Đồng chí Trường Chinh với Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (kỳ 2)

05:09, 01/09/2022

TS. Đặng Văn Thái

(Tiếp theo)

Sự đổi mới đó dựa trên những bài học được đúc kết từ những thắng lợi đã đạt được và những khuyết điểm, sai lầm mà chúng ta đã phạm trong 11 năm qua, khi cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội".

Đồng chí Trường Chinh nêu ba bài học kinh nghiệm quan trọng:

"Một là, sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân". Từ tiền đề này, đồng chí cho rằng, để thật sự phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, phải tin tưởng ở nhân dân, mọi chủ trương, chính sách đều phải lấy dân làm gốc.

Đồng chí Trường Chinh khẳng định: "Bài học "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" trước đây quan trọng, bây giờ càng quan trọng, đó là bài học lịch sử vô giá của cách mạng nước ta".

"Hai là, trong công tác lãnh đạo, "phải tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng nó vào thực tế"".

Đồng chí Trường Chinh trò chuyện với các thành viên Ban Soạn thảo văn kiện Đại hội VI, tháng 11-1986
Đồng chí Trường Chinh trò chuyện với các thành viên Ban Soạn thảo văn kiện Đại hội VI, tháng 11-1986

Đồng chí chỉ rõ, muốn chuyển biến tình hình kinh tế - xã hội, trước hết phải thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế. Chủ nghĩa Mác - Lênin nêu lên những nguyên lý chung có tính phổ biến. Song, vận dụng những nguyên lý đó vào hoàn cảnh Việt Nam như thế nào là việc của chúng ta phải làm; không ai có thể làm thay chúng ta được. Muốn vậy, "phải xuất phát từ thực tế Việt Nam, với những con người Việt Nam cụ thể, với điều kiện phát triển cụ thể của lịch sử, của nền kinh tế, của điều kiện xã hội, của những truyền thống Việt Nam".

Đồng chí Trường Chinh khẳng định: "Có thể nói ngay rằng làm sai quy luật thì không thể đi lên chủ nghĩa xã hội được, càng sai quy luật thì con đường lên chủ nghĩa xã hội càng kéo dài ra, chứ không hề gần lại với chúng ta. Đốt cháy giai đoạn, làm trái quy luật, tưởng như vậy là đi nhanh hơn, kỳ thật sẽ đi rất chậm.

Tóm lại, tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng đúng đắn, hành động theo quy luật chính là cách đi lên chủ nghĩa xã hội đúng nhất và nhanh nhất, không có con đường nào khác. Đó là bài học thứ hai của chúng ta".

Ba là, để bảo đảm huy động được đầy đủ sức mạnh của nhân dân trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm cho việc tự giác vận dụng các quy luật, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tác dụng tích cực của chúng, nhất thiết phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đồng chí Trường Chinh chỉ rõ: "Làm đúng quy luật chính là hợp với lòng dân, hợp với xu thế đi lên của đất nước và của thời đại. Vì vậy, làm đúng quy luật thì nhất định sản xuất sẽ phát triển, giao lưu sẽ thông suốt, tình hình sẽ ổn định dần và từng bước đi lên".

Sau Hội nghị cán bộ tháng 7-1986, Ban Chấp hành Trung ương nhận được nhiều bản góp ý bổ sung và góp phần làm sáng tỏ một số luận điểm nêu trong Dự thảo báo cáo. Vì vậy, sau khi nghe báo cáo của Tiểu ban văn kiện, đặc biệt là những ý kiến khác nhau đối với các vấn đề lớn về kinh tế, đồng chí triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư để thảo luận kỹ về ba vấn đề kinh tế thời kỳ quá độ (cơ cấu sản xuất; cải tạo xã hội chủ nghĩa; cơ chế quản lý kinh tế) để trên cơ sở đó đổi mới và hoàn chỉnh Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ VI và giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt. Đồng thời, đây còn là sự đổi mới tư duy về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, mở đường đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Đầu tháng 8-1986, tờ trình gồm 25 vấn đề cốt lõi của Dự thảo báo cáo chính trị mới, các ý kiến khác nhau về từng vấn đề bắt đầu được đưa ra thảo luận ở nhóm biên soạn và tiểu ban văn kiện (gồm 5 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, 3 đồng chí trong Ban Bí thư và 12 đồng chí Ủy viên Trung ương). Ngày 20-8-1986, tờ trình nêu trên được chuyển đến tận tay các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường vụ Hội đồng bộ trưởng xem trước.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com