Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý nuôi trồng thuỷ sản năm 2015

08:03, 23/03/2015

Ngày 19-3-2015, UBND tỉnh ra Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý nuôi trồng thuỷ sản năm 2015. Nội dung như sau:

Năm 2014, mặc dù sản xuất thuỷ sản triển khai trong điều kiện gặp nhiều khó khăn: Thời tiết diễn biến phức tạp, không theo quy luật; giá vật tư tiếp tục tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến nuôi trồng thủy sản và đời sống của nông, ngư dân. Với sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức thực hiện và sự nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn của toàn ngành NN và PTNT cũng như của nông, ngư dân, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn phát triển mạnh, sôi động cả vùng mặn lợ và vùng nước ngọt. Công tác tập huấn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thú y thuỷ sản được coi trọng, bệnh dịch được kiểm soát; công tác quản lý chất lượng trong nuôi trồng thủy sản đã dần đi vào nề nếp. Từng bước hình thành những vùng nuôi có quy mô và sản lượng lớn tập trung, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Dự báo lĩnh vực nuôi trồng thủy sản năm 2015 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2014. Để chủ động ứng phó với những khó khăn, bất lợi do biến đổi khí hậu, đảm bảo nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững, có hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, UBND tỉnh chỉ thị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Sở NN và PTNT

- Tích cực hướng dẫn triển khai đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực nuôi trồng thủy sản để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng các mô hình sản xuất thủy sản theo chuỗi để gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở diện tích nuôi hiện có, tăng diện tích bán thâm canh, thâm canh nhằm nâng cao năng suất. Xác định đối tượng nuôi chủ lực phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng. Đẩy mạnh nuôi tôm thẻ chân trắng, ngao, cá bống bớp... ở vùng nước mặn lợ; phát triển nuôi các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế ở vùng nước ngọt như: Cá lăng chấm, cá trắm đen và các loài cá truyền thống; đồng thời triển khai xây dựng mô hình nuôi các đối tượng mới, có giá trị kinh tế như cá đối mục, cá nheo Mỹ... Tiếp tục khảo sát lựa chọn và xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa; xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản theo VietGAP nhằm tạo ra các sản phẩm thủy sản sạch và an toàn cho người tiêu dùng; nghiên cứu, lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu để xây dựng thương hiệu nhằm quảng bá các sản phẩm thủy sản trong tỉnh.

- Tiếp tục hoàn thiện kế hoạch và chiến lược phát triển giống thủy sản; đánh giá hiện trạng các cơ sở nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất giống thủy hải sản; phân tích đánh giá rõ quy mô năng lực, sản lượng giống hằng năm của từng đơn vị, thị trường tiêu thụ và hiệu quả đầu tư để từng bước đưa Nam Định trở thành Trung tâm sản xuất giống của khu vực đồng bằng sông Hồng.

- Thực hiện tốt công tác chỉ đạo, quản lý sản xuất và cung ứng giống thủy sản. Chỉ đạo hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống, các vùng nuôi thủy sản làm tốt công tác vệ sinh thú y, phòng trừ dịch bệnh. Làm tốt công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các bãi giống tự nhiên (bãi ngao giống Giao Thủy, Nghĩa Hưng, các bãi tôm, cá giống ở các cửa sông...). Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc con giống nhập ngoài tỉnh; chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống tích cực, chủ động trong sản xuất, phấn đấu đáp ứng đủ giống cho nhu cầu nuôi của tỉnh đảm bảo chất lượng, số lượng và chủng loại.

- Chỉ đạo sát lịch thời vụ nuôi thả các đối tượng nuôi, hướng dẫn các hộ nuôi thả giống vào thời điểm thuận lợi nhất và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật nuôi. Mở các lớp tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn cho nông, ngư dân về quy trình đối với từng đối tượng nuôi và quy trình nuôi tôm nước lợ an toàn trong vùng dịch bệnh.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và chính quyền các cấp tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng hàng hóa chuyên ngành thủy sản; làm tốt công tác chứng nhận xuất xứ sản phẩm thủy sản nuôi nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu.

- Tổ chức thanh tra các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh các loại vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản như: Thức ăn, thuốc thú y thủy sản, hóa chất, chất cải tạo môi trường và chế phẩm sinh học, điều kiện sản xuất, kinh doanh. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc cố tình vi phạm.

- Quản lý chặt chẽ việc tổ chức Hội thảo giới thiệu sản phẩm mới của các Cty về thức ăn, hóa chất, thuốc… đánh giá hiệu quả các mô hình chuyển đổi và khoanh định các vùng dự kiến chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản của các địa phương.

- Quan trắc môi trường, cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra. Khi xảy ra dịch bệnh khẩn trương khoanh vùng và hướng dẫn các biện pháp xử lý nhằm hạn chế lây lan và ô nhiễm môi trường. Thực hiện tốt các giải pháp về phòng, chống và khắc phục hậu quả đối với những diễn biến bất thường của thời tiết khí hậu.

- Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản và thực hiện tốt kế hoạch thực hiện năm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

2. UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác thủy lợi, nạo vét kênh mương, vệ sinh, cải tạo ao đầm nhất là ở các vùng nuôi trọng điểm; chỉ đạo Cty TNHH một thành viên KTCTTL thực hiện tốt việc điều tiết nước cho các vùng nuôi.

- Chỉ đạo Phòng NN và PTNT phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn cho nông, ngư dân thấy rõ tầm quan trọng của việc chọn đối tượng nuôi, chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản; tổ chức tốt việc tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, kiến thức đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vận động ngư dân không mua giống chưa được kiểm dịch, không sử dụng hóa chất và kháng sinh cấm theo quy định của Bộ NN và PTNT.

- Phối hợp với Thanh tra Sở NN và PTNT, Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh con giống và vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản không đảm bảo chất lượng hoặc không được phép lưu hành theo quy định của Nhà nước.

- Chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản theo đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của từng huyện, quản lý nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch được phê duyệt; thống kê các đối tượng, diện tích, số hộ nuôi của từng vùng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các yếu tố môi trường và tình hình dịch bệnh của các đối tượng nuôi, vùng nuôi; đánh giá hiệu quả các mô hình chuyển đổi hiện có, khoanh định và đánh giá điều kiện các vùng dự kiến chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở NN và PTNT); thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; phối hợp với Sở NN và PTNT quản lý chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm của các Cty sản xuất các mặt hàng phục vụ nuôi trồng thủy sản.

3. Các ngành chức năng của tỉnh

Các sở, ngành: Tài chính, KH và ĐT, Công thương, TN và MT, Công an tỉnh, BĐBP tỉnh và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với ngành NN và PTNT và UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo vụ nuôi năm 2015 đạt kết quả tốt.

UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này đảm bảo đạt kết quả cao; báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở NN và PTNT) để chỉ đạo./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com