sĩ BĐBP, hội viên Hội Nông dân, đoàn viên thanh niên, học sinh của tỉnh tham gia thu dọn rác, làm sạch bờ biển, đạp xe diễu hành kêu gọi bảo vệ môi trường biển. Thời gian tới, ngành TN và MT tập trung tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề, khu, CCN, bệnh viện, khu vực nuôi trồng thủy, hải sản. Tăng cường hệ thống quan trắc nước mặt (trên các sông, ao, hồ), nước ngầm (nhất là khu vực ven biển có túi nước ngầm quý giá), nước thải ít nhất là 2 đợt/năm. Tập trung xây dựng và thực hiện các quy hoạch về bảo vệ môi trường, quy hoạch sử dụng tài nguyên nước, các quy hoạch, chiến lược khai thác sử dụng tài nguyên môi trường biển đã được phê duyệt. Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa các địa phương trong khu vực khi xuất hiện các hiện tượng bất thường về môi trường, hệ sinh thái để đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời, đồng bộ./.

Xuân Thu Thanh Thúy 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com